Gặp gỡ báo chí Tổng kết chiến dịch tiêm vắc-xin Sởi-Rubella cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi

Cập nhật: 6/8/2015 | 8:00:32 AM

Chiều ngày 4/8/2015, tại Bộ Y tế đã diễn ra cuộc gặp gỡ báo chí thông tin về kết quả triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Sởi-Rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng.


PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, phát biểu khai mạc buổi họp báo.
 
PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòngTS. Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông Thi đua và khen thưởng, Bộ Y tế  và GS.TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đồng chủ trì buổi gặp gỡ báo chí. Tham dự cuộc họp báo có đại diện lãnh đạo Bộ Y tế; Cục Y tế dự phòng; Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng,… cùng đông đảo các phóng viên cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội.
Bệnh Sởi, Rubella là 2 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút Sởi và vi rút Rubella gây nên. Bệnh có tính lây truyền cao và để lại di chứng nặng nề cho người bệnh sau khi mắc. Nếu người mẹ nhiễm Rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây ra xảy thai, thai chết lưu, đẻ non, hội chứng Rubella bẩm sinh ở trẻ sơ sinh. Hai bệnh trên không có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vắc-xin là cách tốt nhất và chủ động để phòng bệnh Sởi, Rubella.
Việc triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin Sởi-Rubella trên quy mô toàn quốc với mục tiêu cao đã gặp không ít khó khăn trong công tác điều tra đối tượng, tập huấn cho cán bộ, cung ứng và bảo quản vắc xin, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng đưa trẻ đi tiêm chủng cũng như phải đảm bảo tiêm an toàn và hiệu quả. Vượt qua những khó khăn, trở ngại ấy, chiến dịch đã kết thúc tốt đẹp với gần 20 triệu trẻ em Việt Nam đã được tiêm chủng Sởi-Rubella, tức đạt tỷ lệ 98,2% số trẻ em trên cả nước từ 1-14 tuổi đã được tiêm chủng và phòng ngừa khỏi dịch Sởi-Rubella. Trên quy mô xã, phường có 11.150 xã trên tổng số 11.173 xã đạt tỷ lệ tiêm trên 95%. Đến nay còn 23 xã vùng sâu, vùng xa của các tỉnh miền núi khó khăn chưa đạt 95%, các tỉnh đang tiếp tục tiêm vét, phấn đấu cả nước đạt 100% số xã đạt tỷ lệ tiêm trên 95% trong 8 tháng đầu năm 2015.
Kết quả trên đã góp phần rất lớn trong việc khống chế hoàn toàn dịch Sởi tại Việt Nam trong năm 2015. Thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy trong 7 tháng đầu năm 2015 chỉ ghi nhận rất ít trường hợp mắc Sởi. Trên phạm vi toàn quốc không ghi nhận các ổ dịch Sởi.
Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, để đạt được kết quả như trên là nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ nhân viên y tế và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía các Bộ, Ngành, các cấp chính quyền tại địa phương, sự giúp đỡ nhiệt tình của các tổ chức quốc tế như WHO, JICA, GAVI, UNICEF.
 
PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, TS. Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông Thi đua và khen thưởng, Bộ Y tế và GS.TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương trả lời các câu hỏi của báo chí.
 
