Hội thảo tham vấn Xây dựng Chiến lược Quốc gia cho Việt Nam về An ninh y tế toàn cầu năm 2015-2020

Cập nhật: 15/7/2015 | 9:30:02 AM

Ngày 14-15/7/2015, tại Vĩnh Phúc đã diễn ra Hội thảo tham vấn xây dựng Chiến lược Quốc gia cho Việt Nam về An ninh y tế toàn cầu nhằm tăng cường khả năng phòng, chống và ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi một cách hiệu quả trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.

Tham dự và chủ trì Hội thảo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng; Cục Quản lý khám chữa bệnh; Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur; Đại diện Cục Thú y và Chi Cục thú y các vùng, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục Quân Y và các đơn vị liên quan khác; Về phía tổ chức quốc tế tham dự Hội  thảo có đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO); Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC), Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), USAID…
 
Các đại biểu tham dự Hội  thảo tham vấn Xây dựng Chiến lược Quốc gia cho Việt Nam về An ninh y tế toàn cầu.
 
Chương trình An ninh y tế toàn cầu là chương trình hợp tác giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy quá trình hướng tới một thế giới an toàn trước sự đe dọa của dịch bệnh truyền nhiễm. Các nước tham gia An ninh y tế toàn cầu dựa trên cơ sở thực hiện các nguyên tắc đã được thông qua tại Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) năm 2010 với cam kết đảm bảo tất cả các nước đều có đủ năng lực trong việc giám sát, phát hiện sớm, xử lý các dịch bệnh, minh bạch thông tin và chia sẻ kịp thời thông tin với cộng đồng quốc tế nhằm đáp ứng hiệu quả trước các dịch bệnh trên người và và các dịch bệnh truyền từ động vật sang người.
 
Ngày nay, trước sự xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ, con người trở thành đối tượng dễ bị tấn công của dịch bệnh do bệnh tật có thể lây lan nhanh chóng cùng với sự gia tăng của du lịch và thương mại giữa các quốc gia. An ninh y tế cần thiết để giúp các quốc gia bảo vệ sức khỏe nhân dân và đảm bảo kinh tế ổn định, bền vững. Như vậy, không một quốc gia hay một tổ chức đơn lẻ nào có thể đạt được vấn đề an ninh y tế cộng đồng mà cần thiết phải có sự chia sẻ trách nhiệm tích cực giữa các quốc gia. Bên cạnh y học hiện đại đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật, khả năng xét nghiệm phát hiện xác định nguyên nhân gây bệnh sớm, nhưng yêu cầu về nhân lực, công cụ, đào tạo chuyên môn và khả năng giám sát, điều phối vẫn còn là những vấn đề lớn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này đặt ra những yêu cầu cần thiết phải xây dựng Chiến lược quốc gia về An ninh y tế toàn cầu nhằm tăng cường năng lực và phối hợp tối ưu với các quốc gia trên thế giới trong công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
 
Nằm trong khu vực “nóng” của các bệnh truyền nhiễm và được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, Việt Nam luôn nỗ lực, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với dịch bệnh. Nước ta là quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS năm 2003, khống chế sớm đại dịch cúm A(H1N1) năm 2010, thực hiện tốt các biện pháp ứng phó hiệu quả với các dịch cúm gia cầm trên người, gần đây đang tăng cường thực hiện ngăn chặn dịch bệnh Ebola và MERS-CoV.
 
Trong Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ tại chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng có đề cập: “Mở rộng hợp tác về Chương trình Nghị sự An ninh Y tế toàn cầu (GHSA), kể cả hướng tới sớm đạt các mục tiêu của GHSA.” Việt Nam được chọn là một trong hai quốc gia đầu tiên triển khai thí điểm Dự án An ninh Y tế toàn cầu của Chính phủ Hoa Kỳ.
 
Việt Nam nhấn mạnh việc cam kết là nước hàng đầu trong hành động Phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Theo đó, Việt Nam sẽ triển khai và chia sẻ kinh nghiệm về mô hình “One Health”, tăng cường các hoạt động chung về phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người. Việt Nam cũng cam kết là nước tham gia tích cực vào triển khai hiệu quả gói hành động Mô hình Văn phòng EOC: nâng cao chất lượng hoạt động của văn phòng, tăng cường năng lực Đội đáp ứng nhanh, kết nối thông tin giữa hệ thống giám sát và hệ thống xét nghiệm,…
 
Tại cuộc Hội thảo lần này, các chuyên gia y tế hàng đầu Việt Nam và các tổ chức y tế quốc tế đã thảo luận sôi nổi và đề xuất các mục tiêu, hoạt động và giải pháp ưu tiên cần thực hiện trong giai đoạn 2015-2020 nhằm hướng tới đạt mục tiêu của Chương trình An ninh y tế toàn cầu với 11 gói hành động: (1)Dự phòng 1: Phòng chống kháng thuốc (AMR); (2)Dự phòng 2: Bệnh từ lây truyền từ động vật sang người (ZD); (3)Dự phòng 3: An toàn và an ninh sinh học (BSS); (4)Dự phòng 4: Tiêm chủng (IMM); (5)Phát hiện 1: Hệ thống phòng xét nghiệm quốc gia (LAB);(6)Phát hiện 2 & 3: Hệ thống giám sát (SURV); (7)Phát hiện 4: Báo cáo (REP); (8) Phát hiện 5: Phát triển nguồn nhân lực (WD); (9)Đáp ứng 1: Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống bệnh dịch (EOC); (10)Đáp ứng 2: Đáp ứng nhanh đa ngành (PH-Law); (11)Đáp ứng 3: Biện pháp ứng phó y tế và triển khai nguồn nhân lực (MCM).
 
 
 Nội dung 11 gói hành động trong Chương trình An ninh Y tế toàn cầu (GHSA)
 
Dù còn những hạn chế, khó khăn nhất định như thiếu nhân lực chất lượng tại tuyến cơ sở; hạn chế, suy giảm đầu tư nguồn lực; tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, hợp tác đa ngành trong đó có sự tham gia của lĩnh vực y tế, nông nghiệp, thông tin, truyền thông, giáo dục, du lịch, quốc phòng, an ninh, môi trường và các ngành liên quan khác cùng với các Tổ chức quốc tế, từ đó chia sẻ những bài học kinh nghiệm cũng như những thách thức trong công tác phòng chống dịch với bạn bè quốc tế.

(Nguồn: vncdc.gov.vn)

In bản tin