Trước nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm: Cần sự chủ động, quyết liệt

Cập nhật: 4/9/2014 | 3:35:27 PM

Vừa qua, kết quả giám sát chủ động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn(NN&PTNT) đã phát hiện một số trường hợp dương tính với cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm, chim trĩ ở 3 tỉnh: Lạng Sơn; Lào Cai, Hà Tĩnh. Còn tại Trung Quốc (nước có đường biên giới tiếp giáp với Quảng Ninh) vẫn đang phải chống chọi với cúm A/H7N9... Bởi vậy, nguy cơ những loại vi rút trên xâm nhập vào Quảng Ninh, gây bệnh trên gia cầm và trên người là rất lớn.

Anh Hoàng Văn Sinh, thôn Đè E, xã Lê Lợi (Hoành Bồ) phun khử khuẩn khu chăn thả gà của gia đình.
Anh Hoàng Văn Sinh, thôn Đè E, xã Lê Lợi (Hoành Bồ) phun khử khuẩn khu chăn thả gà của gia đình.

Mối nguy từ cúm gia cầm

Theo Phó giáo sư - tiến sĩ Tô Long Thành, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y T.Ư, vi rút cúm A/H5N6 trước đây chỉ là chủng vi rút độc lực thấp, không gây nguy hiểm và đã từng xuất hiện tại nhiều nước như: Thuỵ Điển, Mỹ, Đức, Đài Loan... Tuy nhiên trong quá trình lưu hành, thông qua chim hoang, đặc biệt là tại Trung Quốc, virus này đã tái tổ hợp và biến đổi từ thể nhược độc thành thể cường độc.

Ở Việt Nam, sau khi lấy mẫu giám sát, mới đây, các cơ quan chức năng xác định chủng vi rút cúm A/H5N6 có độc lực cao đã xuất hiện trên đàn gà nuôi tại huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn), trên đàn vịt nuôi tại huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) và đàn chim trĩ đỏ ở huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai). Chủng vi rút này đã từng gây tử vong cho 1 trường hợp ở Trung Quốc vào tháng 4-2014.

Theo Cục Thú Y (Bộ NN&PTNT), khả năng đàn gia cầm ở tỉnh Lạng Sơn nhiễm vi rút cúm A/H5N6 là do gia cầm thẩm lậu từ Trung Quốc về địa bàn làm lây lan. Đồng thời, cơ quan chức năng này cũng cảnh báo, việc buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu, gia cầm không rõ nguồn gốc rất nguy hiểm, có thể làm dịch cúm gia cầm bùng phát rộng. Với Quảng Ninh, địa bàn có đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc, mặc dù, từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương siết chặt quản lý nhưng việc ngăn chặn gia cầm nhập lậu vẫn chưa thật triệt để. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có gia cầm không rõ nguồn gốc từ các tỉnh, thành trong nước cũng vận chuyển vào… Đây chính là những nguy cơ làm lây nhiễm vi rút cho đàn gia cầm và lây vi rút cúm từ gia cầm sang người.

Theo bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cũng giống như cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, vi rút cúm A/H5N6 có thể lây từ gia cầm sang người và gây tử vong. Người có khả năng lây nhiễm cúm gia cầm do ăn tiết canh, trứng và các sản phẩm khác của gia cầm nhiễm bệnh mà chưa được nấu chín; lây do tiếp xúc với gia cầm và chất thải gia cầm nhiễm bệnh, hoặc gia cầm khoẻ nhưng đã mang vi rút. Triệu chứng cúm gia cầm trên người rất giống với các triệu chứng của bệnh cúm thông thường như: Sốt cao đột ngột,  sốt liên tục trên 380C, đôi khi rét run, mặt đỏ; đau đầu, đau mỏi cơ ở chân, tay, đau tăng lên khi ho, có thể nổi hạch; ho hoặc ho khan, khó thở... Bệnh diễn biến nhanh dẫn đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp, suy các phủ tạng và tử vong nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu cho người nhiễm cúm gia cầm, do đó phòng bệnh là biện pháp quan trọng, trong đó có việc hạn chế tiếp xúc với gia cầm, nhất là những nơi có dịch cúm ở gia cầm.

Nỗ lực phòng dịch

Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể xâm nhập và gây dịch trên địa bàn, nguy cơ lây nhiễm cúm từ gia cầm sang người, từ đầu năm 2014 đến nay, UBND tỉnh liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm gia cầm trên người.

Theo ông Đoàn Duy Ái, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 2.475.000 con gia cầm, thuỷ cầm. Để ngăn ngừa dịch cúm xuất hiện trên đàn gia cầm, thuỷ cầm, Chi cục đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin đợt 1 năm 2014 cho gia cầm với 1.439.000 liều. Tháng 9 này, các địa phương tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm phòng lần 2. Từ đầu năm 2014 đến nay, Chi cục cũng đã lấy 15.200 mẫu gia cầm để giám sát sự lưu hành của vi rút cúm A/H7N9, tuy nhiên chưa phát hiện mẫu dương tính. Trong 120 mẫu giám sát lưu hành vi rút cúm A/H5N1 thì có 4 mẫu dương tính… Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tiến hành kiểm dịch gia cầm và các sản phẩm gia cầm.

Về phía các địa phương và các ngành chức năng trong thời gian qua cũng đã tích cực ngăn chặn gia cầm thẩm lậu từ Trung Quốc và gia cầm không rõ nguồn gốc từ các tỉnh, thành vào; lập các chốt kiểm dịch ở những nơi có lưu lượng lớn gia cầm vận chuyển từ nơi khác vào địa bàn tỉnh; thường xuyên phun diệt, khử trùng tại các chợ và yêu cầu các gia đình thực hiện tốt việc tiêu trùng khử độc ở chuồng, trại chăn nuôi. Bên cạnh đó, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế giám sát chặt chẽ du khách nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới trên địa bàn, nhất là khách đến từ các vùng có dịch cúm gia cầm. Các đơn vị trong ngành đều chuẩn bị đầy đủ hoá chất, trang thiết bị, dung dịch, thuốc men cần thiết để phục vụ công tác giám sát, phòng, chống dịch và thu dung, cấp cứu bệnh nhân.

Mặc dù vậy do quy mô chăn nuôi, giết mổ gia cầm trên địa bàn tỉnh còn nhỏ le, bên cạnh đó, việc thẩm lậu gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm từ Trung Quốc vào địa bàn và tình trạng gia cầm không rõ nguồn gốc vận chuyển từ các tỉnh, thành khác trong nước về Quảng Ninh, nên tiềm ẩn nguy cơ cao về dịch bệnh. Do đó, công tác phòng, chống dịch cúm trên gia cầm và cúm gia cầm trên người cần phải được chú trọng thường xuyên, liên tục.


(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin