8/4/2020 | 9:41:03 PM

Virus và mối nguy đại dịch trong tương lai

Có đến 1,7 triệu loại virus còn chưa được biết tới đang tồn tại trong cơ thể các loài động vật, trong đó hơn 500.000 loài có thể gây bệnh trên người.

Covid-19 là đại dịch thứ 3 được gây ra bởi chủng virus corona đột biến, lây từ động vật sang người trong thế kỷ 21. Khoa học, với tất cả những công cụ sẵn có, đang tìm cách chống lại và xây dựng hệ thống phòng thủ mới. Tuy nhiên, những virus này mới chỉ là một phần trong số hàng ngàn mầm bệnh tiềm tàng trong tương lai. 

Việc động vật là nguồn lưu trữ rất nhiều  chủng virus không còn mới lạ với các nhà nghiên cứu khoa học. Điều đáng lo ngại là những hành vi xã hội và kinh tế của con người đang tấn công đoàn quân cư trú trên động vật này.

Việc chặt phá rừng, lấy đất làm nông nghiệp để cung cấp thức ăn và phục vụ nhu cầu con người là một trong số những nguyên nhân khiến các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện với tốc độ nhanh chóng, theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Ba đại dịch của thế kỷ 21 do virus corona gây ra chính là ví dụ. 

Một khu chợ buôn bán động vật hoang dã tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Một khu chợ buôn bán động vật hoang dã tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Mặc dù nguồn bệnh xuất phát từ động vật, đại dịch bùng phát là do một mạng lưới phức tạp của cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông toàn cầu hoá, khiến cho virus dễ dàng càn quét và lây lan xa.

Chuyên gia dịch tễ động vật của Đại học Thành phố Hong Kong, Dirk Pfeiffer, cho biết: "Việc virus lây lan là tự nhiên, nhưng những hoạt động của con người khiến điều này thay đổi nhanh chóng. Chúng ta đang tạo ra sự mất cân bằng bằng việc vào rừng và xâm phạm môi trường sống tự nhiên của động vật và các mầm bệnh mà chúng ta không hiểu rõ". Tất cả những điều này góp phần thu ngắn khoảng cách tiếp xúc giữa con người và vật nuôi với tự nhiên và các loại virus.

Vấn đề thêm trầm trọng khi kết hợp với sự phát triển những siêu đô thị và hoạt động thương mại du lịch quốc tế. Đây là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng, tiến sĩ Pfeiffer nói.

Tiến sĩ Peter Daszak, chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận EcoHealth tại New York và là nhà tư vấn cho WHO, cho biết: "Chúng ta nên suy nghĩ về những đại dịch giống như việc thay đổi khí hậu. Chúng là mối nguy hại đến sự tồn vong của loài người nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát vì con người chính là nguyên nhân."

Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Daszak và các chuyên gia dịch tễ quốc tế đã ước tính có đến 1,7 triệu loại virus còn chưa được biết tới đang tồn tại trong cơ thể các loài động vật. Trong số đó có khoảng hơn 500.000 loài có thể gây bệnh trên người.

Nhiều nỗ lực được thực hiện để tìm kiếm và phân loại những loài virus này. Tuy nhiên đây mới chỉ là một trong số những cách nhân loại có thể chuẩn bị cho sự tấn công của binh đoàn virus trong tương lai.

Các chuyên gia cho rằng cần đầu tư nhiều hơn vào các dịch vụ y tế công cộng và phát triển cách thức theo dõi bệnh tật trong cộng đồng. Điều này có thể được thực hiện bằng việc sử dụng Big Data (Dữ liệu lớn) để tập hợp hồ sơ y tế, dữ liệu điện thoại và lịch trình bay, dự đoán dịch bệnh sẽ bùng phát như thế nào và có biện pháp can thiệp.

Các nhà nghiên cứu cũng đang cố gắng hợp tác, tìm hiểu với quy mô toàn cầu, phát hiện ra các chủng virus, đã biết hoặc chưa biết, tồn tại trong tự nhiên bằng cách so sánh chúng với những họ virus đã biết về mặt di truyền.

Những thông tin này giúp các nhà khoa học phát hiện những loại virus đang ẩn nấp trong môi trường tự nhiên và nguy cơ đối với con người, vật nuôi ở xung quanh đó.

Nhân viên y tế tại Toronto trong đợt dịch SARS vào năm 2003. Ảnh: Reuters

Nhân viên y tế tại Toronto trong đợt dịch SARS vào năm 2003. Ảnh: Reuters

Chuyên gia dịch tễ học và thú y Tierra Smiley Evans cho rằng việc yêu cầu cộng đồng thay đổi môi trường hoặc lối sống của họ là không thực tế thậm chí không có hiệu quả. Việc cần làm là theo dõi và đảm bảo nếu có biểu hiện của sự lây lan ở những khu vực nguy cơ cao, cộng đồng xung quanh đó có thể nhận biết và thông báo cho toàn thế giới.

Một việc quan trọng không kém là xét nghiệm hoàng loạt để tìm kháng thể, phân biệt các họ virus để biết chúng có thể gây bệnh trên người hay không. Đây là phương án phòng vệ quan trọng để ngăn virus gây ra đại dịch.

Tuy nhiên, việc biết chính xác khi nào một mầm bệnh tiềm tàng có thể trở thành đại dịch là điều không thể, theo lời tiến sĩ Sam Scarpino, trợ lý giáo sư tại đại học Northeastern. Việc xác định khu vực nào có nguy cơ lớn nhất cho một bệnh cụ thể là "vô cùng thách thức", ông cho hay.

Một phần là do sự thiếu cân bằng và thành kiến tập trung vào khu vực Trung Quốc và Đông Nam Á như là nơi khởi nguồn của các dịch bệnh. Điều này dẫn tới việc bỏ lỡ những khu vực khác trên thế giới có các đặc điểm môi trường và nguy cơ tương đương, tiến sĩ Scarpino cho biết.

Scarpino và nhóm của ông có thể dựa trên những thông tin từ việc theo dõi dịch bệnh trên toàn thế giới và sử dụng những dữ liệu về các khu vực môi trường bị phá hoại, hoạt động nông nghiệp quá mức và buôn bán động vật hoang dã để có thể đón đầu những đợt bùng phát. Tuy nhiên hiện tại, không có có cách nào để thu thập hết tất cả những thông tin đó.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814