Không chủ quan với bệnh cúm A(H7N9)

Cập nhật: 24/3/2015 | 2:42:02 PM

Mặc dù hiện nay cả nước chưa xuất hiện bệnh nhân mắc cúm A(H7N9), nhưng từ đầu năm 2015 đến nay, Trung Quốc (nước có đường biên giới tiếp giáp với một số tỉnh của Việt Nam trong đó có Quảng Ninh) đã có nhiều ca mắc bệnh. Do đó, việc phòng, chống cúm A(H7N9) cần được người dân quan tâm, chú trọng. Phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về loại bệnh này và cách phòng chống.

Thường xuyên khử khuẩn khu vực chăn thả gia cầm là một trong những biện pháp để phòng chống bệnh cúm A(H7N9). Trong ảnh: Một hộ chăn nuôi gia cầm ở xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ vệ sinh khử khuẩn môi trường quanh nhà.
Thường xuyên khử khuẩn khu vực chăn thả gia cầm là một trong những biện pháp để phòng chống bệnh cúm A(H7N9). Trong ảnh: Một hộ chăn nuôi gia cầm ở xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ vệ sinh khử khuẩn môi trường quanh nhà.

- Được biết từ đầu năm 2015 đến nay, ở Trung Quốc đã xuất hiện một số trường hợp nhiễm cúm A(H7N9). Vậy loại cúm này có nguy hiểm không và có gì khác biệt với các loại cúm A khác, thưa bác sĩ?

+ Cúm A(H7N9) là một loại virus mới thâm nhập vào loài người, bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao từ 50-100%. Biểu hiện lâm sàng giống với cúm A(H5N1). Bên cạnh đó có một số cảnh bệnh đặc biệt hơn: Gây tổn thương cơ, tiêu cơ nặng nề, viêm thận, suy tạng nặng nề hơn...

Những năm gần đây, chúng ta nói nhiều đến cúm A(H1N1), cúm A(H5N1) và cúm A(H7N9). Cả ba loại virus này đều thuộc dòng họ cúm A nhưng cúm A(H7N9) và cúm A(H5N1) là virus cúm gây bệnh ở gia súc, gia cầm và rất hiếm khi lây sang người. Còn cúm A(H1N1) là virus cúm gây bệnh cho người và động vật (lợn). Với virus cúm A(H7N9) đã lây từ gia cầm sang người là có thể gây ra đại dịch nếu nó phát triển được khả năng lây trực tiếp từ người sang người.

Tuy nhiên, cho đến hiện nay, nguồn nhiễm bệnh cúm A(H7N9) được ghi nhận là do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với thịt gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc từ môi trường nhiễm bệnh. Các chuyên gia đã tìm thấy virus này trên vịt, gà, chim bồ câu và trong môi trường xung quanh tại các chợ gia cầm ở gần nơi những ca bị bệnh được báo cáo.

Mặc dù có một số trường hợp sống gần gũi với người bị bệnh cũng có triệu chứng tương tự. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, Tổ chức Y tế thế giới cho biết là virus chưa lây trực tiếp từ người sang người.

- Vậy bệnh này thường xuất hiện vào thời gian nào, triệu chứng bệnh ra sao, thưa bác sĩ?

+ Thời tiết ấm, ẩm trong mùa xuân, xuân hè thường là điều kiện tốt để các loại virus bùng phát, trong đó có cúm A (H7N9). Tại Trung Quốc, từ đầu năm 2015 đến hết ngày 10-3-2015 đã có 59 trường hợp nhiễm cúm A(H7N9), trong đó, 49 trường hợp sống gần khu vực chợ gia cầm và có tiếp xúc với gia cầm sống.

Tại Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm cúm A(H7N9). Trong những năm qua, Quảng Ninh cũng chưa có đàn gia cầm nhiễm cúm A(H7N9) mà mới có các ổ dịch cúm A(H5N1). Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh đã có trường hợp tử vong vì cúm A(H5N1); thêm vào đó, Quảng Ninh có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc nên việc phòng chống cúm A(H7N9) cần hết sức quan tâm. Người dân không được chủ quan với loại virus này.

Khi nhiễm cúm A(H7N9), bệnh nhân thường bị viêm phổi nặng. Các triệu chứng bao gồm sốt, ho và khó thở. Chỉ có một số rất ít trường hợp biểu hiện nhẹ nhàng như cảm cúm thông thường và tự khỏi.

- Bác sĩ có thể cho biết để phòng loại bệnh này cần phải làm những gì?

+ Hiện nay, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã làm được xét nghiệm sinh học phân tử (RT-PCR) phát hiện các loại cúm, trong đó có cúm A(H7N9). Bệnh nhân nhiễm cúm A(H7N9) nếu được điều trị sớm thì mức độ nguy hiểm của bệnh sẽ nhẹ hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, người dân cần chú trọng đến công tác phòng bệnh.

Hiện tại chưa có vắc-xin để phòng ngừa cúm A(H7N9) trên người. Do đó, cách phòng bệnh tốt nhất là phải chú ý các biện pháp vệ sinh căn bản: Rửa tay bằng xà phòng và rửa tay dưới vòi nước chảy trước, trong và sau khi chuẩn bị thức ăn; trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Rửa tay sau khi tiếp xúc hay làm thịt gia súc, gia cầm, sau khi dọn dẹp chất thải gia súc, gia cầm. Rửa tay khi chăm sóc người bị ốm hoặc khi có người trong nhà bị ốm… Khi ho hoặc hắt hơi cần che miệng và mũi bằng khẩu trang y tế...

Virus cúm A(H7N9) sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao, cần phải nấu chín thịt gia cầm, trứng gia cầm, thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn trước khi ăn. Không nên ăn thịt gia súc, gia cầm chết do bệnh hay chết không rõ nguyên nhân. Thịt và trứng chưa được nấu phải để nơi riêng và cách xa với thức ăn đã nấu chín để tránh tình trạng lây nhiễm chéo. Dao và thớt, bát, đĩa… sau khi dùng để cắt, đựng thịt sống, phải rửa sạch bằng xà phòng.

Cần tránh tiếp xúc trực tiếp với gia súc, gia cầm, vật dụng chứa đựng gia súc, gia cầm. Gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc chết phải được tiêu huỷ và báo cáo với cơ quan thú y tại chỗ. Tuyệt đối không chế biến rồi ăn thịt gia súc, gia cầm bệnh hay đã chết. Tuyệt đối không để trẻ em tiếp xúc với gia súc, gia cầm bệnh hay gia súc, gia cầm bị chết.

Khách du lịch tới quốc gia có dịch cúm gia cầm cần tránh xa các trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ gia cầm; không nên tới khu vực giết mổ gia cầm; không nên tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm bởi phân gia cầm hoặc vật nuôi. Sau khi trở về từ khu vực đang có dịch bệnh cúm gia cầm, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp nghiêm trọng cần xem xét nghĩ tới nhiễm cúm A(H7N9) và đến các cơ sở y tế để được tư vấn, theo dõi, điều trị kịp thời.

- Xin cảm ơn bác sĩ!


(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin