Những “chiến sĩ áo trắng” ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm
Cập nhật: 21/2/2019 | 7:49:25 AM
Chống dịch là cuộc chiến không có tiếng súng nhưng những “ chiến sĩ” trên mặt trận này vẫn cần lòng dũng cảm, nhiệt huyết và trí tuệ. Bởi dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện trong khi cộng đồng chưa có miễn dịch, chưa có thuốc điều trị hay vắc xin dự phòng thì có thể khiến số người mắc gia tăng nhanh chóng, tỷ lệ tử vong cao. Và chính cán bộ y tế làm công tác phòng, chống dịch là những “chiến sĩ” trực tiếp xông pha vào vùng dịch, sẵn sàng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm để cứu giúp những người mắc, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, không để dịch bùng phát trong cộng đồng.
Diễn tập đáp ứng khẩn cấp với tình huống dịch bệnh nguy hiểm giả định tại phường Cẩm Đông, thành phố Cẩm Phả tỉnh Quảng Ninh.
Gắn bó với công tác phòng, chống dịch đến nay đã 22 năm, Thạc sỹ Y tế công cộng Nguyễn Thị Dung - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh còn nhớ như in những ngày đầu bước chân vào nghề, Thạc sỹ chia sẻ: “ Năm 1997, tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, chuyên khoa Vệ sinh dịch tễ, tôi về công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh ( nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật). Những năm đó, hệ thống Y tế dự phòng cả nước tập trung chuẩn bị thanh toán bệnh Bại Liệt, đây là bệnh thường mắc ở trẻ nhỏ và để lại di chứng bại liệt suốt đời cho trẻ. Bệnh nguy hiểm là vậy nhưng chỉ cần uống đủ liều vắc xin là có thể phòng bệnh. Được làm đúng chuyên khoa, tôi say sưa với công việc triển khai tiêm chủng cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi và chiến dịch uống vắc xin bổ sung. Tôi cùng đoàn cán bộ y tế dự phòng đến những thôn, bản xa xôi của huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà, Móng Cái để tuyên truyền vận động bà con cho trẻ tiêm phòng. Đến năm 2000, Việt Nam được WHO công nhận thanh toán được bệnh Bại Liệt. Vậy là trẻ em Việt Nam đã không còn bị tàn tật vì căn bệnh quái ác này nữa. Sự thành công của tiêm chủng đã chứng minh sức mạnh kỳ diệu của vắc xin. Những căn bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao như Bạch Hầu, Ho Gà, Uốn Ván, Sởi giảm đáng kể. Đặc biệt, bệnh Bạch Hầu đã không còn xuất hiện ở Quảng Ninh từ năm 1992. Bệnh Dại - một căn bệnh mà tỷ lệ tử vong lên tới 100% cũng nhờ có vắc xin mà giảm đáng kể. Những thành quả đó chính là động lực to lớn khiến cho những người bác sĩ Y học dự phòng như tôi có niềm tin vào công việc, thúc đẩy sự say mê với nghề”.
Để có được những thành quả ấy, thật không thể kể hết những khó khăn mà các thế hệ cán bộ phòng, chống dịch đã trải qua. Bất kể ngày hay đêm, nắng, mưa hay bão lụt, dù ở tận thôn bản xa xôi, khi có thông tin về dịch bệnh là họ lập tức có mặt: khoanh vùng dịch, lấy mẫu bệnh phẩm, tìm nguyên nhân, kiểm soát, dập dịch không để lây lan. Trực tiếp làm việc trong môi trường truyền nhiễm bệnh tật, có lẽ bất kể là ai, cũng không thể tránh được mối lo về nguy cơ lây nhiễm cho bản thân, rồi cả người thân trong gia đình nhưng vượt lên tất cả là lòng nhiệt huyết với nghề và bởi “phòng, chống dịch bệnh là một công việc thầm lặng nhưng mang lại cho cuộc sống biết bao điều tốt đẹp” Thạc sỹ Dung tâm sự.
Trong cuộc chiến chống dịch ấy, cùng với cán bộ dịch tễ luôn có đội ngũ xét nghiệm, họ trực tiếp “dấn thân” vào vùng dịch lấy mẫu bệnh phẩm rồi nhanh chóng làm việc với những mẫu bệnh phẩm sau cánh cửa phòng xét nghiệm. Môi trường làm việc cũng nhiều áp lực và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Thạc sỹ Công nghệ sinh học Nguyễn Thị Hiền - Trưởng khoa xét nghiệm Vi sinh Huyết học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: “Những cán bộ khoa xét nghiệm công việc không chỉ trong giờ hành chính, nhất là công tác xét nghiệm phòng, chống dịch bệnh. Sau khi nhận mẫu bệnh dịch phải tiến hành xét nghiệm ngay để có được kết quả sớm nhất, phục vụ nhanh nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro lây nhiễm thì sự tỉ mẩn, kiên nhẫn, độ chính xác cao và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xét nghiệm, quy định về an toàn sinh học là những đòi hỏi không thể thiếu đối với cán bộ xét nghiệm. Chỉ cần bỏ qua một bước nhỏ trong quy trình xét nghiệm sẽ làm sai lệch kết quả, tác động trực tiếp đến công tác phòng chống dịch. Quanh năm suốt tháng “làm bạn” với vi khuẩn, vi rút…, hóa chất độc hại trong phòng xét nghiệm, nhiều cán bộ làm công việc này cũng tìm cho mình những niềm vui trong công việc để thêm gắn bó với nghề”.
Các chuyên gia về phòng, chống dịch giám sát quy trình xử lý mẫu bệnh phẩm tại phòng xét nghiệm của CDC Quảng Ninh
“Niềm vui trong công việc chính là những kiến thức vô hạn, những kinh nghiệm từ thực tiễn chống dịch được tích lũy thành bài học quý giá, để mỗi lần nhớ đến lại tiếp thêm động lực, sự phấn khích cho bản thân trong công việc” Thạc sỹ Hiền tâm sự.
Chống dịch là “cuộc kháng chiến trường kỳ” đòi hỏi những người “chiến sĩ áo trắng” phải chiến đấu liên tục, theo dõi, kiểm soát và đáp ứng nhanh với tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, đặc biệt là dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi xâm nhập có thể khiến nhiều người mắc, tỷ lệ tử vong cao, gây thiệt hại về kinh tế, bất ổn xã hội nếu không được khống chế và ngăn chặn kịp thời. Thạc sỹ Dung nhớ lại: “Năm 2003 dịch SARS xuất hiện ở nước ta, tỉnh Quảng Ninh cũng có 3 ca mắc. Đó là thời điểm cán bộ y tế dự phòng phải “căng mình” chống dịch. Làm sao để vừa khoanh vùng xử lý tốt các ổ dịch, vừa không bị lây nhiễm bệnh vì đây là dịch bệnh mới anh chị em chưa có kinh nghiệm đối phó với loại bệnh này. Những ngày đó, trang phục bảo hộ dùng một lần là hàng quý hiếm. Có cán bộ phải khoác áo mưa đi vào ổ dịch để phun hóa chất xử lý. Đồng thời tất cả cán bộ tham gia chống dịch phải tuân thủ đầy đủ các quy trình phòng lây nhiễm trong quá trình điều tra, xử lý dịch”.
Chính nhờ lòng nhiệt huyết với nghề, lấy công việc làm niềm vui, coi khó khăn là động lực của các “chiến sĩ áo trắng” mà nhiều dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh được ngăn chặn, đẩy lùi. Công tác phòng, chống dịch hàng năm luôn đạt được mục tiêu đề ra, không để xảy ra vụ dịch lớn, các ổ dịch nhỏ đều được khống chế và xử lý kịp thời hạn chế sự lây lan. Hoạt động giám sát dịch được tăng cường nhất là công tác giám sát dịch sốt xuất huyết, cúm A(H5N1), cúm A(H1N1), H7N9, sởi, tay chân miệng, viêm não, tiêu chảy cấp... Năm 2018, chương trình tiêm chủng mở rộng đạt kết quả cao: trên 95% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ 10 loại vắc xin, trên 90% phụ nữ có thai được tiêm phòng, trên 70% trẻ sau sinh trong vòng 24 giờ được tiêm vắc xin Viêm gan B.
Hiện nay, các chuyên gia y tế nhận định, Việt Nam đang phải đối mặt với sự quay trở lại của một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Mặt khác, nước ta cũng trở thành “điểm nóng” có nguy cơ cao xuất hiện các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới nổi lây từ vật nuôi, động vật hoang dã, có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe người dân và sự phát triển đất nước. Để đáp ứng với tình hình mới, được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, sự đầu tư của tỉnh và ngành y tế địa phương cho công tác phòng, chống dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai nhiều chương trình: Thí điểm giám sát viêm phổi nặng do vi rút theo hướng dẫn dự thảo của Bộ Y tế; triển khai đường dây nóng báo cáo sự kiện y tế công cộng tại cộng đồng thông qua đầu số 18009014; triển khai các hoạt động của Dự án an ninh y tế khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng tại Quảng Ninh về các hoạt động như: phòng chống dịch bệnh cho nhóm dễ bị tổn thương tại khu vực hành lang kinh tế và biên giới, phối hợp liên ngành phòng chống dịch bệnh, hợp tác, trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh với Trung Quốc. Hệ thống xét nghiệm được đầu tư đáp ứng yêu cầu xét nghiệm các loại bệnh dịch bằng các kỹ thuật cao như: kỹ thuật PCR, Realtime PCR, giải trình tự gen chẩn đoán các tuýp Cúm, ho gà, bạch hầu, zika, Mers-CoV, sởi, sốt xuất huyết… giúp chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Cục Y tế dự phòng phối hợp với tỉnh Quảng Ninh triển khai đường dây nóng tự động ghi nhận thông tin dịch bệnh truyền nhiễm và các sự kiện y tế công cộng đầu tiên trên cả nước
Nhờ làm chủ công nghệ thông tin, điện tử hóa báo cáo, ứng dụng phần mềm trong quản lý bệnh truyền nhiễm, ứng dụng công nghệ sinh học phân tử trong xét nghiệm… đã giúp cho công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh ta được giám sát chặt chẽ, phát hiện, xử trí và ngăn chặn kịp thời. Đây chính là thành quả được vun đắp, chuyển giao qua các thế hệ của những người “chiến sĩ áo trắng” chống dịch. Ở mọi thời kỳ, trong mọi hoàn cảnh những người “chiến sĩ” ấy không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết, lòng nhiệt huyết với nghề, sáng tạo trong công việc, nghiên cứu làm chủ khoa học kỹ thuật, cần mẫn làm việc không quản ngày, đêm, vượt qua mọi thách thức, khó khăn để hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
(Nguồn: Hải Ninh)