Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Uống đủ 3 liều vắc xin bại liệt (OPV) trẻ vẫn cần tiêm thêm 1 mũi vắc xin bại liệt tiêm (IPV)

Cập nhật: 31/7/2018 | 7:57:08 PM

Bệnh bại liệt là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút polio gây lên, vi rút polio gồm 3 týp 1, 2 và 3. Vi rút polio sau khi vào cơ thể sẽ đến hạch bạch huyết, tại đây một số ít vi rút Polio xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây tổn thương ở các tế bào sừng trước tủy sống và tế bào thần kinh vận động của vỏ não. Người mắc bệnh có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng liệt không hồi phục và gây tàn tật suốt đời. Để hiểu rõ hơn về bệnh bại liệt và các loại vắc xin phòng bệnh bại liệt hiện nay, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bác sĩ CKI. Trần Thị Diệp – Phó khoa Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh về vấn đề này.

PV: Xin bác sĩ cho biết, bệnh bại liệt lây truyền như thế nào?
Bs Trần Thị Diệp: Bệnh bại liệt lây truyền qua đường tiêu hóa. Con người là nguồn chứa duy nhất của vi rút bại liệt. Vi rút lây truyền sang người chủ yếu qua đường “phân – miệng”. Vi rút bại liệt từ phân ô nhiễm vào nguồn nước, thực phẩm rồi vào cơ thể người phát triển trong đường tiêu hóa của người, đào thải qua phân ra ngoài môi trường sống và tiếp tục gây bệnh. 
Bệnh rất dễ lây, hầu hết trẻ em sống cùng nhà với người mang mầm bệnh bị nhiễm vi rút. Người bệnh có khả năng đào thải vi rút từ 10 ngày trước và 14 ngày sau khi khởi phát. Những người lành mang vi rút cũng có thể trở thành nguồn truyền bệnh. 
PV: Vậy làm thế nào để phòng bệnh bại liệt, thưa bác sĩ?
Bs Trần Thị Diệp: Vì người là nguồn chứa vi rút bại liệt duy nhất nên việc tạo miễn dịch chủ động thông qua tiêm chủng vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. 
Phòng bệnh bại liệt polio bằng uống vắc xin bại liệt (OPV), tiêm vắc xin bại liệt bất hoạt (IPV). Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo các quốc gia đang chỉ sử dụng vắc xin bại liệt uống (OPV) thì cần sử dụng thêm 1 liều IPV trong lịch tiêm chủng thường xuyên.
Hiện nay, Chương trình TCMR Việt Nam đang sử dụng vắc xin bại liệt uống 2 týp (bOPV) cho trẻ 2,3,4 tháng tuổi và sẽ sử dụng thêm 1 liều vắc xin bại liệt tiêm (IPV) trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 5 tháng tuổi dự kiến trong  tháng 8/2018.
Vắc xin IPV tiêm trong chương trình Tiêm chủng mở rộng
PV: Tại sao giai đoạn này ngoài việc uống đủ 3 liều vắc xin bại liệt OPV trẻ cần phải tiêm thêm 1 mũi vắc xin bại liệt tiêm IPV, thưa bác sĩ?
Bs Trần Thị Diệp: Từ tháng 9/2015, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố thanh toán bệnh bại liệt týp 2 hoang dại trên toàn cầu.  Để thực hiện mục tiêu quan trọng này, WHO yêu cầu các quốc gia cần thay thế vắc xin bại liệt 3 týp (tOPV) bằng sử dụng vắc xin bại liệt uống 2 týp (bOPV).  Năm 2016, Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam chuyển sang sử dụng vắc xin OPV 2 týp (bOPV) thay thế cho vắc xin bại liệt uống 3 týp (tOPV) trước đây. 
