9/3/2020 | 9:24:01 AM

Virus corona “rất nhạy cảm” với nhiệt độ cao

Virus corona có thể ít lây lan hơn tại các khu vực có nhiệt độ cao, nhưng các chuyên gia cảnh báo không nên chủ quan khi cho rằng virus này có thể giảm dần hoặc biến mất giống bệnh cúm thông thường.

Virus corona “rất nhạy cảm” với nhiệt độ cao - 1

Nhân viên y tế làm việc tại một chốt kiểm tra y tế ở Brescia, Italia ngày 4/3.(Ảnh: Reuters)

Bưu điện Hoa nam Buổi sáng đưa tin, một nhóm chuyên gia từ Đại học Sun Yat-sen tại Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã thực hiện một nghiên cứu để tìm cách xác định sự lây lan của virus corona có thể bị ảnh hưởng như thế nào bởi các thay đổi theo mùa và thời tiết.

Kết quả của nghiên cứu cho thấy nhiệt độ đóng vai trò quan trọng trong cách thức hoạt động của virus corona. “Nhiệt độ có thể thay đổi đáng kể sự lây lan virus. Và cũng có thể có ngưỡng nhiệt độ lý tưởng nhất để nó lây truyền nhanh”, các nhà nghiên cứu viết.

Nghiên cứu cũng cho thấy, virus rất nhạy cảm với nhiệt độ cao, vốn có thể ngăn nó lây lan tới các quốc gia ấm hơn, trong khi ngược lại nó cũng lây lan mạnh hơn ở những vùng lạnh hơn. Kết quả là, các nhà nghiên cứu cho rằng những quốc gia và khu vực có nhiệt độ thấp cần thực thi các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt.

Nhiều chính phủ các nước và giới chức y tế cũng đang cho rằng virus corona sẽ bớt khỏe khi thời tiết ấm lên, cơ bản giống các virus tương tự gây ra cảm lạnh và cúm thông thường.

Tuy nhiên, một nghiên cứu riêng rẽ của một nhóm nhà nghiên cứu, trong đó có nhà dịch tễ học Marc Lipsitch từ Trường Y tế Công T.H. Chan thuộc Đại học Harvard cho thấy sự lây nhiễm của virus corona và sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm có thể xảy ra trong các điều kiện độ ẩm khác nhau - từ các tỉnh khô và lạnh tại Trung Quốc tới các khu vực nhiệt đới như khu tự trị Choang Quảng Tây ở miền nam nước này và Singapore.

“Thời tiết, như sự gia tăng nhiệt độ và độ ẩm trong những tháng mùa xuân và mùa hè ở Bắc Bán cầu sẽ không làm giảm các ca lây nhiễm nếu không thực thi các biện pháp can thiệp y tế quyết liệt”, nghiên cứu viết.

Nhóm tại Quảng Châu thực hiện nghiên cứu của họ dựa trên tất cả các ca nhiễm virus khắp thế giới trong thời gian từ 20/1 đến 4/2, trong đó có hơn 400 thành phố và khu vực tại Trung Quốc. Các số liệu này sau đó được mô hình hóa dựa trên số liệu khí tượng chính thức trong tháng 1 trên khắp Trung Quốc và thành phố thủ đô của mỗi nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

“Nhiệt độ… có ảnh hưởng lên môi trường sống của mọi người… và có thể đóng vai trò quan trọng về y tế công xét ở góc độ lây lan và kiểm soát dịch bệnh”, nghiên cứu viết. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khí hậu có thể đóng một phần khiến nguyên nhân dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Các chuyên gia khác, như Hassan Zaraket từ Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học Beirut Mỹ, cho hay có khả năng thời tiết ấm và độ ẩm cao có thể khiến virus corona không ổn định và do đó ít lây lan hơn, cũng giống các virus cúm khác.

Tuy nhiên, ông Mike Ryan, giám đốc điều hành của Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng khuyên mọi người không nên nghĩ rằng dịch Covid-19 sẽ tự động giảm nhiệt vào mùa hè.

“Chúng ta phải cảnh giác rằng virus sẽ tiếp tục có khả năng lây lan. Sẽ là hi vọng sai lầm khi nói rằng nó sẽ biến mất giống như bệnh cúm… Chúng ta không được suy nghĩ như vậy và không có bằng chứng nào cho thấy điều đó”, ông Ryan nói.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814