Phòng bệnh chân tay miệng
Cập nhật: 20/5/2014 | 8:47:30 AM
Tay chân miệng (TCM) là dịch bệnh nguy hiểm ở trẻ em, có thể gây biến chứng nghiêm trọng thậm chí gây tử vong. Vì thế việc tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng bệnh TCM ở trẻ là vô cùng quan trọng và cần thiết để có hướng điều trị sớm nhất, tránh các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.
Ảnh minh họa. |
Theo bác sỹ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh từ đầu năm 2014 trên toàn tỉnh có khoảng 30 trường hợp mắc TCM, mỗi tháng bình quân khoảng 5-6 ca chủ yếu ở các địa phương: Móng Cái, Tiên Yên, Hoành Bồ.
Cũng theo bác sỹ Ninh Văn Chủ, bệnh TCM là một bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Tất cả những người chưa từng bị bệnh TCM đều có nguy cơ nhiễm bệnh nhưng không phải ai bị nhiễm bệnh cũng xuất hiện bệnh. Bệnh TCM xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi và thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Các trẻ nhỏ thường dễ bị biến chứng nặng hơn. Trẻ em có nhiều khả năng bị lây nhiễm và bị bệnh bởi trẻ nhỏ có ít kháng thể hơn người lớn và ít khả năng miễn dịch khi tiếp xúc. Hầu hết người lớn được miễn dịch, nhưng vẫn có trường hợp mắc bệnh ở thanh thiếu niên và người lớn.
Bệnh TCM thường là một bệnh nhẹ, hầu hết tất cả bệnh nhân hồi phục trong vòng 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị và thường không gặp các biến chứng. Bệnh cũng có thể diễn biến nặng như: viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong, thường do vi rút EV71 gây ra. Vi rút gây bệnh TCM có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Người bị bệnh có thể làm lây lan bệnh nhiều nhất trong tuần đầu tiên của bệnh, nhưng thời gian gian lây nhiễm có thể kéo dài trong vài tuần (do vi rút vẫn tồn tại trong phân). Bệnh TCM hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Bác sỹ Lương Văn Kiên, Phụ trách khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa tỉnh khuyến cáo trước tiên để phòng bệnh thì phải phòng bệnh tại cộng đồng bằng cách người lớn phải vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng cho trẻ đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt; rửa sạch đồ chơi của trẻ, vật dụng gia đình, và sàn nhà; lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác; cách ly trẻ tại nhà, không cho trẻ bị bệnh đến trường học, nhà trẻ, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.
Bác sĩ Lương Văn Kiên cũng cho biết thêm biện pháp trị bệnh TCM:
- Điều trị tại nhà và theo dõi tại cơ sở y tế cho những trường hợp TCM độ 1 (Chỉ có loét miệng và/hoặc tổn thương da)
-Dinh dưỡng đầy đủ (ăn lỏng,mềm,ấm) nếu trẻ còn bú thì tiếp tục cho bú
- Hạ sốt khi sốt cao bằng Paracetamol liều 15mg/kg/lần,ngày dùng 4-6 lần
- Vệ sinh răng miệng,nghỉ ngơi tránh kích thích
- Tái khám 1-2 ngày/lần trong 8-10 ngày đầu của bệnh, nếu trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.
- Phải tái khám ngay khi có các dấu hiệu: Sốt cao> 39độ C, thở nhanh, khó thở, giật mình, nôn nhiều, đi loạng choạng,vã mồ hôi,chân tay lạnh,co giật,hôn mê...
Vì bệnh TCM do 2 nhóm nguyên nhân gây bệnh là Coxsackie Virus A16 và EV71 gây nên, vì vậy trẻ mắc TCM rồi vẫn có nguy cơ mắc TCM lại.
(Nguồn: Dương Hiền- Báo Quảng Ninh)