Chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thể lực đối với người bệnh tăng huyết áp

Cập nhật: 16/5/2017 | 3:24:55 PM

Hiện nay, cứ trung bình 10 người lớn có 4 người bị THA. Theo WHO, mỗi năm có 17,5 triệu người chết về các bệnh tim mạch trên Thế giới, nhiều hơn gấp 4 lần tổng số người tử vong của 3 bệnh lý HIV/AIDS, sốt rét và lao phổi. Trong đó, bệnh nhân tử vong vì tăng huyết áp và biến chứng của tăng huyết áp trên 7 triệu người.

Tại Việt Nam, năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị THA, đến năm 2009 tỷ lệ THA ở người lớn là 25,4% và năm 2016 tỷ lệ người lớn bị THA đang ở mức báo động là 48%, một mức báo động đỏ trong thời điểm hiện tại.
Theo thống kê năm 2015 của Hội tim mạch học Việt Nam, trên 5.454 người trưởng thành (từ 25 tuổi trở lên) trong quần thể 44 triệu người tại 8 tỉnh thành trên toàn quốc mắc THA. Kết quả cho thấy, có 52,8% người Việt có huyết áp bình thường (23,2 triệu người), có 47,3% người Việt Nam (20,8 triệu người) bị tăng huyết áp. Đặc biệt, trong những người bị tăng huyết áp, có 39,1% (8,1 triệu người) không được phát hiện bị tăng huyết áp; có 7,2% (0,9 triệu người) bị tăng huyết áp không được điều trị; có 69,0% (8,1% triệu người) bị tăng huyết áp chưa kiểm soát được.
 Mặc dù tăng huyết áp là một bệnh lý đã được biết tới từ lâu, nhưng việc điều trị tăng huyết áp không bao giờ là điều dễ dàng, ngay cả tại các nước tiên tiến, tỷ lệ bệnh nhân được kiểm soát tới mức huyết áp mục tiêu cũng còn thấp so với kỳ vọng. Các biện pháp áp dụng về chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thể lực đối với người bệnh tăng huyết áp đóng vai trò hết sức quan trọng trong kiểm soát và điều trị tăng huyết áp nhưng lại chưa được bệnh nhân nhận thức một cách đầy đủ. Ðiều này càng làm cho việc kiểm soát huyết áp khó khăn hơn.
Tại Việt Nam, theo các thống kê chỉ 2% bệnh nhân được điều trị khống chế huyết áp tốt. Rất nhiều bệnh nhân không tuân thủ điều trị đúng cách. Trong khi đó rất nhiều người bỏ qua phương pháp điều trị rẻ tiền là điều trị không dùng thuốc. Việc thay đổi lối sống tuy chỉ làm giảm rất ít con số huyết áp, nhưng trong tăng huyết áp, chỉ cần giảm 5mmHg con số huyết áp tâm thu, bệnh nhân đã được giảm 14% tỷ lệ tử vong do đột quỵ, 9% tử vong do bệnh lý tim mạch, 7% tỷ lệ tử vong chung.
Các biện pháp được đề cập tới bao gồm thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt như: 
1. Hạn chế muối ăn.
Một vài nghiên cứu cho thấy sự thay đổi huyết áp khi đưa vào cơ thể lượng muối khác nhau và người ta nhận thấy, huyết áp thay đổi theo từng bậc cùng với sự thay đổi của lượng muối, chế độ ăn giảm muối là một biện pháp quan trọng để điều trị cũng như phòng bệnh tăng huyết áp. Người ta đã đưa ra một khuyến cáo cho bệnh nhân tăng huyết áp hoặc tiền tăng huyết áp, đó là việc hạn chế natri hàng ngày dưới 2,4g.
2. Tập thể dục.

Tập thể dục luôn đem lại giá trị tích cực cho tất cả mọi người và bệnh nhân tăng huyết áp cũng không phải ngoại lệ. Ở những người tập thể dục ít nhất 30 phút  đến 60 phút một ngày trong ít nhất 4 ngày/tuần, người ta nhận thấy huyết áp của họ giảm trung bình 4mmHg đối với huyết áp tâm thu và 3mmHg đối với huyết áp tâm trương. Tuy nhiên việc chọn môn thể dục thể thao phù hợp với lứa tuổi , tình trạng sức khỏe, thời gian và sự hứng thú của bệnh nhân là rất quan trọng 
3. Hạn chế lượng cồn tiêu thụ.
Đây là một biện pháp rất quan trọng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc hạn chế rượu, bia giúp làm giảm huyết áp với con số trung bình là 3mmHg huyết áp tâm thu và 2mmHg huyết áp tâm trương. Khuyến cáo được đưa ra là nam giới nên uống không quá 2 khẩu phần rượu/ngày và nữ giới là không quá 1 khẩu phần rượu /ngày với mỗi khẩu phần có 14g alcohol, tương đương với khoảng 360ml bia, 150ml rượu vang (12%) và 45ml rượu 40 độ.
4. Thay đổi chế độ ăn.
Ăn thực phẩm : Hoa quả và rau với 4-5 khẩu phần/ngày, chất xơ, chế phẩm sữa với hàm lượng chất béo thấp, thịt nạc, canxi, magie, kali.