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay vi rút bại liệt hoang dại vẫn còn lưu hành tại một số quốc gia như Afghanistan, Pakistan và trong bối cảnh mở rộng giao lưu giữa các quốc gia trên thế giới như hiện nay thì nguy cơ lây truyền bệnh bại liệt từ các quốc gia còn lưu hành sang các nước đã thanh toán bệnh là rất cao. Vì vậy, để tiếp tục tuy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt của nước ta từ năm 2000 đến nay, thì cần sử dụng thêm một liều vắc xin bại liệt tiêm IPV có chứa cả 3 týp kháng nguyên bại liệt týp 1, 2 và 3 giúp tăng cường miễn dịch bảo vệ đối với vi rút bại liệt týp 1 và týp 3 đồng thời gây miễn dịch phòng bệnh đối với týp 2 cho những trẻ đã sử dụng 3 liều bOPV.
PV: Xin bác sĩ cho biết về tính an toàn của vắc xin bại liệt tiêm IPV?
Bs Trần Thị Diệp: Vắc xin IPV sử dụng trong chương trình TCMR là vắc xin do tổ chức Liên minh toàn cầu vắc xin và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ, vắc xin của hãng Sanofi, Pháp sản xuất, vắc xin đã được cấp phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam QLVX-879-15, ngày 14/7/2015.
Cũng giống như các vắc xin khác, sau khi tiêm vắc xin có thể gặp phản ứng  các phản ứng thông thường tại chỗ tiêm như đau, quầng đỏ, phản ứng sốt vừa thoáng qua, phản ứng khác rất hiếm gặp.
Vắc xin IMOVAX POLIO đã được đăng ký lưu hành sử dụng tại Pháp từ năm 1982, hiện đã sử dụng tại 111 quốc gia với tổng số hơn 540 triệu liều.
Phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch để phòng bệnh cho trẻ
PV:Trước khi sử dụng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, vắc xin IPV đã được sử dụng ở Việt Nam chưa, thưa bác sĩ? 
Bs Trần Thị Diệp: Vắc xin IPV đơn giá được đăng ký lưu hành tại Việt Nam từ tháng 1 năm 2004 được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ.
Vắc xin phối hợp có thành phần bại liệt tiêm (IPV) đã được lưu hành và sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ tại Việt Nam từ năm 2005 đến nay.
PV:Tiêm vắc xin IPV cùng thời điểm với các vắc xin khác có an toàn khôn, thưa bác sĩ?
Bs Trần Thị Diệp: Vắc xin IPV là vắc xin bất hoạt nên rất an toàn khi tiêm cùng thời điểm với việc sử dụng các vắc xin khác. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới có thể tiêm vắc xin IPV cùng thời điểm với vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib (vắc xin 5 trong 1). Việc tiêm chủng như vậy không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và khả năng sinh miễn dịch của vắc xin.
PV: Xin bác sĩ cho biết, thời gian và đối tượng sẽ được tiêm vắc xin IPV trong TCMR do GAVI viện trợ?
Bs Trần Thị Diệp: Vắc xin IPV sẽ được triển khai trong TCMR từ tháng 8/2018 cho đối tượng trẻ 5 tháng tuổi tại thời điểm triển khai, dự kiến trẻ sinh từ 1/3/2018 sẽ là đối tượng tiêm IPV do GAVI viện trợ trong năm 2018. 
Những trẻ sinh trước đó sẽ được tiêm chủng bổ sung vắc xin IPV trong thời gian tới và được thông báo cụ thể sau.
PV: Nếu trẻ không được tiêm vắc xin bại liệt đúng lịch vào lúc 5 tháng tuổi thì có thể tiêm chủng vắc xin cho trẻ như thế nào, thưa bác sĩ? 
Bs Trần Thị Diệp: Để đảm bảo miễn dịch đầy đủ để phòng bệnh bại liệt ngoài việc uống đủ 3 liều vắc xin bại liệt bOPV trẻ cần được tiêm 1 mũi vắc xin bại liệt IPV, nếu trẻ không được tiêm chủng đúng lịch vào lúc 5 tháng tuổi thì cần được tiêm càng sớm càng tốt sau đó. Trong chương trình TCMR chỉ cung ứng vắc xin IPV để sử dụng cho trẻ dưới 1 tuổi.
Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ những thông tin hữu ích!

(Nguồn: Hải Ninh)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014