Bước đột phá trong quy định chức năng, nhiệm vụ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố

Cập nhật: 11/1/2015 | 4:36:46 PM

Những ngày cuối năm 2014, trong không khí tưng bừng cả nước hân hoan chào đón năm mới, năm Ất mùi 2015. Lĩnh vực y tế dự phòng cũng đón nhận tin vui: Bộ trưởng Bộ Y tế ký, ban hành Thông tư 51/2014/TT-BYT ngày 29/12/2014 “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Đây là một chủ trương lớn của Bộ Y tế trong lộ trình từng bước nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố, đáp ứng đòi hỏi mới trong công tác dự phòng nâng cao sức khỏe, kiểm soát dịch bệnh, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

 


 Quá trình chuẩn bị dự thảo thông tư đã được Ban cán sự đảng Bộ Y tế, Lãnh đạo Bộ Y tế quan tâm chỉ đạo sát sao. Sự tham gia tích cực của Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế và các Vụ, Cục liên quan của Bộ Y tế. Đặc biệt là sự tham gia đóng góp ý kiến, phân tích, phản biện với trách nhiệm chính trị rất cao của các đồng chí lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng 63 tỉnh, thành phố. Là những đóng góp lớn lao của Hội Y học dự phòng Việt Nam, các Viện VSDT/Pasteur... đối với sự tồn tại, phát triển của hệ thống y tế dự phòng Việt Nam.

 Thông tư có 6 Điều: Điều 1 quy định Vị trí , chức năng; Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn; Điều 3. Cơ cấu tổ chức; Điều 4. Vị trí và số lượng người làm việc; Điều 5. Hiệu lực thi hành; Điều 6. Trách nhiệm thi hành và 01 phụ lục kèm theo “Hướng dẫn một số nội dung chi tiết nhiệm vụ các Khoa, Phòng  thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Nội dung của Thông tư đã thể hiện cách tiếp cận mới đa chiều của Y tế dự phòng trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân chứ không phải chỉ là cách tiếp cận một chiều như trước đây (mỗi nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh).Về vị trí, chức năng, ngoài chức năng chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh còn có chức năng tổ chức thực hiện các dịch vụ công về y tế theo quy định của pháp luật. Về nhiệm vụ và quyền hạn: Thông tư đã  nêu đầy đủ các nhiệm vụ của Y tế dự phòng tích hợp trong một đơn vị để tạo tiền đề cho việc hình thành, xây dựng mô hình Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) trong thời gian tới mà đã được định hình trong các chủ trương của lãnh đạo Bộ Y tế nhằm cụ thể hóa Quyết định số 122/QĐ-TTg, ngày 10/ 01/ 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030”: Củng cố, phát triển mạng lưới y tế dự phòng theo hướng tập trung, thu gọn đầu mối đơn vị nhằm tăng cường hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động, bảo đảm đủ khả năng dự báo, kiểm soát các bệnh lây nhiễm, bệnh không lây nhiễm và các bệnh liên quan đến môi trường, lối sống.

Điểm nổi bật tại Điều 3 về cơ cấu tổ chức là việc thành lập mới các khoa/phòng: Khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng, Phòng khám tư vấn và điều trị dự phòng và hình thức Phòng khám đa khoa được thực hiện khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật liên quan và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập. Việc thành lập Khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm nhằm đối phó với thực trạng hiện nay các bệnh không lây nhiễm đã trở thành thách thức lớn nhất với sức khỏe toàn cầu. Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân tử vong và tàn tật hàng đầu, trong tổng số 57 triệu trường hợp tử vong năm 2008 trên toàn cầu, có 36 triệu tử vong (63%) là do các BKLN, chủ yếu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tổ chức Y tế thế giới ước tính tử vong do các BKLN toàn cầu đến năm 2020 sẽ tăng thêm 15% so với năm 2010 (tới 44 triệu người) và đến năm 2030 sẽ tiếp tục gia tăng tới 52 triệu người. Trong vòng 20 năm tới, hàng năm số tử vong do các bệnh nhiễm trùng dự đoán sẽ giảm được khoảng 7 triệu người, tử vong do bệnh tim mạch hàng năm dự đoán sẽ tăng tới 6 triệu người và do ung thư là 4 triệu người. Ở những nước thu nhập thấp và trung bình thấp, gánh nặng tử vong do BKLN sẽ tăng gấp 5 lần so với số tử vong do các bệnh nhiễm trùng, thai sản, tử vong sơ sinh và các bệnh dinh dưỡng cộng lại vào năm 2030. Trước những thách thức toàn cầu đó, Hội nghị cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc  tháng 9/2011 ra Tuyên bố chính trị của Đại hội đồng về phòng, chống bệnh không lây nhiễm.

