Tăng cường năng lực y tế dự phòng Việt Nam thông qua chương trình FETP và xây dựng kế hoạch 2016-2020

Cập nhật: 13/8/2015 | 10:11:20 PM

Ngày 11-12/8 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo về kết quả triển khai chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa (FETP) tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015 với sự tham gia của các chuyên gia ngành y tế trong nước và quốc tế.

 
Chương trình FETP là một chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa dành cho cán bộ y tế dự phòng và thú y, được khởi động ngay sau khi Văn phòng FETP thành lập tại Việt Nam vào tháng 1/2008 do Cục Y tế dự phòng làm đầu mối thực hiện nhằm tăng cường năng lực của y tế dự phòng quốc gia, nhanh chóng kiểm soát bệnh dịch và giải quyết các vấn đề y tế công cộng. Ban chỉ đạo Chương trình FETP có 17 thành viên, do Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng ban, điều phối mọi hoạt động của Chương trình tại Việt Nam, cùng phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan, làm cầu nối giữa các tổ chức, chương trình đào tạo trong và ngoài nước. Năm 2010, Văn phòng FETP Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Chương trình đào tạo dịch tễ học và can thiệp y tế công cộng (TEPHINET), SAFETYNET, ASEAN+3 FETN.

Nội dung Chương trình bao gồm: Các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn dành cho cán bộ y tế dự phòng về giám sát, điều tra và xử lý ổ dịch, giải quyết các vấn đề y tế công cộng; Xây dựng đội ngũ chuyên gia về FETP tại các khu vực và tỉnh trọng điểm với mục tiêu thường xuyên lâu dài.

Sau 8 năm triển khai, Chương trình FETP Việt Nam đã đào tạo cho 36 học viên dài hạn 2 năm, trên 400 học viên ngắn hạn 3 tuần, 3 tháng. Với sự hướng dẫn trực tiếp của các giảng viên, giám sát viên các học viên đã tham gia một cách tích cực và hiệu quả vào các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại đơn vị, địa phương, viết các báo cáo khoa học, trong đó đã có 4 bài viết được đăng trên các tạp chí quốc tế, 15 bài viết trên các tạp chí trong nước, trên 40 báo cáo được trình bày tại các Hội nghị khoa học quốc tế, các kết quả này góp phần tích cực vào việc xây dựng các chính sách, biện pháp phòng chống dịch của quốc gia và khu vực.

Thông qua việc tham gia tích cực vào mạng lưới dịch tễ học thực địa trong khu vực và toàn cầu, Chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa Việt Nam đã làm cầu nối giữa các cán bộ làm công tác phòng chống dịch bệnh trong nước với các chuyên gia quốc tế, các chương trình dịch tễ học thực địa của các nước trên thế giới. Đặc biệt năm 2013, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị khoa học quốc tế liên khu vực TEPHINE lần thứ 7 tại Việt Nam; trong năm 2015 này Việt Nam đang thực hiện trọng trách là Trưởng nhóm điều hành mạng lưới Đào tạo dịch tễ học thực địa khu vực ASEAN+3 FETN và trong tháng 5 vừa qua, Việt Nam đã tổ chức thành công Cuộc họp các nhà quản lý Chương trình FETP trong khu vực ASEAN+3 đồng thời phối hợp với Văn phòng Điều phối FETN tổ chức diễn tập tại bàn về ứng phó với dịch Ebola tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường sự kết nối giữa các quốc gia và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh làm hiệu quả hơn công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương, khu vực.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, khẳng định: Bộ Y tế đánh giá cao những đóng góp của Chương trình vào việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam, đặc biệt là sự tham gia vào điều tra các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi, bệnh chưa rõ nguyên nhân.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Trần Đắc Phu cho rằng mô hình đào tạo dịch tễ học thực địa với nguyên tắc “học thông qua thực hành” hoặc “học thông qua việc cung cấp dịch vụ” là một hình thức đào tạo hết sức thiết thực đối với các cán bộ trực tiếp làm công tác phòng chống dịch nhằm nâng cao kỹ năng đáp ứng, xử lý với các ổ dịch nói riêng và các sự kiện y tế công cộng nói chung.

Nhận được sự chỉ đạo và ủng hộ tích cực của Bộ Y tế, Chương trình FETP đáp ứng nhu cầu quốc gia trong việc nâng cao năng lực cơ bản về dịch tễ học và xây dựng mạng lưới dịch tễ học thực địa quốc gia. Chương trình còn là cơ hội tăng cường sự hợp tác đa ngành thông qua việc triển khai áp dụng tiếp cận Một sức khỏe trong vấn đề lây truyền bệnh dịch từ động vật sang người.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những thách thức mà FETP Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới như: (1) Học viên dài hạn không thường trực tại Văn phòng; (2) Các giám sát viên, hướng dẫn viên ít thời gian hỗ trợ, hướng dẫn học viên và còn hạn chế số lượng giám sát viên, hướng dẫn viên; (3) Chưa kết nối giữa đào tạo cấp chứng chỉ và cấp bằng; (4) Các tài liệu còn cần phù hợp hơn nữa với tình hình thức tế tại Việt Nam; (5) Kinh phí còn hạn chế; (6) Nguồn lực hỗ trợ từ phía các tổ chức và đối tác giảm do điều kiện kinh tế khó khăn.

Trong định hướng Chương trình FETP giai đoạn 2016-2020 sắp tới, trước tình hình thế giới đang đối mặt với các bệnh mới nổi như Ebola, MERS-CoV, Sởi, Ecoli,…, Chương trình sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển mô hình đào tạo FETP đáp ứng phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam; Nâng cao chất lượng đào tạo; Hoàn thiện các loại hình đào tạo đa dạng hơn; Gắn kết và lồng ghép các hoạt động đào tạo liên quan giữa bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm; Mở rộng đào tạo cho cán bộ tuyến tỉnh và huyện; Nâng cao vai trò và ảnh hưởng của FETP trong hệ thống Y tế dự phòng và Y tế công cộng; Tăng cường về đào tạo giảng viên, giám sát viên thực địa; Kết nối với các cơ sở đào tạo để có thể cấp bằng và tăng cường tính hiệu quả của đào tạo; Tăng cường vận động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế và chính phủ để Chương trình phát triển bền vững hơn.

(Nguồn: vncdc.gov.vn)

In bản tin