Nỗ lực nâng cao chất lượng tiêm chủng mở rộng

Cập nhật: 15/8/2013 | 8:07:48 AM

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, 6 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh có 12.300 trẻ được tiêm đầy đủ 8 loại vắc xin theo quy định, chỉ đạt 45,5%, giảm 5,15% so với cùng kỳ năm 2012. Còn số phụ nữ mang thai tiêm phòng uốn ván đạt 43,51%, thấp hơn 17,58% so với cùng kỳ 2012... Nguyên nhân của tình trạng này là do thời gian gần đây đã xảy ra một số trường hợp biến chứng nặng sau tiêm chủng; thậm chí, có trẻ bị tử vong ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý các gia đình có con em trong độ tuổi tiêm chủng. Cộng thêm việc ngừng sử dụng vắc xin Quinvaxem một thời gian khiến chỉ tiêu tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh cũng bị ảnh hưởng.

Theo thạc sĩ Vũ Quyết Thắng, nếu không tiêm phòng tốt cho trẻ, một số dịch bệnh tập trung nhiều ở đối tượng trẻ em có thể quay trở lại, như: Sởi, ho gà, bạch hầu, uốn ván… Và lúc đó, tỷ lệ tử vong ở trẻ nguy cơ rất lớn; đồng thời, còn tạo mảng trống trong hệ miễn dịch của cộng đồng, gây nên các vụ dịch lớn, rất khó xử lý. “Bởi vậy việc hợp tác của người dân trong chương trình tiêm chủng mở rộng rất quan trọng. Về phía các đơn vị y tế làm công tác tiêm chủng sẽ nỗ lực hết sức nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình tiêm” - Thạc sĩ Thắng khẳng định. Cũng từ lý do trên, hiện nay, tất cả các trung tâm y tế,  trạm y tế, bệnh viện trên địa bàn tỉnh đều đã có dây chuyền bảo quản vắc xin như: Tủ lạnh, tủ làm mát, phít đựng vắc xin, nhiệt kế. Riêng những xã đảo chưa có điện lưới đã có hộp chứa đá (bảo quản được khoảng 7 ngày). Để bảo quản tốt chất lượng vắc xin trong vận chuyển, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng trực tiếp vận chuyển vắc xin đến cấp cho trung tâm y tế các địa phương. Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cấp 500 hộp an toàn, 34.000 bơm kim tiêm, 205.940 liều vắc xin các loại trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho các trung tâm y tế, bệnh viện.

Không chỉ vậy, các đơn vị y tế còn tập trung nâng cao kỹ thuật tiêm, thực hiện mô hình tiêm an toàn. Trước đây, các trạm y tế tiêm phòng cho trẻ thường dồn vào một ngày nên lượng trẻ đến rất đông, lên tới vài trăm khiến cán bộ y tế vất vả, dễ nhầm lẫn vắc xin. Nay các trạm đã giãn ngày, đảm bảo mỗi buổi chỉ tiêm từ 40-50 trẻ. Các loại vắc xin khác nhau cũng được chia theo ngày hoặc buổi khác nhau. Trong ngày tiêm, các trạm đều bố trí mô hình: Phòng đón tiếp (hướng dẫn các bà mẹ đưa con đến tiêm); phòng tiêm; phòng chờ (theo dõi phản ứng sau tiêm); đặc biệt, khâu tư vấn được chú trọng. Bàn tư vấn được kê ngay trong phòng tiêm để các bà mẹ đưa con vào tiêm được tư vấn kỹ hơn về loại vắc xin tiêm cho con mình, từ đó, có thể theo dõi phản ứng sau tiêm của con được kịp thời. Đồng thời, cán bộ y tế cũng phân loại trẻ được dễ dàng hơn, kiểm soát được liều tiêm tốt hơn. Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế làm công tác tiêm chủng trên địa bàn tỉnh có kinh nghiệm tiêm lâu năm, lại thường xuyên được đào tạo, tập huấn kỹ thuật tiêm, tư vấn nên việc tiêm phòng cho trẻ cũng an toàn hơn.

Bên cạnh sự chủ động của các trạm, vào ngày tiêm chủng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đều cử cán bộ đến các trạm giám sát quy trình tiêm. Thêm vào đó, ý thức của người dân cũng cao hơn nên giám sát trẻ sau tiêm khá tốt. Nhờ đó, chất lượng tiêm chủng được nâng cao; tỉnh đã kiểm soát tốt các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nên người dân có thể hoàn toàn yên tâm khi đưa con em mình đến các điểm tiêm chủng.


(Nguồn: Thu Nguyệt- Báo Quảng Ninh)

In bản tin