Cần tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết chuyển mùa

Cập nhật: 19/3/2015 | 1:24:08 PM

Những ngày này độ ẩm tăng cao, nấm mốc, vi khuẩn sinh sôi phát triển là những nguyên nhân khiến trẻ nhỏ đổ bệnh, đặc biệt là những bệnh về đường hô hấp tăng đột biến.

Bên cạnh những lý do khách quan về thời tiết chuyển mùa, tạo điều kiện dịch bệnh phát triển thì nguyên nhân chính là trẻ không được tiêm vắc xin phòng bệnh.

Theo ghi nhận của PV QTV.VN, sáng nay 19/3, tại Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Quảng Ninh, người dân đưa trẻ đến tiêm vắc xin phòng bệnh không nhiều. 

Theo số liệu thống kê của TT y tế Dự phòng tỉnh trung bình tiêm khoảng 40 đến 120 mũi/ngày, trong đó số mũi tiêm các bệnh về đường hô hấp chiếm tỷ lệ thấp.

Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phụ huynh không đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin đầy đủ vì chủ quan, lo sợ rủi ro hoặc chưa ý thức về việc tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết giao mùa. Điều này rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của trẻ bởi những bệnh về đường hô hấp rất dễ gây ra nhiều biến chứng khôn lường.

Chị Thanh Mai (phường Yết Kiêu, Tp Hạ Long) cho biết: "Mấy hôm nay nghe báo đài đưa thông tin về việc thời tiết thay đổi, nhiều trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp nên hôm nay tranh thủ đưa con đi tiêm, phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh"

Trao đổi với PV QTV.VN, ông Ninh Văn Chủ - Giám đốc TTYT Dự phòng tỉnh cho biết: "Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ nhỏ không mắc bệnh và tránh xảy ra các dịch lớn ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của người dân.

Trẻ nhỏ cần được bổ sung lượng kháng thể bằng cách tiêm chủng đúng lịch bởi nó tạo được miễn dịch kịp thời để phòng bệnh. Nếu cha mẹ trì hoãn, trẻ sẽ không được bảo vệ và có nguy cơ mắc các bệnh do tiêm chủng chậm".

Để tránh ùn tắc trong những ngày cao điểm của dịch bệnh, ông Chủ cho biết thêm:“Hiệu quả tiêm vắc xin dịch vụ và vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng là như nhau. Trong khi vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng có sẵn mà phụ huynh không nên chờ đợi, dẫn đến tình trạng trẻ bị tiêm muộn, dễ nhiễm bệnh. Phụ huynh cần đưa con em đi tiêm đầy đủ và đúng lịch".

Vắc xin dịch vụ và vắc xin tiêm chủng mở rộng đều có tỷ lệ phản ứng thuốc. Vì vậy để giảm thiểu các nguy cơ phản ứng sau tiêm, các bà mẹ cần thực hiện một số quy định cần thiết như: mang theo sổ tiêm chủng của trẻ và thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con, đặc biệt lưu ý các  phản ứng mạnh với lần tiêm trước như sốt cao, nôn trớ, quấy khóc kéo dài, dị ứng thuốc, sưng nề vùng tiêm... để có chỉ định và tư vấn phù hợp.

 Các bà mẹ cần thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình
đ
ể tránh tình trạng phản ứng thuốc sau tiêm

Sau khi tiêm, trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 48 giờ sau tiêm chủng. Cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như: sốt cao, co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bỏ bú, khó thở, tím tái.... để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

(Nguồn: qtv.vn)

In bản tin