6/5/2019 | 9:18:35 AM

Viêm amidan, chớ để thành mạn tính

Amidan là những tế bào lympho có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn.

Khi các tác nhân gây bệnh ồ ạt xâm nhập quá mức vùng mũi họng, amidan phải làm việc quá sức sẽ bị viêm. Tình trạng viêm không được xử lý triệt để, dễ dẫn đến viêm amidan mạn tính có hốc mủ, gây nhiều biến chứng.

Amidan là cơ quan miễn dịch quan trọng nhưng dễ bị viêm

Amidan là hàng rào miễn dịch vùng họng miệng, hoạt động mạnh từ 4 - 10 tuổi, sau đó đến tuổi dậy thì mức độ miễn dịch của amidan giảm rõ và không còn hoạt động mạnh nữa. Khi amidan chống lại sự xâm nhập ồ ạt của vi khuẩn vào mũi họng vượt quá mức sẽ xảy ra tình trạng viêm, amidan bị sưng, đỏ. Hậu quả của sự tập trung tiêu diệt vi khuẩn tại amidan thường để lại xác vi khuẩn và xác bạch cầu, mô hoại tử thành các cục mủ rất hôi, lâu lâu rớt ra khỏi amidan. Khi amidan bị viêm nhiều lần, khả năng chống vi khuẩn bị yếu đi, do chính các ổ viêm nằm trong amidan lại là nơi khởi phát cho những đợt viêm vùng họng.Viêm amidan chiếm tỷ lệ cao ở trẻ em, thường do vi khuẩn gây ra.

viem-amidan-cho-de-thanh-man-tinh-1

Hình ảnh amidan bị viêm.

Cấu trúc của amidan gồm nhiều múi, vách ngăn tạo thành các hốc tự nhiên rất dễ bị tấn công bởi vi khuẩn, virut, nấm qua đường ăn uống, thở, vệ sinh răng miệng không sạch,... Thủ phạm gây viêm amidan có thể kể đến như: Do viêm đường hô hấp trên; Do lạnh; Do nhiễm virut, cảm cúm; Do liên cầu tán huyết beta nhóm A gây ra viêm amidan và hay gây ra biến chứng viêm khớp cấp, viêm nội tâm mạc, bệnh van tim và gây ra viêm cầu thận; Do vi khuẩn bạch hầu gây ra giả mạc làm nghẽn đường thở và tạo ra độc tố; Viêm amidan do nấm ở người suy giảm miễn dịch...

Bệnh nhân bị viêm amidan có biểu hiện: sốt cao trên 39-40 độ C. Hai amidan sưng đỏ, đôi khi có giả mạc trắng bám vào amidan. Cảm giác khô cổ, đau cổ, khó nuốt. Thường nhức đầu vùng hai bên thái dương. Nghẹt mũi, chảy dịch hốc mũi, lúc đầu dịch nhày, trong, sau đó dịch đặc hơn, màu trắng hay vàng...

Viêm amidan hốc mủ là gì?

Viêm amidan được biết đến ở 2 thể: amidan cấp tính và viêm amidan quá phát. Nếu không được chữa trị kịp thời có thể phát triển thành bệnh viêm amidan mạn tính. Một trong những dạng của viêm amidan mạn tính là viêm amidan hốc mủ.

Bệnh viêm amidan hốc mủ có thể do những tác nhân sau:

