10/9/2012 | 7:47:41 PM

Viêm loét miệng, vài điều cần biết

Tuy chỉ là những vết loét nhỏ nhưng lại ở vị trí “nhạy cảm” nên loét miệng thường gây không ít đau đớn khó chịu cho bệnh nhân. Đây cũng là những tổn thương rất thường gặp nên thiết nghĩ, mỗi chúng ta cũng nên biết một vài điều cơ bản về chứng bệnh này.

Vài nét về loét miệng

Loét miệng, viêm loét miệng (aphthous ulcers, aphtha), là những tổn thương loét nông nhỏ trên bề mặt niêm mạc trong khoang miệng, lưỡi, lợi. Các vết loét này không nguy hiểm nhưng gây đau, đặc biệt khi ăn uống hoặc khi nói chuyện, nuốt nước bọt…

 Viêm loét miệng gây đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân.  Ảnh: TL

Các vết loét thường có hình tròn hoặc hình ô van, tổn thương nông hình lòng chảo, đáy có màu vàng nhạt hoặc màu trắng với một viền đỏ viêm xung quanh. Vị trí ổ loét ở niêm mạc miệng, lưỡi, ở chân lợi, khẩu cái, dưới lưỡi. Có thể có một hoặc nhiều ổ loét ở cùng hoặc ở các vị trí khác nhau trong khoang miệng.

Có một vài loại viêm loét miệng dựa theo kích thước của thương tổn. Loại viêm loét miệng nhỏ là loại hay gặp nhất, loại này thường có hình ô van, tổn thương nông và khỏi sau khoảng một đến hai tuần, không để lại sẹo. Loại thứ hai là loại viêm loét miệng có kích thước trung bình, bờ không đều, tổn thương sâu hơn, khỏi sau bốn đến sáu tuần và có thể để lại sẹo. Loại thứ ba là viêm loét miệng dạng herpes. Loại này có kích thước nhỏ như đầu đinh ghim, tổn thương từng chùm từ 10 đến 100 nốt, bờ không đều, khỏi không để lại sẹo trong vòng một đến hai tuần.

Viêm loét miệng miệng thì thường xảy ra ở nữ hơn là nam giới. Thống kê cũng cho thấy khoảng 30% số bệnh nhân thường bị viêm loét miệng tái diễn nhiều lần và có tính chất gia đình.

Nhìn chung, các vết loét xuất hiện và tự khỏi trong vòng khoảng một tuần mà không cần một phương pháp điều trị đặc biệt nào.

Nguyên nhân khởi phát

Cho đến nay, nguyên nhân thực sự của viêm loét miệng vẫn chưa được rõ. Tuy vậy, người ta cho rằng có một số yếu tố có thể là nguyên nhân khởi phát của bệnh như các tổn thương nhỏ ở khoang miệng do bàn chải răng quá to, quá cứng, do vô tình cắn phải niêm mạc miệng, lưỡi…; đánh răng và nước súc miệng có chất sodium lauryl sulphate cũng có thể gây viêm loét miệng.
 
Viêm loét miệng cũng có thể do gia vị hoặc thức ăn có tính acide, do nhạy cảm với một số loại thức ăn như chocolate, cà phê, dâu, trứng, pho mát, dứa…; một chế độ ăn thiếu vitamin B12, kẽm, folate, sắt thường hay gây tổn thương da và niêm mạc trong đó có niêm mạc miệng. Các nguyên nhân viêm loét miệng do dị ứng với vi khuẩn cư trú trong khoang miệng, viêm loét miệng do vi khuẩn helicobacter pylori, loét miệng do thay đổi nội tiết trong chu kỳ kinh nguyệt, và viêm loét miệng do căng thẳng về mặt tâm lý (stress) cũng có thể xảy ra.

Viêm loét miệng cũng có thể xảy ra đồng hành trong một số bệnh cảnh như các viêm loét của ruột non, bệnh viêm loét đại - trực tràng như bệnh Crohn; bệnh viêm toàn thân (bệnh Behcet); bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS)…

 Cần ăn đầy đủ vitamin để tránh viêm loét miệng.  Ảnh: TL

Bạn làm gì khi bị viêm loét miệng?

Nói chung, viêm loét miệng thường tự khỏi sau một đến hai tuần mà không để lại một di chứng nào. Tuy vậy, trong một số trường hợp, bạn cũng cần phải sử dụng một số liệu pháp như súc miệng hoặc bôi một số thuốc có chứa steroid như dexamethasone để giảm viêm nhiễm phù nề tại ổ loét. Thuốc kháng sinh như tetracycline làm giảm đau, giảm viêm, làm mau lành vết loét nhưng hiện nay ít được dùng, đặc biệt ở trẻ em. Các loại thuốc kem có chứa benzocaine, amlexanox, fluocinonide hiện đang được ưa chuộng giúp giảm đau và mau lành vết loét.
 
Bạn cũng có thể uống các thuốc như prednisolon, colchicine (thuốc điều trị bệnh gút) hoặc cimetidine (thuốc điều trị dạ dày) để giảm đau và kháng viêm trong các trường hợp viêm loét miệng nặng và lâu lành. Trong một số trường hợp, các thuốc làm khô, se ổ loét như nitrate bạc cũng có thể được sử dụng để giúp giảm đau và mau lành vết loét. Nếu ổ loét gây đau nhiều, cho bệnh nhân uống thêm giảm đau (paracetamol), vitamin C, vitamin PP. Ăn lỏng, tránh các chất kích thích như ớt, hạt tiêu… gây đau ổ loét.

Dự phòng áp - tơ miệng được không?

Do cơ chế gây tổn thương chưa rõ nên việc dự phòng viêm loét miệng chủ yếu dựa vào việc loại bỏ các yếu tố nguy cơ như không ăn quá nhiều các thức ăn gây kích thích khoang miệng (ớt, hạt tiêu, dấm…). Việc cung cấp một chế độ ăn đầy đủ các loại vitamin (C, B1, B6, B12, PP…) và các yếu tố vi lượng như kẽm, đồng…cũng rất quan trọng vì đây là các yếu tố không thể thiếu đảm bảo cho da và niêm mạc khỏe mạnh, không bị tổn thương.
 
Thay đổi thói quen nói chuyện nhiều trong khi ăn để tránh cắn phải lưỡi hoặc niêm mạc má. Lựa chọn bàn chải răng thích hợp và làm vệ sinh răng miệng thường xuyên, đúng phương pháp để lợi không bị viêm loét. Cuối cùng, việc thay đổi các thói quen có hại như hút thuốc lá, nghiện rượu, ăn uống không đủ chất, thức đêm nhiều, làm việc quá sức cũng như tránh các căng thẳng, các stress về mặt tâm lý, tạo một sự hài hòa, thoải mái trong cuộc sống cũng sẽ giúp bạn tránh được những phiền hà do viêm loét miệng gây ra. 

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814