4/7/2012 | 11:10:51 AM

Xương đau khớp mỏi do giày dép

Giày dép cần phù hợp với cấu trúc từng cơ thể. Nếu chỉ chạy theo thời trang mà chọn giày dép không thích hợp, có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của bàn chân, thậm chí cả cột sống và các khớp khác ở chân như gối và háng.

Một số chứng đau nhức do giày dép

 

Một số chứng đau nhức do giày dép

 

Từ lâu trong y học người ta đã biết đến nhiều chứng đau nhức liên quan tới giày dép.

 

Đau ngón chân: một số giày mũi nhọn và chật có thể tạo ra biến dạng ngón quặp. Từ đó tạo ra các cục chai trên ngón chân làm khó chịu và đau nhức. Nó còn gây biến dạng ngón cái vẹo ngoài hay ngón út vẹo trong, chồng ngón.

 

Đau chỏm xương bàn: bề ngang mũi giày hẹp không vừa bàn chân có thể gây ra hội chứng Morton gây tê và đau chỏm xương bàn 3, 4. Thông thường hơn là tạo ra cục chai nằm hai bên chỏm xương bàn 5 (ngón út) hay ngón 1 (ngón cái). Các cục chai này rất đau và có thể bị loét do cọ xát với thành giày.

 

Đau gót và gan bàn chân do tình trạng viêm cân gan chân (gai xương gót): thường gặp ở người có bệnh thấp khớp, hoặc hoạt động mạnh như vận động viên, công nhân khuân vác, làm việc đòi hỏi đứng lâu, đi nhiều. Giày không có đế êm ở gót chân, gót quá cao hay quá thấp đều không phù hợp. Biết chọn giày đúng cách sẽ giúp bàn chân bớt áp lực do công việc đòi hỏi.

 

Đau cổ chân: thường gặp nhất là chấn thương lật cổ chân hay trẹo bàn chân. Đa số là bong gân, nghĩa là bị tổn thương dây chằng và bao khớp cổ chân. Nó có thể ở phía bên mắt cá ngoài hay mắt cá trong. Tuỳ theo mức độ tổn thương mà gây đau nhiều hay ít. Thường triệu chứng làm bệnh nhân lo lắng không phải là đau, mà là thấy sưng quanh mắt cá kéo dài sau chấn thương trên một tháng vẫn chưa xẹp.

 

Đau lan từ bàn chân lên vùng gối hay đùi: thường là những cơn đau do hệ thống tĩnh mạch bị suy yếu (giãn tĩnh mạch) hay gân cơ bị căng kéo lâu ngày, xảy ra ở những người mang giày dép quá cao hay quá chật kéo dài. Một số người do nghề nghiệp phải ép mình sửa dáng đi, dáng đứng, trang phục không phù hợp với cơ thể cũng có thể gây ra những cơn đau như vậy (lắm khi được chẩn đoán là viêm thần kinh toạ bởi tạo ra bệnh cảnh giống hệt).

 

Hội chứng ống cổ chân: xuất hiện khi có sự chèn ép thần kinh trong ống cổ chân. Tình trạng này biểu hiện bằng sự đau nhức và tê, dị cảm dưới gan chân. Đau thường lan từ cổ chân đến chỏm xương bàn hay ngón chân. Đau tăng lên khi mang giày, đứng lâu, đi nhiều.

 

Hội chứng Morton: tình trạng đau nhức ngón chân, thường là ngón 2, 3, 4 do các nhánh thần kinh đi giữa hai xương bàn bị chèn ép, đôi khi có thể hình thành một khối u sợi thần kinh (neuroma). Người bệnh đau nhiều hơn khi mang giày và chỉ rõ được vị trí đau.

 

Chọn giày thế nào cho phù hợp?

 

Các tiêu chuẩn chung: giày vừa phải đủ cứng để bảo vệ lòng bàn chân, vừa có độ dẻo để bàn chân có thể cử động linh hoạt. Vật liệu tự nhiên ít gây dị ứng hơn vật liệu tổng hợp. Gót giày càng rộng bước đi càng vững chắc. Trọng lượng cơ thể càng lớn, chân đế gót giày phải càng rộng. Đi giày gót nhọn dễ té nên tuyệt đối không dùng cho trẻ em. Đế giày cần có đặc tính: cứng (để bảo vệ gan chân), dẻo (để chuyển động nhịp nhàng với bàn chân), mềm (để không tạo sừng hoá da gan chân), không thấm nước… Mũi giày không nên quá bằng phẳng mà thường chếch nhẹ lên để giảm áp lực lên đầu các ngón chân…

 

Tuỳ công việc và địa hình di chuyển mà lựa chọn loại giày có chức năng phù hợp:

 

Công việc văn phòng: ngồi lâu nên mang giày nhẹ, dễ mang dễ tháo. Nếu phải đi lại, lên xuống thang lầu nhiều thì không nên mang giày chật, giày gót cao và nhọn. Đế dẻo tốt hơn đế cứng, cao 3 – 7cm. Mặt trong giày có lớp lót êm.

 

Lao động ngoài trời hay dã ngoại: để leo trèo nên mang giày vải, gót bằng, đế dẻo, nhám để bàn chân linh hoạt cử động và tăng độ bám. Địa hình đường dài, gồ ghề nên mang giày đế cứng có độ vòm cạnh trong tốt, gót bản rộng. Miệng giày cao trên mắt cá giúp bảo vệ cổ chân. Đế có gai hay giác hút giúp tăng độ bám dính.

 

Chơi thể thao: mỗi môn cần một loại giày riêng, ví dụ giày đá banh, giày điền kinh, giày bóng rổ, giày tennis... Những loại giày này đã được nghiên cứu để cấu trúc phù hợp với vận động của môn thể thao đó. Người chơi thể thao nghiệp dư thường xem đây là thú vui giải trí, ít ai chú ý mua đôi giày phù hợp vì ngại đắt tiền, chính vì thế mà dễ bị chấn thương và đau nhức hơn vận động viên chuyên nghiệp.

 

Khiêu vũ dạ hội: vũ công, người mẫu thời trang, diễn viên sân khấu vì nghề nghiệp cần mang giày cao gót để tạo dáng đi uyển chuyển và gợi cảm. Để làm giảm đi bất lợi, tốt nhất không đi nhanh, đứng lâu. Khi chấm dứt công việc phải chăm sóc bàn chân như xoa bóp, ngâm chân nước nóng, vận động liệu pháp.
 

Gót cao bao nhiêu là vừa?

 

Người ta nghiên cứu thấy rằng gót giày cao vừa phải sẽ giúp bước chân nhẹ nhàng hơn vì làm giảm bớt sức căng của gân gót. Tuy nhiên nếu cao quá thì làm thay đổi trọng tâm của bàn chân, khiến sự cân bằng của các nhóm cơ đối vận bị xáo trộn làm các cơ bắp mau mỏi mệt do phải cố gắng duy trì sự thăng bằng mới cho cơ thể. Trong sinh hoạt và lao động hàng ngày, không nên đi giày đế cao hơn 7cm. Tuỳ tuổi và giới tính mà chọn giày có gót như sau:

 

Trẻ dưới 8 tuổi: đế bằng.

Trẻ 8 – 10 tuổi: không cao quá 2cm.

Trẻ gái trên 10 tuổi: không cao quá 3,5cm.

Bé trai trên 10 tuổi: không cao quá 2,5cm.

 Phụ nữ: 3 – 7cm, trung bình là 5cm.

Đàn ông: 2 – 5 cm, trung bình là 3cm.

 

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814