Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoá chất độc hại trong thực phẩm

Cập nhật: 10/1/2012 | 3:17:24 PM

Phẩm màu, hoá chất, phụ gia độc hại có trong thực phẩm làm ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ con người qua việc tích tụ vào cơ thể theo thời gian. Thậm chí, nó còn có thể gây ngộ độc cấp tính tức thời. Chính bởi vậy, trong những năm qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát các loại thực phẩm chứa hoá chất độc hại lưu hành trên địa bàn, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh (SXCBKD) thực phẩm về tác hại của những hoá chất, phụ gia này.

  Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra mẫu thực phẩm tại một số nhà hàng ăn uống trên địa bàn phường Quảng Yên, TX Quảng Yên.
Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra mẫu thực phẩm tại một số nhà hàng ăn uống trên địa bàn phường Quảng Yên, TX Quảng Yên.

Thị xã Quảng Yên vốn nổi tiếng là nơi sản xuất, chế biến nhiều loại thực phẩm, như: Giá đỗ, nem chua, giò, chả, rau các loại… cung cấp không chỉ trên địa bàn mà ra cả các thị xã, thành phố khác (Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả...). Tôi còn nhớ, trong lần theo đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác VSATTP trên địa bàn thị xã (lúc bấy giờ là huyện Yên Hưng), đoàn đã làm text xét nghiệm nhanh và phát hiện giá đỗ ở một nhà hàng có chất bảo quản độc hại. Theo lời của chủ nhà hàng, giá đỗ này được mua ở Chợ Rừng. Tuy nhiên, khi đoàn đến chợ kiểm tra thì người bán hàng đã đi mất, truy nguồn gốc nơi sản xuất cùng thật khó khăn. Không chỉ với giá đỗ mà những năm trước đó, nhiều thực phẩm chế biến trên địa bàn TX Quảng Yên cũng có chất bảo quản. Bác sĩ Trần Xuân Nhàn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TX Quảng Yên, cho biết: “Thời gian trước, gần như đợt kiểm tra nào, đoàn liên ngành cũng phát hiện giò, chả… có chất hàn the. Lúc bấy giờ, người sản xuất chỉ nghĩ sử dụng để thực phẩm ngon, giòn hơn, bảo quản được lâu hơn chứ không nhận thức được tác hại của loại hoá chất này khi vào cơ thể con người. Nhưng giờ đây, nhận thức của người dân đã thay đổi”. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra kiểm soát… hầu hết thực phẩm sản xuất, chế biến trên địa bàn TX Quảng Yên không còn sử dụng hoá chất, phụ gia độc hại nữa. Thậm chí, thị xã còn xây dựng cánh đồng sản xuất ra an toàn ở phường Cộng Hoà (khoảng 80ha) để dần nhân rộng trên địa bàn.

Không chỉ với Quảng Yên, mà người dân trên địa bàn tỉnh đã hiểu biết hơn về tác hại của những hoá chất, phụ gia độc hại trong thực phẩm, từ đó dần thay đổi không còn sử dụng trong chế biến, sản xuất. Người mua cũng cẩn trọng hơn để lựa chọn những thực phẩm an toàn nhằm bảo vệ sức khoẻ cho gia đình.  Bác sĩ Nguyễn Minh Chung, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh, cho biết: “Phụ gia thực phẩm thường được sử dụng để tăng giá trị, thời gian sử dụng của thực phẩm. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá giới hạn cho phép hoặc sử dụng những chất bảo quản, phụ gia bị cấm… sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người: Gây ngộ độc cấp tính, có thể dẫn đến tử vong; làm biến đổi gien của cơ thể, như: Dị dạng, quái thai, gây ung thư; ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm, phá huỷ dinh dưỡng có trong thực phẩm… Chính vì thế, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện những thực phẩm chứa chất bảo quản, phụ gia độc hại được sản xuất, hoặc lưu hành trên địa bàn”.  

Trong các đợt kiểm tra, kiểm soát VSATTP, các cơ quan chức năng luôn chú trọng phát hiện các thực phẩm chứa hoá chất độc hại. Nhiều địa phương cũng thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất khi có thông tin từ Cục ATVSTP (Bộ Y tế), Chi cục ATVSTP của tỉnh về việc xuất hiện thực phẩm có hoá chất, chất bảo quản gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, như: Đợt kiểm tra thạch rau câu có chứa DEHP, sữa có chất melamine… để kịp thời yêu cầu các cơ sở kinh doanh thu hồi sản phẩm trả về nơi sản xuất. Đặc biệt, hàng tháng, Chi cục ATVSTP tỉnh còn tổ chức đến các điểm chợ trên địa bàn để lấy mẫu thực phẩm kiểm tra, phát hiện chất độc hại, từ đó sớm cảnh báo cho các cơ quan chức năng và người dân trên địa bàn. Các mẫu được kiểm tra chủ yếu tập trung vào thức ăn chế biến sẵn như: Giò nạc, chả các loại, dưa muối, bún, cơm rang, cá kho, thịt luộc, tương ớt, sữa đậu nành… Từ đầu năm 2011 đến nay, Chi cục đã tiến hành lấy 2.580 mẫu gửi về Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh để làm xét nghiệm. Kết quả là trong các mẫu kiểm tra đều không phát hiện có sử dụng phẩm màu công nghiệp. Tuy nhiên, một số cá nhân vẫn sử dụng hoá chất độc hại để sản xuất, chế biến thực phẩm. Qua xét các mẫu xét nghiệm do Chi cục gửi về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho thấy, trong 192 mẫu chả lợn, chả mực... còn có 6 mẫu có chất hàn the. Đặc biệt, trong số 112 mẫu dưa muối thì còn tới 98 mẫu có chất natribenzoat (chất chống mốc, chống phá huỷ dưa). Tất cả các mẫu phát hiện đều được Chi cục thông tin cho Ban quản lý các chợ để thông báo rộng rãi trên hệ thống loa, đài, đồng thời yêu cầu các cơ sở có thực phẩm vi phạm tự tiêu huỷ loại thực phẩm đó.

Điều này cho thấy các địa phương, các ngành liên quan cần phải tiếp tục tăng cường vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân, chủ doanh nghiệp... để họ không còn sử dụng những hoá chất, phụ gia độc hại trong  SXCBKD.


(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin