Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Điều dưỡng: Những chiến binh thầm lặng!

Cập nhật: 10/5/2024 | 6:11:33 PM

“Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân
Nhớ lời Bác dạy ân cần sớm hôm
Xoá tan muôn vạn nỗi buồn
Niềm vui ánh mắt con đường tương lai”.
Như một lẽ tất nhiên của cuộc sống, một nhu cầu không thể thiếu của xã hội. Điều dưỡng chính là những thiên thần áo trắng chứng kiến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, những tiếng khóc bi ai hay những giọt nước mắt hạnh phúc của con người. Nghề điều dưỡng một nghề thầm lặng mà cao quý.

Lịch sử, ý nghĩa ra đời ngày điều dưỡng

Một người phụ nữ nước Anh đã sáng lập ra ngành điều dưỡng hiện đại, trở thành người mẹ tinh thần của ngành điều dưỡng thế giới, bà có tên là Florence Nightingale.

Bà Florence Nightingale (12/5/1820 - 1910) sinh ra trong một gia đình giàu có ở Ý và có liên hệ cao cấp trong chính phủ Anh quốc. Do đó mà bà bị cấm không cho đi làm những nghề nghèo hèn như nghề y tá lúc bấy giờ. Tuy nhiên, từ nhỏ bà đã có mơ ước được trở thành một người điều dưỡng có thể chăm sóc cho người bệnh. Năm 1847, bà vào học và làm việc tại một bệnh viện ở Đức. Dù gặp nhiều trở ngại về quan điểm xã hội và gia đình đối với nữ giới khi tham gia học về y tế và làm việc tại bệnh viện. Năm 1851, bà đã đến một bệnh viện ở Đức học tập sau đó trở về London để phụ trách một bệnh viện.

Trong vòng 3 năm làm tình nguyện tại bệnh viện dã chiến của cuộc chiến tranh Crimea ở Thổ Nhĩ Kỳ (1854-1856), Florence đã thay đổi tất cả, đã làm việc không quản khó khăn, thiếu thốn, ngày đêm tận tình chăm sóc điều trị cho thương bệnh binh đóng góp làm giảm tỷ lệ người tử vong do nhiễm trùng và chấn thương trong chiến đấu.

Ngày 12/5/1965, Hội đồng Quốc tế Điều dưỡng (ICN) đã tổ chức họp và quyết định lấy ngày 12/5 hàng năm, ngày sinh của bà Florence Nightingale làm Ngày Quốc tế Điều dưỡng để tôn vinh, tưởng nhớ công lao và khẳng định quyết tâm tiếp tục sự nghiệp mà bà đã xây dựng.

Tại Việt Nam, năm 2018, Bộ Y tế đã có hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12 tháng 5. Ngày 05/2/2018 Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã có Công văn số 145/KCB-ĐD đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các ngành, Giám đốc các Bệnh viện, Viện nghiên cứu có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện các nội dung nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có nội dung “Tổ chức các hoạt động thiết thực chào mừng hoặc tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5”. Hoạt động này nhằm tôn vinh giá trị nghề nghiệp, vinh danh tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc người bệnh tại đơn vị, đồng thời cũng động viên người điều dưỡng yêu ngành nghề, yên tâm công tác, nâng cao năng lực cá nhân, tiếp tục cống hiến sức lực trí tuệ và hiệu quả trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thực hiện chủ chương của Bộ Y tế và chủ đề của ngày điều dưỡng năm 2024: “Điều dưỡng của chúng ta. Tương lai của chúng ta. Hiệu quả của chăm sóc điều dưỡng”, các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh Quảng Ninh đã hưởng ứng rất sôi nổi, triển khai nhiều hoạt động thiết thực chào mừng ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5 như: Tổ chức Lễ kỷ niệm, tổ chức Hội thi điều dưỡng giỏi; thi giao tiếp ứng xử, thăm hỏi; tặng quà miễn phí cho người bệnh…Đây là dịp để các cấp lãnh đạo ghi nhận và biểu dương những đóng góp thầm lặng nhưng hết sức to lớn của đội ngũ điều dưỡng, đồng thời động viên người điều dưỡng yêu và có trách nhiệm hơn với nghề. Đây cũng là dịp để đội ngũ điều dưỡng hiểu rõ hơn lịch sử phát triển nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thay đổi phong cách, thái độ phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh, tiến tới hội nhập khu vực và quốc tế.

Thi tay nghề điều dưỡng giỏi tại Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm phả

Hội thi điều dưỡng thanh lịch tại Trung tâm Y tế Tiên Yên

Nghề điều dưỡng những cống hiến thầm lặng

Điều dưỡng là người tiếp nhận người bệnh đầu tiên, đôi khi điều dưỡng là người duy nhất cấp cứu người bệnh ở bệnh viện và ở các trạm y tế. Năng lực chuyên môn của điều dưỡng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Tại các Bệnh viện và Trung tâm Y tế, công việc của Điều dưỡng viên không đơn giản như những gì ta nhìn thấy bởi họ chạy như con thoi cả ngày lẫn đêm. Ngoài việc thực hiện các công việc như truyền dịch, phát thuốc, thay băng...thì điều dưỡng viên còn có khi phải túc trực nhiều khi thức trắng trọn đêm.  

Người điều dưỡng còn phải chịu khá nhiều áp lực bởi mỗi người một bệnh, một tính khác nhau nên chăm sóc bệnh nhân không khác gì làm dâu trăm họ, có khi còn khó khăn vất vả hơn bình thường do người bệnh bị những đau đớn từ bệnh tật giày vò cơ thể.

Cử nhân Trần Thị Minh Cẩm, Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả chia sẻ: “Tôi đã học được rằng, khi cho đi bằng tất cả tấm lòng, ta sẽ nhận lại được nhiều hơn thế và chẳng phải người có nhiều của cải mới là người giàu có, chính người cho đi nhiều mới là người giàu có. Những điều cao quý và giá trị nhất trên đời đều không thể nhìn thấy và chạm vào được, chúng chỉ được cảm nhận bằng con tim.”   

Cử nhân Trần Thị Minh Cẩm, Trưởng phòng Điều dưỡng của Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả ân cần thăm hỏi, mang đồ ăn cho bệnh nhân

Bất kỳ ai đã chấp nhận theo nghề đều là những người dũng cảm, chấp nhận hy sinh hạnh phúc cá nhân bởi trong công việc có rất nhiều áp lực mà không thể nói hay kể ra với bất kỳ ai, khi đã lựa chọn theo nghề là chấp nhận thiệt thòi cá nhân. Để có thể hoàn thành tốt công việc thực chất người điều dưỡng phải có sự yêu nghề, có tấm lòng nhân hậu, có năng lực thì mới đáp ứng được mọi yêu cầu khắt khe của xã hội.

Hơn hết trong ứng xử với bệnh nhân người điều dưỡng luôn phải giữ tâm thái bình tĩnh, luôn ân cần với bệnh nhân. Đặc biệt trong những lúc rảnh rỗi đều luôn dành thời gian thăm hỏi và động viên người bệnh nhằm tạo nên mối quan hệ gắn kết để hiểu hơn về tâm tư, giải thích những băn khoăn thắc mắc của người bệnh giúp người bệnh yên tâm hơn trong quá trình điều trị.

Cử nhân Nguyễn Thị Xuân, Phụ trách công tác điều dưỡng, Phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh cho biết: “Chính người bệnh là thước đo lòng nhân ái, đức tính kiên trì của người điều dưỡng chỉ có sự tận tụy, tình yêu thương người bệnh mới giúp ta gắn bó được với nghề điều dưỡng”.

Cử nhân Nguyễn Thị Xuân, Phụ trách công tác điều dưỡng, Phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh đo huyết áp cho người dân

Nghề nào đi nữa, cũng cần có chữ “tâm”, nghề điều dưỡng thì lại cần thiết hơn nữa khi hàng ngày phải chứng kiến bao cảnh đời bất hạnh, bao căn bệnh hiểm nghèo. Dù vất vả, dù chưa được nâng tầm trong xã hội nhưng các điều dưỡng viên luôn sống hết mình vì nghề, coi bệnh viện, trung tâm y tế là nhà, bệnh nhân là người thân bởi bệnh nhân đã trao sinh mệnh cho các y, bác sĩ, điều dưỡng viên.

Cử nhân Lê Thị Huyền, Điều dưỡng Phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh đo điện tim cho người dân

Hy vọng rằng những cống hiến, nỗ lực và tình yêu nghề của những người điều dưỡng sẽ luôn luôn rực cháy và...mãi mãi vẹn tròn...!

Ngọc Phượng, Mạnh Hùng – CDC QN

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014