Hưởng ứng ngày thế giới phòng chống bệnh dại 28/9: Một số đặc điểm dịch tễ học bệnh dại trên người tại Quảng Ninh, triệu chứng và cách sử lý

Cập nhật: 23/9/2014 | 9:46:46 AM

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut dại gây ra, bệnh chủ yếu ở động vật có máu nóng (chó, mèo...) lây sang người qua đường da và niêm mạc. Biểu hiện lâm sàng của bệnh chủ yếu là trạng thái kích thích tâm thần vận động hoặc một hội chứng liệt kiểu Landry. Khi phát bệnh, tử vong là 100%.

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut dại gây ra, bệnh chủ yếu ở động vật có máu nóng (chó, mèo...) lây sang người qua đường da và niêm mạc. Biểu hiện lâm sàng của bệnh chủ yếu là trạng thái kích thích tâm thần vận động hoặc một hội chứng liệt kiểu Landry. Khi phát bệnh, tử vong là 100%.

Theo Tổ chức y tế thế giới, hàng năm thế giới có 100.000 người chết vì bệnh dại, chủ yếu ở Châu Phi, Châu á. Có khoảng 4 triệu người phải điều trị phơi nhiễm dại mỗi năm. Năm 1996, trên toàn cầu có 32.209 người bị bệnh dại (theoWHO). Vùng dịch tễ có nguy cơ cao là các nước như: Afghanistan, Banglades, Brazil, Bolivia, Trung Quốc, Colombia, Ecuador, El Salvador, Guatemala, Haiti, ấn độ, Indonesia, Mexico, Myanmar (Burma), Nepal, Pakistan, Peru, Philippines, Sri Lanka, Thái lan, Việt nam, Yemen.

Tại Quảng Ninh, trong 10 năm (2004-2013) đã ghi nhận 11.579 lượt người đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các huyện thị để điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (ĐTDPSPN) vắc xin dại và huyết thanh kháng dại (HTKD), trong đó có 15 trường hợp tử vong do bệnh dại.

 Kết quả điều tra hồi cứu cho thấy: Trong số các trường hợp ĐTDPSPN có: 56,8% nam; 43,2% nữ;  Trẻ em dưới 15 tuổi chiếm 31,3% ; Số bệnh nhân đã điều trị dự phòng trước 15 ngày kể từ thời điểm nghi bị phơi nhiễm vi rút dại chiếm 95,6%; Chó nuôi hiện là nguồn truyền bệnh dại chính tại Quảng Ninh (chiếm 97%). Tất cả 15 ca tử vong do bệnh dại là bởi chó dại cắn hoặc tiếp xúc với chó bị dại và không có bệnh nhân nào đi tiêm phòng vác xin. Số ca tử vong tập trung chủ yếu ở Thành phố Móng Cái (12 ca), số còn lại ở các huyện Đông Triều, Tiên Yên và Ba Chẽ.

Để chủ động phòng, chống bệnh dại ở người, tiến tới khống chế và thanh toán bệnh dại tại Việt Nam, ngành y tế tiếp tục củng cố, nâng cấp các điểm tiêm phòng, cung ứng đủ vắc xin, huyết thanh kháng dại cho tiêm phòng dại đối với người bị súc vật nghi dại cắn; tổ chức tốt công tác khám, tư vấn, chỉ định tiêm phòng dại và đảm bảo 100% người bị súc vật nghi dại cắn theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, phối hợp với ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn thường xuyên theo dõi tình hình bệnh dại trên gia súc nhất là những nơi có ổ dịch cũ để triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại trên đàn gia súc nhằm hạn chế thấp nhất lây bệnh dại từ gia súc sang người.

TRIỆU CHỨNG DẠI Ở SÚC VẬT

- Hung dữ khác thường.

- Nước dãi nhiều.

- Giọng sủa khàn.

- Liệt hàm dưới, liệt chi, toàn thân và chết.

- Triệu chứng dại của mèo giống của chó nhưng thích lánh vào chỗ tối.

- Mèo dại rất nguy hiểm.

CÁCH XỬ TRÍ KHI BỊ SÚC VẬT NGHI DẠI CẮN

Tại chỗ:

- Rửa thật kỹ vết cắn bằng xà phòng và các chất sát khuẩn để diệt virus dại.


             - Nếu phải cắt lọc vết thương chỉ được khâu trong trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày.

Đến ngay cơ sở y tế:

- Bị cắn nhiều vết nguy hiểm.

- Bị cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục.

- Không theo dõi được con vật.

Phải tiêm vaccin phòng dại và kháng dại sớm.

(Nguồn: BS Bùi Thiện Thuật - Khoa KSCBTN&VX)

In bản tin