7/11/2012 | 10:51:38 AM

Viêm tai giữa tiết dịch

Viêm tai giữa tiết dịch (VTGTD) là một bệnh lý “im lặng” của tai giữa, thường không có triệu chứng rõ ràng nên gây khó khăn cho chẩn đoán, hoặc chẩn đoán trễ để lại di chứng nghe kém.

Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em, lứa tuổi thường gặp 2 - 5 tuổi. Bệnh cảnh của tắc vòi nhĩ và tái phát cao.

Xảy ra như thế nào?

Đây là một tình trạng có dịch mạn tính trong tai giữa mà thường không có một dấu hiệu gì cấp tính hết. Sự tiết dịch này được mô tả bởi quá trình viêm tai, xảy ra sau một màng nhĩ bình thường và lan tỏa trong một vùng xương chũm. Bệnh xảy ra sau một tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên làm tắc mũi, dẫn đến giảm thông khí ở tai giữa và áp suất âm ở tai giữa, đồng thời sự viêm và tích tụ chất tiết ở vòm mũi họng thúc đẩy nhiễm trùng ở niêm mạc vòi nhĩ, gây ra tắc vòi nhĩ và gia tăng nhiễm trùng tai giữa, ở trẻ em vòi nhĩ ngắn và nằm ngang hơn so với người lớn, nên có hiện tượng trào ngược dịch từ vòm mũi họng vào tai giữa nhất là ở tư thế nằm mà ở trẻ em thì hay nằm. Tất cả yếu tố trên gây nên tình trạng VTGTD. Bên cạnh đó, trong bệnh lý VTGTD vi khuẩn gây bệnh thường do Streptococcus pneumoniae, Hemophilus influenzae, Moraxella carrhalis và Staphylococcus aureus.

Viêm tai giữa tiết dịch 1

Cách xác định

Triệu chứng viêm tai giữa thường yên lặng nên trẻ không có phản ứng và cha mẹ không hay biết. Trẻ đi khám bệnh chủ yếu do viêm nhiễm đường hô hấp trên gây chảy mũi nghẹt mũi. Nghe kém được lưu ý khi cha mẹ nói trẻ chậm phản ứng hay không nghe rõ, học tập sa sút, xem hoạt hình phải mở âm lượng lớn, lúc đó cha mẹ nghi ngờ mới cho trẻ đi khám. Trẻ lớn có cảm giác nặng tai, đầy tai, ù tai, hay kéo vành tai để nghe. Khám tai bằng đen soi tai màng nhĩ có bơm hơi quan sát thấy màng nhĩ không di động. Nội soi tai: có thể thấy màng nhĩ phồng giai đoạn viêm cấp, sau đó màng nhĩ lõm vào trong, lõm thượng nhĩ, mấu búa nhô, có thể quan sát thấy dịch màu trắng hay màu vàng nhạt sau màng nhĩ.

Đo nhĩ lượng: nhĩ lượng đồ là một đánh giá khách quan chính xác cao: nhĩ lượng đồ týp C nghĩa là trong hòm nhĩ áp suất âm, giai đoạn sớm của viêm tai giữa tiết dịch. Nhĩ lượng đồ týp B nghĩa là trong hòm nhĩ có chứa dịch.

Đo thính lực: điếc dẫn truyền mức độ nhẹ.

Diễn tiến và biến chứng

Khoảng 60% trường hợp sẽ tự hết dịch trong hòm nhĩ sau 3 tháng, 30% cần đến 9 tháng và 10% tồn tại sau 1 năm. Một số biến chứng có thể xảy ra như: nghe kém khoảng 15 - 40dB. Tuy nhiên, mức độ nghe kém đủ nhẹ nhưng ảnh hưởng nhiều đến sự hình thành ngôn ngữ ở trẻ. Sự nghe kém do viêm tai giữa tiết dịch liên quan đến chậm nói và kết quả học tập kém.

Sụp lõm tai giữa và viêm tai giữa dính. Màng nhĩ bị lõm sau đó dính vào thành trong dẫn đến giảm thể tích hòm nhĩ, dẫn đến màng nhĩ không di động, dính cố định xương con và cơ bàn đạp. Viêm tai giữa dính, khi lớp niêm mạc của tai giữa dày lên cùng với sự sụp lõm màng nhĩ tạo nên sự dính của màng nhĩ vào ụ nhô hay chuỗi xương con, lớp niêm mạc lót mặt trong hòm nhĩ không còn.

Xơ nhĩ khoảng 10 - 20% trường hợp viêm tai giữa tiết dịch. Thường xảy ra ở giai đoạn cuối của quá trình viêm, là sự collagen và hyaline hóa và cuối cùng là lắng đọng canxi thành mảng.

Ảnh hưởng lên sự phát triển các thông bào xương chũm gây kém phát triển thông bào hơn bình thường.

Điều trị

Dùng thuốc trong điều trị nội khoa, như thuốc kháng sinh, dùng Cefaclor, Augmentin, Cifixim hay Erythromycin, thuốc kháng histamine, dùng corticoid và kết hợp thuốc tan đàm như Exomuc, Bro-zedex, Terpin gono.

Điều trị phẫu thuật khi điều trị nội khoa không kết quả, bằng trích rạch màng nhĩ hay đặt ống thông nhĩ nhằm lấy hết dịch tai giữa cải thiện thính lực và ngăn ngừa tái phát nhờ cung cấp thông khí tai giữa. Việc đặt ống thông nhĩ khi VTGTD kéo dài trên 3 tháng, có biến chứng và đo lượng nhĩ đồ týp B. Đặt ống thông nhĩ thường duy trì  từ 3 tháng đến 1 năm, sau đó lấy ra màng nhĩ sẽ tự liền.

Dự phòng

Đây là bệnh lý thứ phát sau đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên hay sau đợt viêm VA mạn tính lời khuyên đến các bà mẹ: tránh không để xảy ra nhiễm trùng bằng cách cung cấp cho trẻ đầy đủ chất dinh dưỡng, giữ ấm cổ cho trẻ thường xuyên, tránh cho trẻ tắm đêm, sử dụng quạt ngủ không để luồng gió thẳng vào mặt trẻ, sử dụng máy lạnh luôn giữ nhiệt độ phòng ấm, thích hợp ở nhiệt độ 26 - 28oC tránh lạnh quá dễ gây viêm họng và viêm phế quản. Khi trẻ bị ho sốt hay sổ mũi cần đi khám bác sĩ nhi ngay, để có cách điều trị thích hợp, đặc biệt những trẻ có tiền căn viêm VA cần điều trị tích cực hơn.


Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814