Amidan được chia thành nhiều hốc nằm ngay vị trí giao thoa giữa đường ăn, đường thở,... nên rất dễ tích tụ vi khuẩn, virut thâm nhập và gây bệnh. Các vùng tai - mũi- họng có quan hệ mật thiết với nhau, vì vậy nếu bộ phận tai hoặc mũi bị bệnh thì vi khuẩn có thể dễ dàng tấn công sang họng và gây bệnh amidan hốc mủ. Người bị viêm amidan cấp mà không được chữa trị kịp thời, hoặc chữa trị không triệt để, không đúng cách đều có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn và chuyển thành bệnh viêm amidan hốc mủ. Sự thay đổi thời tiết, môi trường sống bị ô nhiễm,... làm cho hệ miễn dịch của cơ thể trở nên suy yếu khiến amidan dễ bị tổn thương và dẫn đến việc hình thành bệnh amidan hốc mủ. Ngoài những nguyên nhân trên còn có thể liên quan đến một số thói quen sinh hoạt không tốt: thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá, uống nước lạnh, ăn nhiều đồ ăn cay nóng, vệ sinh răng miệng không sạch.

Triệu chứng bệnh viêm amidan hốc mủ thường thấy là: Trong hốc amidan có mủ màu trắng hoặc xanh lấm tấm trong khoang miệng. Amidan có màu đỏ, phình to và có nhiều dịch màu trắng trên bề mặt. Nuốt vướng, cổ họng đau rát nhất là khi ăn hoặc uống. Ho khan hoặc ho có đờm. Miệng khô, hơi thở có mùi hôi do mủ tích tụ lâu ngày. Sốt cao, hoặc không sốt. Toàn thân đau nhức, mệt mỏi.

Những người bị bệnh amidan hốc mủ nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng như: Tại chỗ bị viêm amidan xảy ra tình trạng bị bội nhiễm, ổ viêm lan rộng, gây áp-xe amidan khiến cố họng bệnh nhân bị đau rát, khó nuốt, khó nói, khó khăn trong các hoạt động về miệng. Vi khuẩn, virut,.. tại khu vực bị viêm amidan có thể lây nhiễm sang những vùng khác gây các bệnh về răng miệng, viêm xoang, viêm tai giữa... Đồng thời gây hôi miệng làm người bệnh mất tự tin khi giao tiếp. Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh amidan hốc mủ là hội chứng ngừng thở khi ngủ. Nguyên nhân của việc này là do amidan bị viêm phồng quá lớn chèn ép đường thời khiến phổi bị chịu áp lực. Cùng với đó, bệnh amidan hốc mủ còn có thể gây ra những bệnh như: suy tim, suy phổi, viêm khớp, phù chi, phù mặt,…

Phân biệt viêm amidan và ung thư vòm họng

Các dấu hiệu ung thư vòm họng và viêm amidan khá giống nhau. Viêm amidan có mủ và ung thư vòm họng đều xảy ra liên quan đến khu vực vòm họng và có những biểu hiện tương đồng dễ nhầm lẫn. Có thể phân biệt viêm amidan có mủ và ung thư vòm họng thông qua những dấu hiệu sau:

Viêm amidan có mủ: Mủ xuất hiện giữa amidan và bao quanh amidan. Vướng họng, đau nhói trong họng. Đau lan lên tai, nuốt đau, không nuốt được. Nước bọt tiết nhiều, đau khi há miệng lớn. Sốt. Hàm sưng...

Ung thư vòm họng: Đau đầu: lúc đầu đau âm ỉ không thành cơn sau đau dữ dội và lan ra hai bên. Ù tai: lúc đầu ù tai nhẹ một bên sau ù cả hai bên, nghe kém đi rất nhiều. Ngạt mũi: ở giai đoạn ung thư tiến triển, bệnh nhân có thể bị ngạt mũi liên tục, chảy máu mũi, chảy mủ lẫn máu. Nổi hạch góc hàm: hạch lúc đầu nhỏ, rắn có thể di động nhưng sau cứng dần và dính chặt vào vùng cổ, ấn có cảm giác đau và sau lan đến nhiều vị trí khác. Liệt dây thần kinh sọ: xảy ra khi ung thư lan tới nền sọ khiến sự phối hợp các cơ quan kém.

Nếu nghi ngờ bệnh, tốt nhất nên đi khám bệnh viện chuyên khoa để làm các xét nghiệm cần thiết.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814