10/6/2012 | 12:21:37 PM

Tránh ngộ độc thực phẩm

Thời tiết nóng ẩm mùa hè được xem là điều kiện lý tưởng để các loại vi khuẩn phát triển nhanh chóng. Không chỉ khiến thực phẩm mau hư, vi khuẩn còn mang lại bệnh tật cho con người.

Sau đây là một số giải pháp giúp ngăn ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong những ngày nắng nóng.

Rửa tay thường xuyên. Đôi tay bẩn là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh liên quan đến thực phẩm. Do đó, trước khi chế biến thức ăn, bạn cần rửa sạch tay bằng xà phòng, đặc biệt sau khi đi vệ sinh, chăm sóc vật nuôi hay thay tã cho em bé. Lưu ý, khi đi ăn ngoài, bạn nên mang theo khăn ướt, khăn chống khuẩn hoặc khăn giấy để lau sạch đôi tay và dụng cụ ăn uống.

Tránh ngộ độc thực phẩm  
Nên rửa tay sạch trước khi chế biến hoặc bắt đầu bữa ăn - Ảnh: Minh Khôi

Ngăn vi khuẩn “nhiễm chéo” vào thực phẩm. Vi khuẩn dễ dàng lây truyền từ thực phẩm này sang thực phẩm khác trong quá trình chuẩn bị và bày biện thức ăn. Cần chắc chắn rằng những dụng cụ như đĩa, dao, kéo, thớt... được rửa sạch sau khi chế biến thịt sống. Nếu phải mang thực phẩm sống đi ra ngoài, bạn nên gói kỹ lưỡng và cách ly chúng với các loại thức ăn chín.

Nấu ăn ở nhiệt độ thích hợp. Thực phẩm được xem là an toàn khi được nấu ở nhiệt độ và thời gian đủ cao để tiêu diệt các loại vi khuẩn gây hại. Cách tốt nhất là bạn nên dùng nhiệt kế thực phẩm để đo nhiệt độ khi nấu. Theo đó, thịt bò phải được nấu ở nhiệt độ tối thiểu 63oC; thịt bò xay, thịt heo, thịt cừu, thịt dê nên nấu ở nhiệt độ 71oC. Đối với thịt gia cầm, nhiệt độ tốt nhất để nấu chín là 74oC. Nên nhớ việc sơ chế thực phẩm (hay nấu chín một phần) có thể giúp tiết kiệm thời gian khi chế biến món ăn sau này. Tuy nhiên, vi khuẩn không bị tiêu diệt hoàn toàn mà có thể sống sót, thậm chí sinh sôi mạnh hơn sau khi thực phẩm được nấu chín.

Bảo quản thực phẩm trong thùng đá. Sau khi mua về, bạn nên cho ngay các loại thịt dễ hỏng như thịt nguội, thịt gia cầm và các món rau trộn làm sẵn vào tủ lạnh (và nhớ là để tách bạch với thực phẩm chín). Nếu phải mang những thực phẩm này ra ngoài, chẳng hạn như khi đi dã ngoại, bạn nên để chúng ở giữa thùng nước đá hoặc đặt ở nơi mát mẻ chứ không nên để trong cốp xe vốn rất nóng.

Tránh để thực phẩm bên ngoài quá lâu. Nếu bạn mua thực phẩm nấu sẵn ở các cửa hàng và dự định sẽ ăn trong vòng 2 tiếng đồng hồ, tốt nhất bạn nên bảo quản chúng giống như thức ăn còn thừa. Lưu ý là nếu nhiệt độ ngoài trời trên 32oC, thực phẩm để bên ngoài trong khoảng 1 giờ sẽ không còn an toàn cho sức khỏe.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814