Sự đồng cảm, sẻ chia tiếp thêm sức mạnh cho những hy sinh của thầy thuốc

Cập nhật: 9/2/2015 | 9:04:19 AM

Tối ngày 5/2, tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô - Hà Nội, Bộ Y tế, báo Sức khỏe&Đời sống và Đài truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III.

Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Ủy viên TW Đảng - Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng”; bà Trương Thị Mai - Ủy viên TW Đảng - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Nhà báo Hữu Thọ - nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa TW, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng”; các đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế và các Bộ, ban ngành cùng nhiều quan khách, bạn đọc của báo và rất nhiều thầy thuốc đã đến tham dự.

Sự đồng cảm, sẻ chia tiếp thêm sức mạnh cho những hy sinh của thầy thuốc

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim TIến trao giải cho tác giả đoạt giải Nhì tại chương trình giao lưu nghệ thuật “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III. Ảnh: Trần Minh

Tháng 2 hàng năm là tháng của ngày hội nghề các thầy thuốc, đặc biệt tháng 2 năm nay, các thế hệ thầy thuốc và những người làm trong ngành y tế đang hân hoan đón chào sự kiện 60 năm Bác Hồ gửi thư cho ngành y tế. 60 năm y tế Việt Nam làm theo lời Bác, với nhiều thành tựu, nhiều dấu ấn trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, nổi lên trong đó là nhiều tấm gương thầy thuốc đã hy sinh thầm lặng, để cống hiến sức lực, trí tuệ cho người bệnh trên khắp mọi miền đất nước. Sự hy sinh của các thầy thuốc đã được thể hiện rõ qua cuộc thi viết mang tên “Sự hy sinh thầm lặng”, do báo Sức khỏe&Đời sống tổ chức trong nhiều năm qua. Có lẽ vì thế mà dù trời khá lạnh và 8 giờ tối chương trình mới bắt đầu nhưng trước đó cả tiếng đồng hồ đã có nhiều khán giả cầm tấm vé mời tiến vào hội trường Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô để được hòa mình vào Chương trình giao lưu đặc biệt và Lễ trao giải Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III...

Sự hy sinh nào của thầy thuốc cũng đáng trân trọng

Phát biểu tại lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi nhấn mạnh: Ngành y là một ngành đặc biệt, chịu trách nhiệm về sức khỏe của con người từ lúc trong bụng mẹ đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Phải chịu đựng rất nhiều những áp lực của nghề nghiệp, đó là tai biến y khoa, là gánh nặng của xã hội... Ngành y chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng của đời người khi cất tiếng khóc chào đời cũng như chứng kiến sự đau đớn của con người lúc nhắm mắt xuôi tay. Cuộc thi sẽ tiếp tục cho người dân thấy được sự hy sinh thầm lặng của những người thầy thuốc.

Sự đồng cảm, sẻ chia tiếp thêm sức mạnh cho những hy sinh của thầy thuốc

Các khách mời giao lưu tại chương trình. Ảnh: TM

Báo cáo tổng kết Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” tại đêm trao giải, TTƯT. BS. Trần Sĩ Tuấn - Tổng biên tập báo Sức khỏe&Đời sống cho biết, đã qua 3 cuộc thi đều đặn tổ chức 2 năm một lần, cuộc thi nào cũng nhận được nhiều bài viết chất lượng của các tác giả trên mọi miền đất nước. Cuộc thi nào cũng luôn luôn mới với bạn đọc bởi chất liệu và nhân vật trung tâm được phản ánh là hình ảnh tận tụy của người thầy thuốc. Mới, bởi theo dòng chảy thời gian, những người tốt luôn xuất hiện tiếp theo người tốt, những việc làm cao cả mà thầm lặng vẫn tiếp tục sinh sôi nối tiếp nhau như mạch nước chảy không ngừng nghỉ trên mảnh đất y tế.

“Ngành y là ngành nhạy cảm bởi gắn liền với con người, yếu tố chuyên môn hòa trộn trong tính nhân văn, vì vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, đội ngũ cán bộ y tế từ biên giới tới hải đảo, từ trung tâm phồn hoa đô hội tới vùng sâu, vùng xa vẫn ngày đêm đồng hành cùng nỗi đau người bệnh, lặng thầm hy sinh giành giật sự sống khỏi lưỡi hái tử thần. Nhưng đi cùng những lặng thầm, những hăng say, những dũng cảm..., ngành y cần lắm sự đồng hành sẻ chia của người bệnh, của nhân dân. Mỗi sự đồng cảm, chia sẻ của người bệnh là liều thuốc tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm không quản vất vả, nguy hiểm chiến đấu với bệnh tật, vững lòng chăm lo cho sức khỏe nhân dân” - Tổng biên tập Trần Sĩ Tuấn chia sẻ tại lễ trao giải cuộc thi.

Sự đồng cảm, sẻ chia tiếp thêm sức mạnh cho những hy sinh của thầy thuốc

TTƯT.BS. Trần Sĩ Tuấn - Tổng biên tập báo SK&ĐS phát biểu tổng kết cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III. Ảnh : TM

Ở cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III này, Ban Tổ chức nhận được hàng trăm bài dự thi viết về các tấm gương thầy thuốc hy sinh thầm lặng trên mọi miền đất nước. Nhiều tác giả đã xông vào môi trường khắc nghiệt cùng người thầy thuốc, có người vượt hàng chục hải lý ra tận đảo Phú Quý, đảo Lý Sơn, có người đã tìm về trạm y tế ở vùng sâu ở biên giới Tây Nam, có người phải vượt qua chặng đường với nhiều đèo cao dốc đứng, suối sâu vực thẳm để đến vùng sơn cước Mù Cang Chải... nên trong nhiều bài viết đã khắc họa được những nguyên mẫu rất cảm động. Ở đây sự hy sinh nào cũng đáng trân trọng. Cảm động biết bao người bác sĩ quê Thái Bình gần 30 năm xếp lại nỗi nhớ nhà để ở lại với bà con ngư dân. Ca cấp cứu tại đảo Phú Quý có khi người lái xe cấp cứu lại chính là Giám đốc bệnh viện. 28 năm qua, ông đã cứu sống hàng ngàn người trên đảo. 3 lần Sở Y tế đồng ý chuyển bác sĩ về đất liền thì 3 lần người dân trên đảo lại viết đơn xin giữ ông ở lại. Có bác sĩ suốt 35 năm bầu bạn trong thế giới người điên, chấp nhận điều kiện sống kham khổ, phòng làm việc cũng chính là phòng ngủ và nơi nấu ăn...

Trong quá trình diễn ra cuộc thi, những bài viết có chất lượng đã được đăng trên báo Sức khỏe&Đời sống, những bài vào chung khảo đã được in thành sách. Để chọn được những tác phẩm hay, phản ánh chân thật và sinh động những tấm gương thầy thuốc là một hội đồng giám khảo uy tín, do nhà báo Hữu Thọ làm Chủ tịch đã làm việc hết sức nhiệt tình và công tâm. Hội đồng Giám khảo đã lựa chọn trong hàng trăm bài dự thi để trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 5 giải ba và 10 giải khuyến khích.

Sự đồng cảm, sẻ chia tiếp thêm sức mạnh cho những hy sinh của thầy thuốc

Ba nhân vật trong các tác phẩm đoạt giải, giao lưu cùng khán giả.      Ảnh: TM

“Chúng tôi tin rằng, sức lay động và lan tỏa của các tác phẩm sẽ đem đến cho con người niềm tin vào cuộc sống khi tâm hồn cứ bị xói mòn bởi những thông tin, những định kiến, những ám ảnh nặng nề về những điều không hay trong xã hội”- TTƯT. Trần Sĩ Tuấn trải lòng.

