Chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh mùa xuân - hè
Cập nhật: 20/3/2013 | 9:06:44 AM
Khoảng thời gian này, thời tiết ấm lên cùng với độ ẩm không khí cao tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc, côn trùng truyền bệnh, vi sinh gây bệnh phát triển… Đây là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hoá. Kèm theo đó, một số bệnh khác cũng có khả năng phát triển như: Sốt xuất huyết, thuỷ đậu… Bởi vậy, việc chủ động phòng dịch, giám sát, phát hiện kịp thời các ca bệnh có thể lây lan thành dịch chiếm vai trò hết sức quan trọng…
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hợp, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: “Dễ mắc nhất trong các loại bệnh xuất hiện vào mùa này là cúm, trong đó có những loại cúm rất nguy hiểm như cúm A-H1N1, cúm A-H5N1. Thậm chí hiện nay, trên thế giới còn xuất hiện các trường hợp bị viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona, một loại vi rút giống SARS gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp, có suy thận. Bởi vậy, việc chủ động phòng tránh của mỗi người dân là hết sức cần thiết”. Ngoài những bệnh này, do thời tiết nắng ấm nên nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, côn trùng truyền bệnh như: Muỗi, ruồi… cũng phát triển. Trong khi đó tình hình dịch bệnh hiện nay hết sức phức tạp. Năm 2012, toàn tỉnh có khoảng 1.900 ca mắc bệnh tay chân miệng. Từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã có hơn 100 trường hợp bị bệnh cúm A-H1N1.
Chủ động phun diệt muỗi tại một gia đình ở phường Hồng Hà, TP Hạ Long để phòng chống dịch bệnh. |
Để phát hiện kịp thời ca bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chỉ đạo các trung tâm y tế tuyến huyện tăng cường giám sát ở bệnh viện và trong cộng đồng. Bản thân cán bộ trung tâm trong quá trình giám sát tại cơ sở trực tiếp đôn đốc, hướng dẫn tuyến huyện, tuyến xã theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Đặc biệt, ở những địa phương xuất hiện liên tiếp các ca bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cử cán bộ đến cùng khoanh vùng, xử lý, không để lây lan thành dịch. Hiện nay, trang thiết bị máy móc phòng chống dịch bệnh ở các tuyến trên địa bàn được trang bị khá đầy đủ. Tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có 15 máy phun hoá chất. Ở các đơn vị tuyến huyện có tổng số hơn 30 máy. Vật tư, hoá chất, trang phục bảo hộ luôn được dự trữ đầy đủ tại các đơn vị. Sở Y tế cũng chỉ đạo Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế của tỉnh tăng cường giám sát những trường hợp có biểu hiện nghi ngờ (sốt cao trên 38 độ, ho sốt, khó thở); chỉ đạo một số bệnh viện chủ động bố trí khu vực cách ly, sẵn sàng về chuyên môn để tiếp nhận bệnh nhân nhằm hạn chế lây lan khi có ca nghi ngờ. Về phía chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể cũng đã vào cuộc trong công tác phòng chống dịch bệnh. Phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, tổ chức khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm được nhiều nơi phát động. Ban, ngành, đoàn thể còn tuyên truyền người dân ăn chín, uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm v.v..
Mặc dù vậy, công tác phòng chống dịch bệnh mùa xuân - hè hiện nay vẫn đang đối mặt với một số khó khăn. Kinh phí hoạt động mới chỉ cấp cho công tác phòng chống một số bệnh nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia, như: Sốt rét, sốt xuất huyết. Còn kinh phí cho việc phòng chống một số bệnh mới nổi khác rất khó khăn. Bởi vậy việc tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các cấp về những dịch bệnh này còn hạn chế. Bản thân người dân chưa chủ động trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho chính mình và người thân. Tình trạng vứt rác thải bừa bãi vẫn còn. Thêm vào đó, nhiều người biết việc ăn uống không đảm bảo vệ sinh, như: Sử dụng tiết canh, ăn gỏi sống... dễ mắc một số bệnh như liên cầu khuẩn, tiêu chảy cấp song vẫn sử dụng. Hiện nay, người dân mới chỉ quan tâm đến tiêm phòng cho trẻ em dưới một tuổi chứ chưa cho trẻ tiêm các mũi nhắc lại. Trẻ em, người lớn cũng chưa quan tâm tiêm một số loại vắc xin phòng chống các bệnh khác như: Cúm, thuỷ đậu, rubella...
Bác sĩ Nguyễn Văn Hợp cho biết: “Để phòng tránh tốt dịch bệnh, sự vào cuộc của cán bộ y tế chưa đủ, mà cần có sự tham gia phòng chống, giám sát, kịp thời phát hiện ca bệnh của mỗi người dân”.
(Nguồn: Thu Nguyệt - Báo Quảng Ninh)