Tại Việt Nam cũng đang có sự thay đổi rõ rệt về mô hình bệnh với sự gia tăng nhanh của các BKLN. Gánh nặng BKLN đã vượt quá gánh nặng do các bệnh truyền nhiễm. Theo số liệu Niên giám thống kê năm 2010, xu hướng tỷ trọng các BKLN gia tăng liên tục ở mức cao. Nếu tỷ trọng này năm 1986 chỉ là 39% thì năm 1996 tăng lên 50%, năm 2006 là 62% và chỉ sau 5 năm, đến năm 2010, tỷ trọng này đã tăng thêm 10 điểm phần trăm, lên mức 72%. Ngược lại với xu hướng này là sự giảm đi nhanh chóng của tỷ trọng số lượt khám chữa bệnh đối với người mắc bệnh truyền nhiễm.

Đối với mô hình tử vong theo số liệu bệnh viện, cũng có những thay đổi nhanh chóng. Tỷ trọng tử vong trong bệnh viện do BKLN tăng lên đáng kể và tỷ trọng tử vong do bệnh truyền nhiễm giảm dần trong giai đoạn 1986–2006. Nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng cho thấy, tổng gánh nặng bệnh tật của Việt Nam là 12,3 triệu, bao gồm: Bệnh không lây nhiễm (71%); chấn thương (16%), các bệnh nhiễm trùng, sơ sinh và các bệnh liên quan đến sinh đẻ (13%). Gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm chiếm 66% tổng gánh nặng bệnh tật ở nam và 77% tổng gánh nặng bệnh tật ở nữ.

Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép, trong đó các BKLN đang gia tăng nhanh. Vì vậy hệ thống y tế, đặc biệt trong lĩnh vực y tế dự phòng cần có những điều chỉnh thích hợp về chính sách để ứng phó với bệnh dịch truyền nhiễm đồng thời đáp ứng với yêu cầu phòng, chống các bệnh mạn tính.

Đối với việc thành lập Phòng khám tư vấn và điều trị dự phòng, thông tư đã lần đầu tiên đưa các hoạt động y tế dự phòng tiếp cận theo hướng tích cực chủ động như quan điểm dự phòng “tích cực chủ động” mà nhiều Nghị quyết, chỉ thị mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã nêu ra cho ngành y tế nói chung cũng như lĩnh vực Y tế dự phòng nói riêng. Chỉ có chủ động tổ chức khám sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm, bệnh tật học đường, bệnh liên quan đến dinh dưỡng, bệnh không lây nhiễm, bệnh chưa rõ nguyên nhân cho cá nhân và cộng đồng; đồng thời tư vấn, truyền thông nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp lý, tiêm chủng phòng bệnh, kiểm soát các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe mới là các biện pháp căn cơ, nhằm chủ động ngăn ngừa dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra, giảm thiểu gánh nặng bệnh tật các bệnh không lây nhiễm...giảm tại bệnh viện một cách bền vững và sâu xa hơn thực hiện nâng cao sức khỏe của toàn xã hội;

Thông tư đã được ban hành và có hiệu lực từ 01/3/2015. Các cán bộ Y tế dự phòng hiểu rằng đó là niềm vui, bước đột phá trong chính sách nhưng cũng là thách thức, trách nhiệm trong việc cụ thể hóa các nội dung của thông tư để đưa thông tư vào cuộc sống. Chúng ta đã có môi trường làm việc, có cơ sở pháp lý để tổ chức bộ máy và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao. Tin tưởng rằng  với quyết tâm của các cán bộ nhân viên y tế dự phòng chúng ta sẽ tổ chức thành công việc thực hiện thông tư, góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

(Nguồn: vncdc.gov.vn)

In bản tin