"Để phòng, chống bệnh viêm não mô cầu cần nhất sự vào cuộc của mỗi người dân"
Cập nhật: 1/3/2016 | 2:54:07 PM
Từ đầu năm đến nay, bệnh viêm não mô cầu (VNMC) đã xuất hiện tại một số tỉnh, thành trong cả nước, trong đó 1 trường hợp ở Hải Dương đã tử vong đang khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh này, phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh.
Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. |
- Xin bác sĩ cho biết tình hình bệnh VNMC hiện nay và nguy cơ của bệnh này đối với Quảng Ninh?
+ Bệnh viêm não, màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên. Ổ chứa vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là ở người, do vậy nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh, bởi vậy nguy cơ lây lan bệnh này rất lớn.
Tại Việt Nam, bệnh lưu hành ở tất cả các tỉnh, thành phố và được ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương; hay gặp vào mùa đông - xuân. Trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, một số tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Sơn La, Hoà Bình, Gia Lai, Nam Định, Lạng Sơn, Hải Dương… đã xuất hiện rải rác trường hợp mắc bệnh. Từ đầu năm 2016 đến nay đã có 1 trường hợp ở Hải Dương tử vong vì mắc bệnh VNMC.
Với Quảng Ninh, dù một số năm gần đây chưa phát hiện bệnh nhân bị bệnh VNMC, tuy nhiên đây là bệnh lây qua đường hô hấp, rất dễ lan thành dịch, trong khi trên địa bàn tỉnh luôn có lượng lớn khách du lịch các nơi về, cộng thêm tỉnh Hải Dương tiếp giáp với Quảng Ninh cũng đã có các trường hợp mắc bệnh nên người dân cần cẩn trọng.
- Trung tâm đã triển khai các biện pháp gì để phòng, chống bệnh này, thưa bác sĩ?
+ Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế, TTYTDP tỉnh đã phối hợp với các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, TTYT các huyện, thị xã, thành phố giám sát chặt chẽ để kịp thời phát hiện bệnh nhân xuất hiện trong cộng đồng và tại các bệnh viện; lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc và các đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm người lành mang trùng, điều trị dự phòng và triển khai kịp thời các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng. TTYTDP tỉnh và các TTYT tuyến huyện cũng đã chuẩn bị đầy đủ về hoá chất, phương tiện, dụng cụ bảo hộ, thuốc men để sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Cán bộ y tế dự phòng từ tỉnh đến xã và ở các bệnh viện đều được tập huấn đầy đủ về cách lấy mẫu bệnh phẩm, cách xử trí khi phát hiện ca bệnh... Hệ thống xét nghiệm của TTYTDP tỉnh luôn đáp ứng tốt nhu cầu xét nghiệm tìm vi khuẩn mô cầu khi có mẫu bệnh phẩm.
Tuy nhiên, để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cần nhất là sự vào cuộc của mỗi người dân.
- Triệu chứng của người mắc bệnh VNMC như thế nào, thưa bác sĩ?
+ Cũng giống các bệnh viêm não khác, VNMC nếu ở thể viêm màng não, bệnh nhân có triệu chứng: Cứng cổ, sốt cao, nhạy cảm với ánh sáng, lơ mơ, nhức đầu và nôn ói. Còn nếu ở thể nhiễm trùng máu, bệnh nhân thường có triệu chứng: Sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ, đau chân tay, lừ đừ, mệt lả và phát ban (ban tím đỏ vùng da mỏng hoặc đầu chi). Dù ở thể nào, bệnh này vẫn diễn biến cấp tính, nguy cơ tử vong cao hoặc để lại những di chứng nghiêm trọng, như: Phải cắt bỏ các chi, các ngón tay, ngón chân, để lại các tổn thương não, giảm thính lực, tổn thương thận và các vấn đề về tâm lý, liệt với tỷ lệ từ 10-20%.
- Bác sĩ có những khuyến cáo gì đối với người dân để phòng bệnh VNMC?
+ Như tôi đã nói, bệnh VNMC lây truyền qua đường hô hấp, nên có thể bùng phát thành dịch. Để phòng bệnh, người dân cần: Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; tránh chạm tay vào miệng, mũi, mắt; tránh ăn uống chung và sử dụng chung đồ dùng; ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng.
Đặc biệt, người dân nên chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh VNMC. Vắc xin phòng não mô cầu typ A và typ C được chỉ định cho tất cả các đối tượng từ 18 tháng tuổi trở lên. Tại TTYTDP tỉnh cũng đã triển khai tiêm loại vắc xin này.
Đây là bệnh có thể điều trị được bằng kháng sinh, do đó, khi có các biểu hiện sốt cao, ban tím đỏ vùng da mỏng hoặc đầu chi, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng… cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn, điều trị kịp thời.
- Xin cảm ơn bác sĩ!
(Nguồn: baoquangninh.com.vn)