Ngành y cần lắm sự đồng hành, chia sẻ của cộng đồng

Trong đêm trao giải Cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng”, bên cạnh các chương trình nghệ thuật tôn vinh, ghi nhận những đóng góp của đội ngũ cán bộ ngành y tế, khán giả còn được gặp gỡ một số thầy thuốc tiêu biểu, gắn bó và có nhiều cống hiến trong công cuộc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân như: PGS.TS.BS. Trần Ngọc Lương - Giám đốc BV Nội tiết Trung ương, bác sĩ Bùi Đình Lĩnh - Giám đốc Bệnh viện Quân Dân y Phú Quý, tỉnh Bình Thuận; TS.BS. Cao Hữu Nghĩa, Trưởng khoa Xét nghiệm sinh học lâm sàng, Viện Pasteur, TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, khán giả cũng được nghe những chia sẻ, tâm sự của nhà báo Hữu Thọ, GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam và TS. Trần Minh Điển - Phó Giám đốc BV Nhi TW về những công việc của ngành y tế như nỗ lực của ngành trong thực hiện cam kết giảm tải bệnh viện, trong công tác phòng chống dịch bệnh, trong việc thực hiện tiêm chủng cũng như trong thái độ nên có trước những sự cố y khoa.

Trong số các nhân vật đến tham dự cuộc giao lưu, câu chuyện của bác sĩ Bùi Đình Lĩnh - Giám đốc Bệnh viện Quân Dân y Phú Quý - Bình Thuận khiến nhiều người rất xúc động. Những tiếng vỗ tay dành cho ông dường như không ngớt và lẫn trong đó là cả những giọt nước mắt của nhiều khán giả khi nghe những câu chuyện mà ông chia sẻ về ngành y, về những khoảnh khắc ông không được về bên cha mẹ khi cha mẹ qua đời, rồi những tình cảm dạt dào mà người dân trên đảo dành cho ông - Người bác sĩ 30 năm kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió...

Sự đồng cảm, sẻ chia tiếp thêm sức mạnh cho những hy sinh của thầy thuốc

Ca sĩ Hồng Nhung biểu diễn tại chương trình.             Ảnh: TM

Trong tâm trạng xúc động, BS. Lĩnh gửi lời xin lỗi đến vợ con và gia đình vì đã không thể chăm sóc cho họ như những người chồng, người cha khác. Dẫu vậy, để đáp lại tình cảm của bà con trên đảo, BS. Lĩnh cho biết, ông sẽ vẫn gắn bó với đảo và tiếp tục phục vụ công tác chăm sóc cho bà con trên đảo cho đến ngày về hưu.

Giao lưu tại chương trình, nhà báo lão thành Hữu Thọ và GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng đánh giá cao những nỗ lực của ngành y tế trong việc thực hiện các cam kết giảm tải bệnh viện. Kết quả này không chỉ thể hiện quyết tâm của ngành y tế trong hành trình vì người bệnh mà còn làm cho người bệnh đỡ vất vả hơn khi đi khám chữa bệnh. Nhà báo Hữu Thọ cho rằng, việc ngành y tế triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi khám chữa bệnh của người bệnh... rất đáng được xã hội ghi nhận. “Nhân dân bức xúc đòi hỏi chúng ta phải cố gắng hơn nữa. Những kết quả bước đầu ngành y tế đã đạt được cho thấy quyết tâm chính trị của ngành y tế là luôn cố gắng để khắc phục khó khăn, tồn tại của ngành” - nhà báo Hữu Thọ cho biết.

* Tác phẩm đạt giải Nhất: Bác sĩ nơi đầu sóng ngọn gió của tác giả Nguyễn Thị Khánh Ly, báo Vnexpress; giải Nhì: Nữ bác sĩ Nguyễn Thị Hương - “bà đỡ” của những số phận, tác giả: Nguyễn Phương Liễu - báo Đồng Nai và Người sáng tạo kỹ thuật mang tên mình, tác giả: Hoàng Nữ Thái Bình - báo SK&ĐS; giải Ba: Cánh chim không mỏi, tác giả: Võ Thị Hằng, Trạm Y tế xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An; “Giàng” ở một vùng biên, tác giả: Đại úy Bùi Hồng Mạnh - Đồn Biên phòng Tam Quang - Tương Dương - Nghệ An; PGS.TS. Đinh Thị Thu Hương: Một lời thề, cả đời trăn trở... tác giả: Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Lao động; Người ở lại trên cao nguyên đá, tác giả: Nguyễn Thị Thanh Kim Huệ  - Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh Hà Giang; Chị ong thợ say nghề, tác giả: Phan Thị Yên - Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe TP. Đà Nẵng; 10 giải Khuyến khích cho các tác giả khác.

* Để đêm trao giải Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III thành công, báo Sức khỏe&Đời sống xin trân trọng cảm ơn sự có mặt của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Ủy viên TW Đảng - Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng”; bà Trương Thị Mai - Ủy viên TW Đảng - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa TW, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng”; các đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế và các Bộ, ban, ngành, đoàn thể; các đồng chí trong Hội đồng giám khảo cùng nhiều quan khách, bạn đọc của báo và rất nhiều thầy thuốc đã đến tham dự lễ trao giải...

Trân trọng cảm ơn sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo các Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng, Đảng ủy Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam, các sở y tế, các công ty và doanh nghiệp trong và ngoài ngành; Đài THVN, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội đã đến dự và đưa tin về buổi lễ.

Đặc biệt, xin trân trọng cảm ơn ông Ngô Chí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược phẩm ECO, đơn vị tài trợ độc quyền cuộc thi.

*Nhà báo Hữu Thọ:  Tôi thực sự cảm ơn tấm gương, cảm ơn tác giả đã viết về tấm gương làm cho tôi yêu đời hơn, tin tưởng hơn

Nhà báo Hữu Thọ chia sẻ, trong lúc xã hội rất nhiều sự lộn xộn, văn hóa xuống cấp, được tiếp xúc với rất nhiều tấm gương khiến người ta yêu đời hơn. Bên cạnh đó, nhà báo Hữu Thọ cũng nêu lên vấn đề cần truyền thông như thế nào để người dân có cái nhìn đúng đắn và khách quan đối với ngành y tế. Mặt khác, báo chí mới chỉ đề cập tới sự mệt mỏi của người dân khi đi khám bệnh, nhưng chưa ai nhắc tới sự mệt nhọc về cả thể xác lẫn tinh thần của người thầy thuốc khi đối mặt với người bệnh và sự quá tải. Nhà báo Hữu Thọ thẳng thắn chỉ ra việc, hiện nay trước những sự cố thì nguy hiểm nhất là kiểu làm báo a dua, mà làm báo a dua, đánh hội đồng là một tệ nạn mà báo chí cần phải sửa đổi, cái đó cực kỳ nguy hiểm với sự ổn định của xã hội.

*GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng: Việc chọn giải quyết điểm nóng là hết sức đúng đắn

Vấn đề quá tải là vấn đề xuyên suốt, là bởi vì có những cái quá tải thật sự nhưng cũng có cái quá tải ảo và nguyên nhân của vấn đề quá tải nó không phải đơn giản ở chỗ ta thiếu giường bệnh mà nó có các nguyên nhân rất là đa dạng. Chính vì vậy đây là điểm đang nóng ở trong ngành y tế gây bức xúc đối với nhân dân. Tôi cho rằng việc lãnh đạo Bộ Y tế chọn điểm nóng này để giải quyết có thể nói là hết sức đúng đắn, tuy nó muộn nhưng có thể nói có đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ. Với những cơ sở y tế đặt vấn đề không để bệnh nhân nằm ghép, đó là những điểm lóe sáng bước đầu cho chúng ta đạt được những niềm vui. Tuy vậy, để giải quyết triệt để việc này một cách bền vững như nhà báo Hữu Thọ đã nói, chúng tôi cho rằng cần phải giải quyết một cách toàn diện. Bên cạnh việc giải quyết số giường cho bệnh nhân nằm, giải quyết vấn đề thời gian khám mà hiện nay các bệnh viện đã quan tâm, còn có việc quan trọng hơn đó là nhân lực y tế. Vấn đề này không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai hay một năm, hai năm mà có khi đòi hỏi tới 10 năm mới có được nhân lực y tế. Bởi thế cho nên việc thực hiện đổi mới căn bản toàn diện vấn đề giáo dục y tế trong ngành y tế đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bên cạnh công việc ấy, thì cơ chế tài chính trong bệnh viện cũng cần phải được đổi mới.