Để đạt được tỷ lệ tiêm chủng Sởi-Rubella trên 95%, Bộ Y tế đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 17/9/2014 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành liên quan về mọi mặt trong công tác của chiến dịch như: tổ chức, tham gia, hỗ trợ triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi và Rubella trong tiêm chủng mở rộng. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương tăng cường huy động nguồn nhân lực, vật lực cho triển khai chiến dịch. Bộ Y tế có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Bộ đội biên phòng trong việc tiêm chủng cho học sinh và các trẻ em vùng sâu, vùng xa. Chiến dịch đã có sự tham gia trực tiếp của 325.886 cán bộ Y tế thuộc khối dự phòng, bệnh viện, lực lượng quân y,… và 645.076 tình nguyện viên bao gồm các thầy, cô giáo, nhân lực từ Hội phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,…
Từ sự thành công của chiến dịch, ngành y tế rút kết một số bài học kinh nghiệm sâu sắc để tiếp tục triển khai các chiến dịch tiêm chủng trong thời gian tiếp theo:
  1. Chiến dịch đã tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội, các Bộ, ngành, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác tiêm chủng. Chiến dịch cũng đã tác động mạnh mẽ tới nhận thức của người dân đối với việc tiêm vắc xin phòng bệnh, kể cả người dân vùng sâu, vùng xa, do đó nâng cao tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng bệnh nói chung và vắc xin Sởi-Rubella nói riêng.
  2. Chiến dịch thể hiện quyết tâm và ủng hộ tích cực của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc tổ chức, triển khai chiến dịch; sự chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của chính quyền các cấp đã giúp huy động nguồn nhân lực, kinh phí hỗ trợ đảm bảo cho thành công của chiến dịch.
  3. Công tác tuyên truyền được triển khai mạnh mẽ trên nhiều kênh, phương tiện truyền thông, nhằm huy động sự tham gia của người dân trong chiến dịch. Các cơ quan thông tấn, báo chí đã phối hợp tích cực với ngành y tế trong việc thông tin, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng. Việc truyền thông nguy cơ nhanh chóng để kịp thời đáp ứng các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai, xử lý và giải thích các phản ứng tâm lý sau tiêm chủng nhanh chóng để dân hiểu, không ảnh hưởng tới hiệu quả, tiến độ của chiến dịch tiêm chủng.
  4. Công tác tiêm chủng được tổ chức một cách khoa học, an toàn; việc tổ chức theo từng đợt cho các địa phương và ứng dụng linh hoạt  đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa đã tạo thuận lợi và tập trung nguồn nhân lực  tạo hiệu quả trong việc triển khai chiến dịch. Ngoài ra, các sáng kiến đa dạng của các địa phương, huy động người có uy tín trong cộng đồng, các phương tiện vận chuyển sẵn có tại địa phương,… đã góp phần không nhỏ vào thành công của chiến dịch.
  5. Sự hỗ trợ tích cực từ Liên minh toàn cầu vắc xin và tiêm chủng (GAVI) về vắc xin, vật tư, kinh phí,… và sự hỗ trợ kịp thời từ phía các tổ chức quốc tế như WHO, UNICEF, JICA về kỹ thuật, truyền thông, giám sát,…
  6. Việc động viên kịp thời các cán bộ y tế, người tham gia, các tình nguyện viên trực tiếp tham gia triển khai chiến dịch tiêm chủng, đặc biệt trong những địa bàn khó khăn, những thời điểm có sự cố sau tiêm và khi chưa có sự cảm thông từ phía một bộ phận người dân. Tất cả nỗ lực trên đã giúp người trực tiếp thực hiện công tác tiêm chủng yên tâm, tập trung chuyên môn và đảm bảo chiến dịch thành công.
Tại cuộc họp báo, PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết Bộ Y tế đang xây dựng phần mềm nhằm giúp quản lý lịch tiêm chủng cho mỗi cá nhân, theo đó, khi di chuyển đến bất cứ địa phương nào, phần mềm sẽ cho biết lịch tiêm chúng của người đó để cán bộ y tế nắm được thông tin và có thể tiếp tục bổ sung mũi tiêm tiếp theo đầy đủ. Đây thực sự sẽ là một bước tiến mới trong công tác tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam, kết quả từ việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào y học cộng đồng.
Vào sáng ngày 7/8/2015 sắp tới, Bộ Y tế sẽ tổ chức Lễ Tổng kết chiến dịch tiêm vắc xin Sởi-Rubella cho trẻ em từ 1-14 tuổi trong tiêm chủng mở rộng nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, quản lý, điều hành cũng như động viên kịp thời đối với các tập thể, cá nhân đã có nhiều cống hiến trong việc tổ chức thực hiện thành công chiến dịch.

(Nguồn: vncdc.gov.vn)

In bản tin