Ăn hạn chế: Chất béo bão hòa, cholesterol, muối.
Chế độ ăn này giúp làm giảm huyết áp tâm thu khoảng 6mmHg và huyết áp tâm trương 3mmHg. Người ta nhận thấy việc giảm kali máu làm tăng giữ natri và nước dẫn tới làm tăng huyết áp, chế độ ăn giảm kali có thể làm tăng huyết áp tâm thu lên tới 7mmHg. Ngược lại, bổ sung thêm kali trong khẩu phần giúp làm giảm huyết áp tâm thu khoảng 2,4mmHg và huyết áp tâm trương là khoảng 1,6mmHg.
5. Giảm cân.
Việc giảm cân có thể đem lại hiệu quả hạ áp một cách ngoạn mục. Với mỗi 9kg mà một người giảm được, người đó có thể giảm được huyết áp tâm thu khoảng từ 5-20mmHg. 
6. Ngừng hút thuốc lá.
Nicotin trong khói thuốc lá có thể làm kích thích hệ thần kinh giao cảm và làm tăng epinephrin và norepinephrin dẫn tới làm tăng huyết áp. Hút thuốc lá là nguyên nhân làm tăng huyết áp tâm thu khoảng 4mmHg và 3mmHg đối với huyết áp tâm trương. Ngoài ra, hút thuốc lá và tăng huyết áp là hai yếu tố cộng hợp làm tăng đáng kể tỷ lệ tử vong do tim mạch và đột quỵ. Như vậy, việc dừng hút thuốc không chỉ có thể giúp kiểm soát huyết áp mà còn giúp giảm tỷ lệ các biến cố tim mạch.
7. Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh.
Khi bộ não con người tiếp xúc với các yếu tố có thể gây căng thẳng, các chức năng của cơ thể, lúc đó hệ thần kinh giao cảm sẽ tăng cường hoạt động, làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở và trương lực của cơ bắp…Vì vậy chúng ta cần được thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
8. Tránh lạnh đột ngột.
Điều này rất nguy hiểm vì người bệnh dễ bị biến chứng nặng như: Tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, thậm chí dẫn đến tử vong. Do vậy các chuyên gia y tế khuyến cáo, với bệnh nhân tăng huyết áp, ngoài tuân thủ nghiêm ngặt việc khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ, cần phải điều chỉnh một số thói quen sinh hoạt của bản thân để phù hợp với tình trạng sức khỏe. Khi thời tiết chuyển sang lạnh, bệnh nhân tăng huyết áp cần phải mặc ấm, đặc biệt giữ ấm đầu, cổ, bàn chân và hạn chế ra ngoài khi thời tiết quá lạnh và không nên dậy quá sớm (4-5 giờ sáng). Không nên ra ngoài đột ngột ngay sau ngủ đêm dậy để tập thể dục, thay vào đó có thể tập thể dục nhẹ nhàng trong nhà....
Hiệu quả hạ huyết áp của phương pháp điều chỉnh lối sống là tùy theo mức độ tuân thủ của bệnh nhân. Khi tuân thủ tối đa huyết áp có thể giảm > 10mmHg, giảm nguy cơ và các biến chứng tim mạch và điều chỉnh lối sống cũng giúp làm tăng hiệu quả của điều trị bằng thuốc.
Thay đổi lối sống cần áp dụng cho mọi bệnh nhân tăng huyết áp cũng như cho người có huyết áp bình thường cao (tiền tăng huyết áp) hoặc có tiền sử gia đình tăng huyết áp. Tác dụng của thay đổi lối sống là tương đương biện pháp uống một loại thuốc và hiệu quả tăng lên  khi kết hợp nhiều cách thay đổi lối sống.

(Nguồn: Khoa KLN&DD)

In bản tin