Chủ động phòng tránh bệnh Cúm mùa
Cập nhật: 22/2/2016 | 9:40:49 AM
Bệnh cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính xuất hiện quanh năm và nhiều hơn khi thời tiết chuyển giao mùa đông-xuân.
Dấu hiệu nhận biết bạn
đang bị cúm mùa?
Đặc trưng của cúm mùa là khởi phát
đột ngột với sốt cao, ho (thường là ho khan), đau đầu, đau cơ và đau khớp, mệt
mỏi, đau họng và chảy nước mũi.
Hầu hết mọi người hết sốt và các
triệu chứng khác trong vòng một tuần, nhưng cúm mùa cũng có thể gây ra bệnh
trầm trọng và thậm chí tử vong ở nhóm có nguy cơ cao.
Bệnh cúm
lây truyền như thế nào?
Bệnh cúm lây truyền theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt
hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với
một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế
giới (WHO), hàng năm có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và khoảng 20-30%
trẻ em bị nhiễm bệnh, trong đó có 3 triệu đến 5 triệu trường hợp có diễn biến
nặng và khoảng 250-500 nghìn người tử vong.
Tại Việt Nam, hàng năm ghi nhận
khoảng hơn một triệu lượt người mắc hội chứng cúm và nguyên nhân chủ yếu do các
chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B gây nên.
Biến chứng nguy hiểm
của bệnh cúm mùa?
Do cúm mùa là thể bệnh
lành tính, có nhiều biểu hiện nhẹ với các triệu chứng rất phổ biến như sốt, ho
dai dẳng trong một vài ngày nên nhiều người chủ quan cho rằng bệnh sẽ tự khỏi
nên không đến cơ sở y tế khám. Chính vì sự chủ quan không điều trị hoặc điều
trị quá muộn, đã khiến cho bệnh chuyển nặng, gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến
viêm phổi, suy hô hấp. Bệnh trở nên đặc biệt nguy hiểm đối với những người có
sức đề kháng kém như phụ nữ có thai, cho con bú, người già, trẻ nhỏ, người mắc
bệnh tim, phổi mạn tính, mắc bệnh suy giảm miễn dịch…
Vi rut cúm mùa có tính
chất dễ biến đổi nên mỗi năm thường xuất hiện các chủng virus cúm mới.
Do đó, việc phòng bệnh và chữa bệnh trở nên khó khăn hơn.
Bởi vậy khi mắc cúm
bạn cần được theo dõi, chăm sóc và điều trị chặt chẽ bởi bác sĩ.
Cách phòng bệnh cúm
như thế nào?
Biện pháp phòng bệnh cúm đặc hiệu
nhất hiện nay là tiêm phòng cúm. Hiệu
quả của việc tiêm vắc xin cúm bằng vắc xin đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu lâm sàng.
Theo tổ chức Y tế thế giới, việc tiêm phòng vắc xin đã được chứng minh làm giảm
60% bệnh tật liên quan đến cúm, giảm tử vong do cúm đến 70 - 80%. Ngay cả người
khoẻ mạnh, việc tiêm phòng cúm là giảm 70 - 90% nguy cơ mắc bệnh cúm.
Các biện pháp phòng bệnh cúm khác là dọn dẹp thông thoáng
nhà cửa, vệ sinh cá nhân, vệ sinh đường mũi họng hằng ngày, rửa tay bằng xà
phòng để hạn chế bị nhiễm virút cúm từ các vật dụng công cộng như điện thoại,
tay nắm cửa, tay vịn cầu thang...
Chủ động theo dõi sức khỏe hằng ngày để phát hiện triệu
chứng cúm, nếu có biểu hiện bệnh thì chủ động cách ly và thông báo cho y tế địa
phương để được tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan.
Dưới đây là những khuyến cáo cho phòng tránh bệnh cúm mùa
1. Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm. 2. Vệ sinh mũi, họng hàng ngày, che mũi, miệng khi hắt
hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng. 3. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. 4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh. 5. Người mắc bệnh cúm cần đeo khẩu trang và tránh đến chỗ
đông người. 6.
Khi có
biểu hiện của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp
thời và cách ly.
|
(Nguồn: Ths Nguyễn Thị Dung - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm)