Chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng
Cập nhật: 10/6/2014 | 7:38:01 AM
Từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 25.000 trường hợp bị bệnh tay chân miệng; trong đó, Quảng Ninh có 98 trường hợp, đa số là trẻ em, ít hơn so với hầu hết các tỉnh, thành trong nước. Mặc dù vậy, là địa bàn du lịch, cửa ngõ giao lưu, thông thương, nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ở tỉnh khá cao. Bởi vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, bệnh tay chân miệng nói riêng luôn được các địa phương, ngành chức năng trong tỉnh chú trọng.
Cán bộ y tế xã Quảng Thịnh (huyện Hải Hà) đến các hộ dân hướng dẫn gia đình cách phòng bệnh cho trẻ. |
Theo tài liệu của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em. Biểu hiện sớm nhất của bệnh là mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, sổ mũi. Sau đó bệnh chuyển giai đoạn toàn phát, bắt đầu là sự xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng (thường ở mặt trong má, lợi, mặt trên của lưỡi). Các mụn nước có kích cỡ nhỏ nằm trên một nền niêm mạc đỏ. Các mụn nước trong miệng thường dập vỡ nhanh, tạo ra các vết trợt, loét rất đau, làm bệnh nhân khó ăn uống. Tiếp theo, mụn nước xuất hiện ở bàn tay, bàn chân, đôi khi cả ở mông. Các mụn nước này thường không gây đau rát. Chúng tồn tại trong vòng 7-10 ngày rồi xẹp xuống và mất đi. Bệnh này lây qua phân, dịch tiết mũi, họng, phỏng nước bị vỡ của người bệnh. Bởi vậy, khi trẻ tiếp xúc với người bệnh, sàn nhà, đồ chơi, thực phẩm nhiễm vi rút rất dễ bị bệnh này. Mặc dù đây là bệnh lành tính, song một số trường hợp bị các biến chứng, như: Viêm màng não, viêm não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp do thần kinh… Các biến chứng này thường gây tử vong cao và diễn tiến rất nhanh.
Hiện nay, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh tay chân miệng và cách phòng, chống được đẩy mạnh thông qua hệ thống loa, đài ở các xã, phường, thị trấn, trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền đến hộ dân thông qua đội ngũ y tế thôn, bản, tổ trưởng tổ dân… Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ (Sở Y tế) đã cấp phát tờ rơi, băng đĩa tuyên truyền cho các địa phương. Trung tâm y tế các địa phương cũng phối hợp chặt chẽ với Phòng giáo dục chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học tăng cường biện pháp phòng, chống dịch, như: Thường xuyên lau, rửa đồ chơi cho trẻ; lau nhà, bàn, ghế, dụng cụ lớp học bằng dung dịch khử khuẩn; nhắc nhở học sinh thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Thời điểm này, các trường học đã nghỉ hè, chỉ còn các trường mầm non hoạt động, nên công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng bệnh cũng tập trung hơn.
Mặc dù số bệnh nhân tay chân miệng trên địa bàn tỉnh không nhiều, song Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chủ động rà soát lại trang thiết bị, phương tiện, nhân lực để sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra. Hiện hệ thống dự phòng trong toàn ngành có hơn 100 máy phun hoá chất, bình phun tay; riêng Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có khoảng 4.000 tấn Cloramin B sẵn sàng cấp phát cho các đơn vị khi cần thiết để phòng, dập dịch. Ở các đơn vị điều trị đều có phương án về giường bệnh, khu cách ly, phương tiện để tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân tay chân miệng. Tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế đều có đội phòng chống dịch để sẵn sàng hỗ trợ nhau trong việc xử lý, dập dịch, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có dịch xảy ra hoặc xuất hiện nhiều trường hợp bị bệnh. Với những trường hợp bị tay chân miệng, cán bộ y tế xã, thôn đã đến tận nhà tuyên truyền, hướng dẫn gia đình cách gìn giữ sức khoẻ cho trẻ, biện pháp phòng bệnh cho người thân trong gia đình và phòng bệnh cho cộng đồng.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh này, bởi vậy các gia đình cần có ý thức phòng bệnh cho con em mình và phòng bệnh cho cộng đồng. Phương pháp phòng bệnh tốt nhất vẫn là rửa tay nhiều lần cho trẻ trong ngày, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Người giữ trẻ cũng phải thường xuyên rửa tay, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ. Không để trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng. Cho trẻ ăn chín, uống chín và dùng riêng thìa, bát, đĩa. Thu gom, xử lý phân và chất thải của trẻ. Thường xuyên vệ sinh sàn nhà, vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn thông thường. Khi trẻ bị bệnh phải cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan cho trẻ khác; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Khi thấy trẻ sốt, xuất hiện các nốt phỏng ở niêm mạc miệng, bàn chân, bàn tay… cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn. Thường xuyên theo dõi trẻ bị bệnh, nếu thấy bệnh tiến triển nặng hơn cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
(Nguồn: Thu Nguyệt - Báo Quảng Ninh)