Cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch

Cập nhật: 22/4/2015 | 7:48:08 AM

Do lo ngại về sự an toàn của trẻ, thời gian qua, nhiều gia đình chọn đưa con đi tiêm dịch vụ thay vì tiêm tại các điểm tiêm chủng mở rộng. Trong khi đó, một số loại vắc xin dịch vụ hiện nay còn thiếu, chưa thể đáp ứng hết nhu cầu. Chính vì vậy, dẫn đến tình trạng, nhiều trẻ tiêm chủng không đúng thời gian, không đúng lịch, thậm chí bỏ mũi tiêm. Đây là nguy cơ dẫn đến phát sinh các dịch bệnh sau này. Để cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc, phóng viên Báo Quảng Ninh có cuộc trò chuyện cùng thạc sĩ, bác sĩ Vũ Quyết Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

- Thưa bác sĩ, thực trạng một số trẻ ở một vài tỉnh, thành trong nước gặp tai biến sau tiêm vắc xin, có làm ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

+ Quảng Ninh đã có kinh nghiệm làm công tác tiêm chủng 28 năm qua, cộng thêm việc tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh nên nhận thức của người dân về tiêm phòng cũng chuyển biến tích cực. Do đó, tỷ lệ tiêm chủng của tỉnh luôn đạt kết quả tốt. Cụ thể năm 2014, tỷ lệ tiêm vắc xin đủ loại cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 95%; tiêm sởi bổ sung cho trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi đạt 96,8%; tiêm vắc xin sởi bổ sung cho trẻ từ 2 đến dưới 10 tuổi tại xã, phường có nguy cơ đạt 95,6%; tiêm viêm não nhật bản cho trẻ từ 1-3 tuổi đạt 94,6%... Đặc biệt, chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi diễn ra từ đầu năm 2014 đến nay, tỷ lệ tiêm của Quảng Ninh đạt tới hơn 98% và là một trong 10 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước.

Tư vấn tiêm phòng cho các bà mẹ có con nhỏ tại Trạm Y tế phường Hồng Hà, TP Hạ Long.
Tư vấn tiêm phòng cho các bà mẹ có con nhỏ tại Trạm Y tế phường Hồng Hà, TP Hạ Long.

Tuy đạt kết quả trên, song các điểm tiêm phòng vẫn không chủ quan trong công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng. Với nhiệm vụ triển khai giám sát công tác tiêm chủng mà Sở Y tế giao, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thường xuyên tập huấn, kiểm tra, giám sát công tác tiêm chủng trên địa bàn. Hơn 900 cán bộ làm công tác tiêm phòng trên địa bàn tỉnh đều được tập huấn và cấp chứng chỉ đủ điều kiện thực hiện công tác tiêm phòng. Trang thiết bị phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng ở các trạm y tế tuyến xã được trang bị đầy đủ, như: Tủ bảo quản vắc xin, hộp, phích đựng vắc xin, nhiệt kế... Ở các trung tâm, trạm y tế, khoa sản các bệnh viện đều có dây chuyền bảo quản vắc xin theo quy định.

Hơn 3 năm trở lại đây, để đảm bảo an toàn cho công tác tiêm phòng, các trạm y tế đã thực hiện nghiêm quy trình tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng. Cụ thể: Kéo dài ngày tiêm, chia ngày tiêm các loại vắc xin khác nhau để tránh nhầm lẫn. Mỗi buổi, các trạm chỉ tiêm cho 40-50 trẻ. Mỗi phòng tiêm chỉ có 1 bàn tiêm, 1 bàn tư vấn. Trẻ tiêm xong được giám sát 30 phút đầu tại trạm. Các phụ huynh cũng được tư vấn kỹ về phản ứng sau tiêm, hướng dẫn cách theo dõi trẻ sau tiêm và cách xử lý khi trẻ bị sốt sau tiêm hoặc có dấu hiệu bất thường…

- Hiện nay nhiều gia đình chọn đưa con đi tiêm dịch vụ thay vì tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Vậy hiệu quả phòng bệnh của vắc xin tiêm theo dịch vụ và vắc xin tiêm trong chương trình mở rộng có khác nhau không, thưa bác sĩ?

+ Tôi có thể khẳng định rằng, vắc xin sử dụng tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng và vắc xin tiêm dịch vụ để cùng phòng một loại bệnh có hiệu quả như nhau. Đầu tháng 2-2015, Cục Y tế dự phòng và Cục Quản lý dược họp với các nhà sản xuất, phân phối vắc xin và đại diện một số điểm tiêm chủng dịch vụ. Tại cuộc họp, các nhà sản xuất, phân phối đã cảnh báo: Trong năm 2015 nguy cơ có thể tiếp tục xảy ra tình trạng khan hiếm một số loại vắc xin tiêm chủng dịch vụ như Infanrix Hexa “vắc xin 6 trong 1” (phòng các bệnh bạch hầu; ho gà; uốn ván; bại liệt; viêm gan B; viêm phổi do vi khuẩn Hib); Pentaxim “vắc xin 5 trong 1” (phòng các bệnh bạch hầu; ho gà; uốn ván; bại liệt; viêm phổi do vi khuẩn Hib); MR “vắc xin nhị liên” (phòng bệnh sởi; rubella); MMR “vắc xin tam liên” (phòng bệnh sởi; quai bị; rubella); Verorab (phòng bệnh dại)… Chính vì vậy, để đảm bảo cho trẻ tiêm chủng đầy đủ đúng lịch, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đề nghị các phụ huynh đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng vắc xin thường xuyên, miễn phí tại trạm y tế xã, phường, thị trấn để trẻ được tiêm chủng đúng lịch. Các vắc xin này do Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cung cấp đều được kiểm định về an toàn và chất lượng. Việc trì hoãn tiêm ngừa để chờ đợi vắc xin dịch vụ của các gia đình làm trẻ bị tiêm muộn hơn so với lịch tiêm chủng dẫn đến nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm do không được tiêm chủng đúng lịch.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin