Ông Ninh Văn Chủ
Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm (tạm chia thành 4 nhóm)
1) Ngộ độc thực phẩm do ăn phải thức ăn nhiễm vi sinh vật
- Do vi khuẩn và độc tố của vi khuẩn: Đây là nguyên nhân phổ biến trong ngộ độc thực phẩm. Thường gặp do vi khuẩn gây bệnh thương hàn (Salmonella), vi khuẩn gây bệnh lỵ (Shigella), vi khuẩn gây ỉa chảy (E.Co li) hoặc nhiễm các độc tố của vi khuẩn tụ cầu (Staphylococcus aureus).
- Do vi rút: thường gặp do các loại vi rút gây viêm gan A (Hepatis virut A), virut gây bệnh bại liệt (Polio Picornavirus), virut gây ỉa chảy (Rota virus)
- Do kí sinh trùng: Sán lá gan, sán bò, ấu trùng sán lợn, các loại đơn bào
(Amip, trùng lông...), các loại giun và ấu trùng giun.
- Do nấm mốc và nấm men: Thường gặp do loài Aspergillus, Penicilium, Furanium, Candida... Nguy hiểm hơn là một số loài nấm mốc có khả năng sinh độc tố như Aflatoxin gây ung thư.
2) Ngộ độc thực phẩm do ô nhiễm các chất hoá học:
- Do ô nhiễm các kim loại nặng: Thường gặp do ăn các thức ăn đóng hộp hay ăn thực phẩm được nuôi trồng từ những vùng đất nước ô nhiễm kim loại nặng. Các kim loại thường gây ô nhiễm như: Chì, Đồng, Asen, Thuỷ ngân, Cadimi...
- Do thuốc bảo vệ thực vật: thường là các loại thuốc diệt côn trùng, thuốc trừ động vật ăn hại, thuốc diệt mối, mọt. Nguyên nhân thường do ăn rau xanh, hoa quả...có lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật quá cao.
- Do các loại thuốc thú y: thường gặp là các loại thuốc kích thích tăng trưởng, tăng trọng, các loại kháng sinh.
- Do các loại phụ gia thực phẩm: thường gặp là các loại thuốc dùng bảo quản thực phẩm (cá, thịt, rau, quả... ), các loại phẩm màu độc dùng trong chế biến thực phẩm.
- Do các chất phóng xạ.
3) Ngộ độc do ăn phải thực phẩm có sẵn chất độc:
Bản thân chất độc có sẵn trong thực phẩm, khi chúng ta ăn các thực phẩm có chứa sẵn các chất độc này rất có thể bị ngộ độc.
- Động vật độc: Thường do ăn phải các loại nhuyễn thể, cá nóc độc, ăn cóc, mật, cá trắm ...
- Thực vật độc: Nấm độc, khoai tây mọc mầm, sắn, một số loại đậu quả, lá ngón...
4) Ngộ độc do ăn phải thức ăn bị biến chất, thức ăn ôi thiu: Một số loại thực phẩm khi để lâu hoặc bị ôi thiu thường sinh ra các chất độc như: Các chất amoniac, hợp chất amin sinh ra trong thức ăn nhiều đạm (thịt, cá, trứng... ) hay các peroxit có trong dầu mỡ để lâu là các chất độc hại trong cơ thể. Các chất độc này thường không bị phá huỷ hay giảm khả năng gây độc khi được đun sôi.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm thì có một số lời khuyên như sau:
1) Phải biết cách chọn thực phẩm an toàn, cảnh giác khi sử dụng thực phẩm có nguy cơ cao như cá ngừ, nấm, măng tươi.
2) Nên mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đáng tin cậy. Chủ động sử lý sạch nguyên liệu khi dùng, rau phải ngâm rửa kỹ, măng tươi phải luộc bỏ đi 2-3 lần nước.
3) Nấu chín thức ăn ở nhiệt độ sôi 10-15 phút, xử lý nhiệt cho đầy đủ. Sử dụng trong 2 tiếng đồng hồ, tốt nhất là ăn ngay khi còn nóng, nếu phải để quá 2 giờ phải bảo quản lạnh và hâm lại trước khi ăn.
4) Sự tái nhiễm có thể diễn ra trong khâu chuẩn bị, chế biến, phân phối, bảo quản thức ăn, vì thế cần chú ý đến khâu làm sạch vệ sinh dụng cụ, vệ sinh tốt trong chế biến. Người chế biến thực phẩm phải chú ý đến đôi bàn tay, phải cắt ngắn móng tay, rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, hoặc là sau khi đi vệ sinh hoặc là trước khi ăn.