Ðọng lại những dòng cảm xúc ấm áp

Bên lề Lễ tổng kết cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã ghi lại một số ý kiến của những người có mặt tại buổi lễ.

 Ông Vũ Văn Hiền - Văn Chương, Hà Nội: “Người dân vững tin hơn về ngành y qua mỗi cuộc thi”

Sự đồng cảm, sẻ chia tiếp thêm sức mạnh cho những hy sinh của thầy thuốc

Chương trình “Sự hy sinh thầm lặng” do báo SK&ĐS tổ chức ngày hôm nay rất hay và ý nghĩa. Trong thời gian qua, đã xảy ra những vụ việc ảnh hưởng đến uy tín của ngành và trong chương trình hôm nay, các khách mời đã nói, đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh - tôi rất đồng tình với quan điểm này. Đặc biệt, chúng ta nên nhớ rằng, mỗi con người từ khi ra đời cho đến khi mất đi đều có những liên quan về sức khỏe nhất định với ngành y tế. Như chúng ta đã biết, trong xã hội thì ngành nào cũng có những ưu khuyết điểm của riêng mình. Có thể thấy, cuộc thi là dịp để ngành y tế nói lên những sự hy sinh thầm lặng của các y bác sĩ, nhân viên ngành y tế, làm cho nhân dân vững tin hơn về ngành y, nghề y - một ngành nghề đặc biệt.

 Chị Nguyễn Phương Liễu - Phóng viên báo Đồng Nai đoạt giải Nhì Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ III: “Mong muốn sẽ tiếp tục tham gia viết về những tấm gương thầy thuốc”

Sự đồng cảm, sẻ chia tiếp thêm sức mạnh cho những hy sinh của thầy thuốc

Ngay từ khi đọc thể lệ Cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng”, tôi rất thích, bởi vì mình phụ trách về mảng y tế nhiều năm nay, cho nên có điều kiện tiếp cận rất nhiều các y, bác sĩ. Thực tế, còn có rất nhiều những tấm gương tôi vô cùng cảm phục, tận tụy, thầm lặng làm việc, nhưng do thời gian có hạn nên cũng chỉ chọn một nhân vật là BSCKI. Nguyễn Thị Hương, Trưởng trạm Y tế phường Hòa Bình (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Và tôi mong muốn được tiếp tục tham gia viết về những tấm gương thầy thuốc luôn đang âm thầm cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân trong các cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” tiếp theo.

 Nữ hộ sinh Đinh Thị Cúc Hương,  nhân vật trong tác phẩm “Cánh chim không mỏi”, tác giả y sĩ Võ Thị Hằng (giải Ba): “Vượt lên nỗi đau để cống hiến phục vụ nhân dân”

Sự đồng cảm, sẻ chia tiếp thêm sức mạnh cho những hy sinh của thầy thuốc

Chị Cúc Hương cho biết, tác giả - y sĩ Võ Thị Hằng cùng công tác với chị tại Trạm Y tế xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng, Long An. Do cùng hoạt động trong ngành y, nên dễ thông cảm. Chị Cúc Hương mang trong mình 2 bệnh ung thư cùng một lúc. Năm 1997, chị bị ung thư đại tràng, năm 2007 chị lại mắc thêm bệnh ung thư vú. Bao nhiêu năm, biết bao khó khăn dồn dập đến với chị nhưng chị không gục ngã. Chị đem hết tâm, trí, lực của mình sẵn sàng phục vụ nhân dân, hàng năm vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chị tự nhủ, luôn phải rèn luyện y đức ngành y của mình mọi lúc, mọi nơi, để luôn tự hào khi khoác chiếc áo blouse trắng.

Chị Cúc Hương cho biết thêm: “Tác giả - y sĩ Võ Thị Hằng cũng bị ung thư cổ tử cung (đã cắt bỏ), nhưng thêm một nỗi buồn sâu thẳm trong lòng là đứa con trai duy nhất của chị Hằng bị ung thư máu. Tuy vậy, y sĩ Võ Thị Hằng đã lấy tôi làm tấm gương để vượt lên bệnh tật cố gắng sống, bao giờ còn sức lực thì sẽ cống hiến, tận tụy, phục vụ người bệnh tốt nhất”.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin