Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, biện pháp để bảo vệ sức khỏe mẹ và bé

Cập nhật: 13/6/2024 | 10:20:31 AM

Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con những năm gần đây đã giảm được tình trạng trẻ em bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ, nhiều phụ nữ nhiễm HIV cũng được phát hiện sớm, điều trị kịp thời nâng cao hiệu quả dự phòng lây truyền HIV từ mẹ cho những đứa trẻ mới chào đời. Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024 diễn ra từ 01-30/06/2024 với chủ đề: “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030” nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Kể từ năm 2009, chiến dịch quốc gia về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lần đầu tiên đã được phát động trên toàn quốc nhằm đẩy mạnh cách tiếp cận toàn diện cho chương trình này. Sau đó, Bộ Y tế đã chọn tháng 6 hàng năm là Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con để đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông và cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đến nay, sau 15 năm triển khai, kết quả cho thấy số trẻ em bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ đã giảm, nhiều phụ nữ nhiễm HIV cũng được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là thuật ngữ chỉ sự lây truyền HIV từ người phụ nữ đã nhiễm HIV sang con trong quá trình mang thai, sinh con hoặc cho con bú qua đường sữa mẹ, còn được gọi là lây truyền HIV chu sinh.Sự lây HIV từ mẹ sang con có thể ngăn ngừa được, rất nhiều bằng chứng đã cho thấy việc sử dụng thuốc điều trị HIV kết hợp với các chiến lược khác đã giúp giảm nguy cơ lây HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2-6%, thậm chí là 0%. Các bà mẹ chuẩn bị mang thai, đang có thai nên đến các cơ sở y tế để được khám và xét nghiệm tầm soát. Cán bộ y tế sẽ hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa và giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Lấy máu xét nghiệm sàng lọc HIV cho PNMT tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh

Chị N.T.L (49 tuổi) bị nhiễm HIV đã gần 15 năm nay, nhờ tuân thủ tốt điều trị thuốc kháng HIV, tải lượng HIV đạt dưới ngưỡng phát hiện, chị sẵn sàng cho việc mang thai. Hiện nay, chị L mang thai được 37 tuần, chị luôn có niềm tin đứa con trong bụng sẽ không bị lây nhiễm HIV từ mình, chị chia sẻ: “Ngay từ khi phát hiện nhiễm HIV, tôi đã đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, hơn chục năm nay chưa ngày nào tôi quên uống thuốc kháng vi rút, sức khỏe của tôi hiện tại hoàn toàn bình thường, tôi luôn tin tưởng em bé sắp trào đời sẽ không bị nhiễm HIV từ mình.”

Chị N.T.L được cán bộ y tế tư vấn và cấp phát uống ARV trong quá trình theo dõi, điều trị trước sinh tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí

Tại Quảng Ninh, thời gian qua công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được hệ thống phòng, chống  HIV/AIDS và chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em  phối hợp chặt chẽ, triển khai các hoạt động từ truyền thông, dự phòng, đến cung cấp dịch vụ điều trị, chăm sóc cho mẹ và con ở cơ sở y tế các tuyến thông qua quy chế phối hợp. Các hướng dẫn chuyên môn cũng phù hợp với khuyến cáo của WHO. Việc lồng ghép cung cấp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ở hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản giúp tư vấn xét nghiệm phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV sớm hơn. Việc điều trị và chăm sóc, điều trị dự phòng cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được tốt hơn.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoài Thu – Phó khoa phòng chống HIV/AIDS, CDC Quảng Ninh tư vấn xét nghiệm HIV cho PNMT tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh

Các hoạt động phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con từ tỉnh đến cơ sở đã được triển khai nhiều biện pháp đồng bộ như thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi; tư vấn, xét nghiệm cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, chăm sóc thai kỳ tạo cơ hội cho phụ nữ mang thai tiếp cận sớm các dịch vụ. Đồng thời đẩy mạnh công tác tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai khi đến khám thai tại các cơ sở y tế. Trường hợp phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV sẽ chuyển tiếp đến cơ sở chăm sóc điều trị HIV/AIDS. Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được xét nghiệm chẩn đoán sớm nhiễm HIV, uống thuốc dự phòng phơi nhiễm, cấp sữa ăn thay thế và chuyển tiếp đến các cơ sở chăm sóc điều trị HIV/AIDS cho trẻ phơi nhiễm với HIV. Việc phát hiện sớm, điều trị đúng, đủ đã làm giảm đáng kể tỷ lệ trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Với vai trò là đơn vị đầu mối về công tác phòng chống HIV/AIDS của tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động truyền thông và cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con phù hợp với chức năng nhiệm vụ và nguồn lực, dịch vụ có sẵn của từng địa phương trong tỉnh. Đồng thời, thường xuyên giám sát, hỗ trợ các địa phương tổ chức các hoạt động trong tháng cao điểm dự phòng HIV từ mẹ sang con.

Cán bộ Khoa phòng chống HIV/AIDS, CDC Quảng Ninh giám sát công tác quản lý thuốc dự phòng, điều trị HIV tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí

Tiến sĩ Vũ Quyết Thắng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh cho biết: “ Để duy trì hiệu quả Chương trình, với vai trò là đơn vị đầu mối về công tác phòng chống HIV/AIDS của tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiếp tục triển khai, tăng cường công tác truyền thông, tư vấn để các trường hợp nguy cơ, nhất là phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm sàng lọc HIV sớm, phát hiện và điều trị kịp thời để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tăng cường công tác phối hợp tích cực với các chương trình như phòng, chống Lao, Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Sản phụ khoa…taị các cơ sở y tế, địa phương, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS và Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, từng bước cùng cả nước hướng tới thực hiện mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.”

Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024 nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân thực hiện chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội.

Hoàng Yến – CDC Quảng Ninh

 

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014