11/1/2019 | 7:54:06 AM

Vì sao không hút thuốc lá vẫn bị ung thư phổi?

Nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi như hút thuốc lá, không khí ô nhiễm, tiếp xúc với các hóa chất độc hại, đột biến gene...

Ung thư phổi là một trong 10 loại ung thư gây tử vong cao nhất trên thế giới. Các chuyên gia cho biết, khoảng 90% bệnh nhân hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc (hút thuốc lá bị động) trong thời gian dài.

Theo Cancer, thống kê tại Mỹ cho thấy trong số người chết vì ung thư phổi mỗi năm, có đến 20% được cho là không bao giờ hút thuốc hay sử dụng bất kỳ loại thuốc lá nào.

Các chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân khác như: không khí ô nhiễm, uống rượu bia, tiếp xúc với các hóa chất độc hại... Bác sĩ Vicent Lam, bác sĩ chuyên khoa ung thư phổi tại Trung tâm Ung thư MD Anderson (Mỹ) cho biết có khác biệt giữa 2 nhóm mắc ung thư phổi do hút thuốc và không hút thuốc. Cụ thể, những người bị ung thư phổi không hút thuốc thường là phụ nữ, có xu hướng trẻ hơn người hút thuốc hoặc từng hút thuốc.

Các khối u ở 2 nhóm này cũng có khuynh hướng đột biến di truyền khác nhau. Điều này giải thích tại sao những người không hút thuốc bị ung thư phổi thường sống lâu hơn những người hút và từng hút thuốc mắc bệnh.

Có nhiều nguyên nhân khác ngoài thuốc lá gây ung thư phổi như: không khí ô nhiễm, uống rượu bia, tiếp xúc với các hóa chất độc hại,... Ảnh: Health

Nhiều nguyên nhân khác ngoài thuốc lá gây ung thư phổi như: không khí ô nhiễm, uống rượu bia, tiếp xúc với các hóa chất độc hại. Ảnh: Health.

Nguy cơ gây ung thư phổi ngoài thuốc lá

Khí radon

Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), khí radon là nguyên nhân gây ung thư phổi hàng đầu ở người không hút thuốc lá. Radon xuất hiện tự nhiên ngoài trời với số lượng vô hại, nhưng đôi khi chúng tập trung trong các ngôi nhà được xây dựng trên vùng mỏ uranium. Đây là loại khí có thể nhìn thấy hoặc ngửi mùi, kiểm tra bằng dụng cụ tại nhà.

Hít phải khói thuốc

Ngoài khí radon, mỗi năm có khoảng 7.000 người trưởng thành chết vì ung thư phổi do hít phải khói thuốc lá. Nhiều quốc gia cấm hút thuốc ở nơi công cộng đã giúp giảm thiểu nguy cơ này.

Tác nhân gây ung thư nơi làm việc

Đối với một số người, nơi làm việc là nguồn tiếp xúc với các chất gây ung thư như: amiăng, khí thải diesel. Bụi amiăng là chất rất trơ, như mảnh vụn thủy tinh, sợi rất mảnh. Khi người lao động khai thác, nghiền, chế tạo amiăng, những hạt bụi này đi vào trong phổi, có thể vào tận đáy phế nang hoặc các nội bào. Khi phổi co giãn liên tục, các sợi amiăng tạo thành vết thương. Cơ thể tiết ra chất bọc lấy dị vật để chúng không tiếp tục ảnh hưởng đến các bộ phận khác.

Nếu nhiều hạt amiăng trong phổi, nội bào gây tổn thương lâu dài, tạo ra khối u. Ban đầu, chúng chỉ là u lành. Trong quá trình biến đổi của cơ thể, khối u đó sinh sôi thành các khối u ác tính. 

Những công nhân khai thác mỏ thường tiếp xúc nhiều với amiăng, chất urani và radon, khí diesel - một loại nhiên liệu đốt trong, nguy cơ phát triển ung thư phổi cao hơn.

Ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời đều góp phần gây ung thư phổi. Các tác nhân bao gồm: khói bụi xe, nhà máy điện, bếp lò và các nguồn khác có thể phát tán các hạt nhỏ vào không khí. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 3 tỷ người trên thế giới đang nấu ăn và sưởi ấm bằng các nhiên liệu rắn (gỗ và than) hoặc bằng lửa. Đun nấu trong môi trường kém thoáng khí dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà, góp phần tăng nguy cơ ung thư phổi.

Phụ nữ và trẻ em có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí trong nhà do sự tiếp xúc với lửa nấu ăn và nhiều thời gian ở trong nhà. Các nước thu nhập thấp thường là nơi có mức ô nhiễm không khí trong nhà cao.

Nguy cơ ung thư phổi liên quan đến ô nhiễm không khí ở Mỹ được cho là thấp hơn so với nhiều quốc gia khác vì các chính sách giúp giảm mức độ phơi nhiễm.

Đột biến gene

Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân khiến các tế bào trở thành ung thư và sự khác nhau giữa tế bào ung thư phổi của những người hút thuốc và chưa bao giờ hút thuốc. Hiểu cách thay đổi gene, cách các tế bào ung thư phổi phát triển, các nhà nghiên cứu phát triển các liệu pháp đặc biệt nhắm vào các đột biến này.

Theo các nhà khoa học, chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau quả cũng giúp giảm nguy cơ ung thư phổi ở cả người hút thuốc và người không hút thuốc.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814