Chủ động phòng bệnh viêm não Nhật Bản
Cập nhật: 6/7/2018 | 10:49:27 PM
Tháng 7,8 là tháng cao điểm của viêm não, trong đó có viêm não Nhật Bản. Đây là một trong những bệnh nguy hiểm và gây tỷ lệ tử vong cao ở trẻ nhỏ hoặc để lại những di chứng nặng nề. Tại Quảng Ninh, đến 30/6/2018 toàn tỉnh ghi nhận 05 mắc bệnh VNNB. Để chủ động phòng bệnh viêm não Nhật Bản phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Quyết Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh để tìm hiểu về nguyên nhân cũng như cách phòng tránh bệnh viêm não Nhật Bản.
Phóng viên: Thưa tiến sĩ được biết: Việt Nam là nước nhiệt đới, lưu hành nhiều bệnh truyền nhiễm do côn trùng trong đó có bệnh Viêm não Nhật Bản. Bệnh VNNB là một tình trạng bệnh nguy hiểm do vi rút gây nên, thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Vậy bác sĩ có thể cho biết bệnh VNNB là gì? và nguyên nhân gây bệnh VNNB do đâu?
Tiến sĩ Vũ Quyết Thắng: Bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh nhiễm vi rút cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Nguyên nhân gây bệnh là do virút Viêm não Nhật Bản thuộc họ Togaviridae trong nhóm B của các Flavivirus gây nên. Vector truyền bệnh Viêm não Nhật Bản là loài muỗi Culex tritaeniorhynchus, vật chủ và ổ chứa chính của vi rút viêm não Nhật Bản là lợn và một số loài chim.
Phóng viên: Tiến sĩ có thể nói rõ hơn về đặc điểm muỗi loài muỗi Culex và muỗi phát triển mạnh nhất vào mùa nào thưa tiến sĩ?
Tiến sĩ Vũ Quyết Thắng: Muỗi Culex tritaeniorhynchus đã được xác định là trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản ở châu Á. Ở Việt Nam, muỗi Culex tritaeniorhynchus được xác định là loài trung gian truyền bệnh chính. Muỗi này có tập tính thích đẻ trứng ở các thủy vực có nước trong, thường được phát hiện nhiều ở những ruộng lúa nước, mương rãnh...Hình thể muỗi có màu nâu đen, phát hiện nhiều ở vùng nông thôn, làng mạc đông dân cư, có nhiều ao, hồ...Muỗi thường đẻ trứng ở những ao nước, ruộng lúa; trứng dính thành bè nổi trên mặt mước. Muỗi cái trưởng thành chích đốt máu vào ban đêm ở trong nhà, kể cả ngoài nhà. Chúng thích hút máu chim, máu lợn nhiều hơn máu người và thường trú ẩn ở các bụi rậm hoặc chuồng gia súc, nhất là chuồng lợn.
Muỗi Culex tritaeniorhynchus phát triển vào mùa nóng, ẩm, chúng hoạt động mạnh từ tháng 5 đến tháng 11, cao nhất là các tháng 8, 9. Muỗi được xác định là trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản, trẻ em là đối tượng rất dễ bị mắc bệnh; khi khỏi bệnh nó có thể để lại những di chứng khá nặng nề.
Phóng viên: Bệnh VNNB có những triệu chứng và biến chứng như thế nào thưa tiến sĩ?
Tiến sĩ Vũ Quyết Thắng: Bệnh VNNB thường khởi phát với các triệu chứng: Viêm long đường hô hấp trên (sổ mũi, viêm họng, nghẹt mũi, ho...); Sốt cao đột ngột trên 39 - 40oC kèm theo đau đầu, đặc biệt là ở vùng trán; Có thể có rối loạn tiêu hoá như đau bụng kèm theo đi ngoài phân lỏng, buồn nôn, nôn nhất là ở trẻ nhỏ tuổi; Trẻ bệnh có biểu hiện cứng gáy và tăng trương lực cơ, có thể xuất hiện lú lẫn, mất dần ý thức. Ngoài ra bệnh còn có các dấu hiệu thần kinh như cuồng sảng, ảo giác hoặc kích động, tăng trương lực cơ làm cho trẻ bệnh nằm trong tư thế co quắp "kiểu cò súng", …vv.
Bệnh có những biến chứng nguy hiểm như: Viêm phổi; Viêm phế quản hoặc viêm phế quản - phổi; Di chứng thần kinh - tâm thần như: bại não, đần độn, động kinh, Parkinson, liệt, phát triển chậm về thể chất, không nói, không nghe, không hiểu được. Các di chứng thần kinh thường gây tàn phế, mất khả năng lao động, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bệnh VNNB B có tỷ lệ tử vong cao (khoảng từ 20-80%) thường gặp ở những bệnh nhi nặng như có co giật, hôn mê sâu, nằm lâu ngày, suy kiệt...
Phóng viên: Thưa tiến sĩ từ đầu năm đến nay trên địa bàn Quảng Ninh đã ghi nhận bao nhiêu trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản? và Trung tâm đã chủ động triển khai các biện pháp gì để phòng bệnh VNNB?
Tiến sĩ Vũ Quyết Thắng: Tính đến 30/6/2018 toàn tỉnh ghi nhận 05 ca trong đó Uông bí (1), Tiên Yên (3), Ba Chẽ (1) hầu hết các ca mắc đều ở độ tuổi <15 tuổi và chưa được tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản B.
Trước tình hình dịch bệnh viêm não có chiều hướng gia tăng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh đã có công văn chỉ đạo các đơn vị Y tế trong tỉnh: Thực hiện giám sát ca bệnh phối hợp với giám sát EBS phát hiện sớm can thiệp xử lý kịp thời. Giám sát ca bệnh gửi mẫu bệnh phẩm về Trung tâm kiểm soát bệnh tật làm xét nghiệm; Hướng dẫn điều tra giám sát và xử lý ổ dịch theo quy định; Chỉ đạo TTYT, PYT rà soát đối tượng trẻ từ 1-5 tuổi chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin VNNB triển khai chiến dịch tiêm bổ sung trong tháng 7/2018; Chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao ý thức trong cộng đồng về việc đưa trẻ đến các cơ sở Y tế tiêm chủng vắc xin VNNB đúng lịch và đủ liều, phối hợp với các trường học trong việc giám sát phát hiện ca bệnh; Đối với các cơ sở điều trị đảm bảo đủ cơ số thuốc dịch truyền sẵn sàng thu dung và điều trị bệnh nhân.
Phóng viên: Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, vậy tiến sĩ có những khuyến cáo gì để người dân có biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất?
Tiến sĩ Vũ Quyết Thắng: Với tình hình dịch viêm não Nhật Bản hiện nay người dân cần:
- Chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch tất cả các loại vắc xin trong đó có vắc xin VNNB tại các cơ sở y tế, bởi vì vắc xin chính là biện phấp phòng bệnh quan trọng nhất, hiệu quả nhất và chỉ có tỷ lệ tiêm chủng cao mới có khả năng bảo vệ được cá nhân và cộng đồng trước các dịch bệnh nguy hiểm trong đó có VNNB.
- Thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ; chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt loăng quăng bọ gậy tại hộ gia đình. Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để muỗi không có nơi trú đậu, nên dời chuồng gia súc xa nhà.
- Khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thì cần đến ngay các có sở y tế gần nhất để được khám, hướng dẫn và phòng lây nhiễm cho người khác.
- Toàn thể người dân, cộng đồng cùng chung tay thực hiện và phối hợp thật tốt với ngành y tế trong tất cả các hoạt động phòng chống dịch bệnh được triển khai tại hộ gia đình cũng như tại cồng đồng.
Phóng viên: Xin cảm ơn tiến sĩ đã có những chia sẻ hết sức hữu ích!
(Nguồn: Minh Khương)