25/12/2012 | 3:17:31 PM

Viêm loét đại trực tràng chảy máu Chẩn đoán sớm để phòng biến chứng nguy hiểm

Viêm loét đại trực tràng chảy máu là bệnh đang có xu hướng tăng ở các nước phát triển. Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng nhưng thường xảy ra ở người trẻ, với biểu hiện chủ yếu là đau bụng, tiêu chảy phân máu kèm theo sốt và sút cân, mất máu... Bệnh thường không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Chính vì thế, việc chẩn đoán sớm để điều trị là việc làm hết sức khó khăn nhằm tránh để lại những biến chứng nguy hiểm.
Chẩn đoán sớm để phòng biến chứng nguy hiểm 1
Hình ảnh viêm loét đại tràng.
 
Đại tràng là đoạn cuối của đường tiêu hóa, là nơi hình thành và chứa đựng phân trước khi bài xuất ra ngoài. Đại tràng bao gồm: manh tràng là đoạn nối với đoạn cuối ruột non tiếp đến là đại tràng lên (đại tràng phải), đại tràng góc gan, đại tràng ngang, đại tràng góc lách, đại tràng xuống (đại tràng trái), đại tràng sigma, trực tràng và cuối cùng là hậu môn. Bệnh viêm loét đại tràng chảy máu có đặc điểm là gây ra hiện tượng viêm, loét và rối loạn chức năng của đại tràng.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân của bệnh đến nay người ta cũng chưa rõ, nhưng bệnh có liên quan tới quá trình đáp ứng miễn dịch. Bệnh viêm loét đại tràng chảy máu và bệnh Crohn gọi chung là nhóm bệnh viêm ruột (Inflammatory Bowel Disease- IBD). Bệnh lúc đầu có thể chỉ khu trú tại trực tràng, về sau lan dần vào trong, tổn thương có thể toàn bộ đại tràng đôi khi có thể lan cả sang một phần của đoạn cuối ruột non. Nam và nữ đều có thể mắc bệnh như nhau và thường gặp ở lứa tuổi 15 - 30 và 60 - 70 tuổi.

Biểu hiện của bệnh

Tùy theo mức độ tổn thương mà bệnh có biểu hiện khác nhau. Trong trường hợp điển hình, bệnh nhân tiêu chảy nhiều lần trong ngày, phân có nhiều nhầy máu, nếu bệnh nặng có khi chỉ toàn nhầy máu mà không có phân. Đau bụng là triệu chứng hay gặp, đau bụng làm bệnh nhân phải đi đại tiện ngay. Bệnh nhân có triệu chứng mót rặn khi đại tiện. Giai đoạn đầu bị bệnh thường bị nhầm là bị bệnh lỵ và tự điều trị nhưng không có kết quả hoặc có giảm bớt triệu chứng nhưng sau bệnh ngày càng tăng dần.

Ở các thể nhẹ, người bệnh không có thay đổi về thể trạng, triệu chứng đại tiện nhầy máu chỉ kéo dài dưới 4 ngày, không có thay đổi thể trạng, không có thiếu máu hoặc giảm protein máu. Bệnh thường chỉ khu trú ở trực tràng hoặc đại tràng sigma, hiếm khi có tổn thương cao hơn ở phía trên. Các biểu hiện ngoài ruột là rất hiếm. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể diễn tiến thành nặng.

Ở trường hợp nặng hơn, người bệnh thường khởi đầu bằng đau quặn bụng, rồi đại tiện phân máu, có thể xảy ra vào ban đêm nhưng số lần đại tiện thường dưới 6 lần/ngày. Thường kèm theo sốt, giảm protein máu, làm bệnh nhân mệt mỏi.

Bệnh trở nên trầm trọng khi người bệnh đại tiện có máu hơn 6 lần/ngày và thường xảy ra về ban đêm. Thường có cảm giác đau rát, buốt hậu môn và mót rặn. Cơ thể suy sụp với nhịp tim nhanh, huyết áp hạ, sốt cao, bụng trướng. Nếu không được điều trị kịp thời thì tiến triển rất nặng dẫn đến tử vong do xuất huyết trầm trọng hoặc giãn đại tràng nhiễm độc.

Bệnh nhân có thể sốt, thiếu máu, biểu hiện bằng hoa mắt chóng mặt, nhất là khi ngồi xuống và đứng lên; có thể có phù chân do giảm protein máu khi mắc bệnh lâu ngày. Ở thể nặng có biểu hiện mất nước: khát nước, môi khô, người hốc hác, thậm chí có triệu chứng sốc như: mạch nhanh, huyết áp tụt, đau bụng dữ dội do viêm đại tràng nhiễm độc. Ngoài ra, có thể có các triệu chứng như sưng đau các khớp, đau vùng thắt lưng và cùng chậu do viêm khớp cùng chậu.

Chẩn đoán dựa vào các triệu chứng lâm sàng và các biểu hiện đặc trưng khi nội soi đại trực tràng kết hợp với sinh thiết. Khi soi đại trực tràng, cần cẩn thận không nên bơm hơi nhiều vì có thể gây thủng ruột.

Để củng cố cho chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm thêm một số xét nghiệm như: xét nghiệm phân, xét nghiệm máu, sinh hóa, giảm vitamin B12, axit folic, Fe huyết thanh. Chụp Xquang khung đại tràng, nội soi khung đại tràng và sinh thiết niêm mạc đại tràng được xem là phương pháp chẩn đoán chính xác.
 
 Bệnh có nguy hiểm?

Các biến chứng thường thấy là người bệnh bị suy kiệt, thiếu máu, sốc do nhiễm độc, có thể thủng đại tràng trong trường hợp nặng.

Các biến chứng nhẹ của ruột là giả polyp, chỉ xảy ra trong 20% trường hợp, các biến chứng ít gặp hơn là nứt hậu môn, rò và áp-xe hậu môn. Nặng hơn, người bệnh có thể bị chảy máu trầm trọng, hẹp đại tràng, phình đại tràng nhiễm độc, thủng và dẫn đến ung thư.

Một số biến chứng khác như viêm quanh mật quản, viêm khớp, hồng ban nút, viêm da mủ hoại thư, viêm xơ đường mật tiên phát, viêm thận bể thận và sỏi, trong đợt cấp nặng của viêm loét đại trực tràng chảy máu lan rộng có thể có biến chứng đông máu rải rác nội mạc.

Điều trị thế nào?

Cho tới nay chưa có thuốc điều trị khỏi bệnh hoàn toàn mà việc điều trị chỉ giúp lui bệnh.

Thông thường, trong viêm loét đại trực tràng chảy máu, các thuốc thường được dùng phối hợp là corticoid, sulfasalazin và các dẫn chất của nó, azathioprin, cyclosporin. Tuy nhiên, tùy theo tình trạng, giai đoạn của bệnh, tổng trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc cụ thể.

Phẫu thuật cắt bỏ đại tràng là biện pháp duy nhất để điều trị khỏi bệnh hoàn toàn, thường được áp dụng trong trường hợp nặng gây nhiễm độc, nguy cơ thủng đại tràng hoặc khi bệnh không đáp ứng khi điều trị bằng thuốc.

Song song với việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cần thực hiện các chế độ dinh dưỡng tốt cho hệ tiêu hóa, tránh stress, không dùng các chất kích thích, uống đủ nước và khám sức khỏe định kỳ - đây cũng là những biện pháp giảm nguy cơ mắc bệnh đối với người khỏe mạnh. Khi có triệu chứng, cần đi khám bệnh sớm và điều trị kịp thời khi tổn thương chưa lan rộng; theo dõi định kỳ để phát hiện tránh để bệnh tiến triển thành ung thư.


Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814