Ngày 8/3, bệnh nhân nhiễm HIV chính thức nhận thuốc ARV từ nguồn Bảo hiểm Y tế

Cập nhật: 8/3/2019 | 11:37:25 AM

Hôm nay (8/3) 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đồng loạt tổ chức sự kiện “Những bệnh nhân đầu tiên nhận thuốc ARV từ nguồn Bảo hiểm Y tế”. Sự kiện nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của Bảo hiểm Y tế (BHYT) trong việc điều trị HIV/AIDS; đồng thời, vận động sự ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể trong việc đảm bảo cung ứng thuốc ARV từ nguồn BHYT.

Ths.Bs Lê Thị Hoa - PGĐ Trung tâm kiểm soát bệnh tật QN phát biểu tại sự kiện
Hiện cả nước trên 115 nghìn người nhiễm HIV đang được điều trị ARV. Hơn 10 năm qua, chi phí điều trị thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV là từ nguồn tài trợ quốc tế và các nguồn tài trợ đã kết thúc vào năm 2018. Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo chi trả thuốc ARV qua Quỹ Bảo hiểm Y tế để tiếp tục giảm gánh nặng cho người bệnh và góp phần đảm bảo tính bền vững cho công tác phòng chống HIV/AIDS. Đến nay, trên cả nước có188 cơ sở y tế đã sẵn sàng chi trả khám và điều trị HIV/AIDS bao gồm cả thuốc ARV qua nguồn quỹ BHYT. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã chọn 4 địa phương là Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An và TP Hồ Chí Minh để tổ chức sự kiện cấp quốc gia “Những bệnh nhân đầu tiên nhận điều trị ARV từ nguồn Bảo hiểm Y tế”. 
Bác sỹ Vũ Văn Hiền - Phó khoa Phòng chống HIV AIDS Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tư vấn quyền lợi khi tham gia BHYT cho người nhiễm HIV
Tại Quảng Ninh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật phối hợp với Bệnh viện đa khoa tỉnh tổ chức sự kiện “Những bệnh nhân đầu tiên nhận điều trị ARV từ nguồn Bảo hiểm Y tế” tại Phòng khám ngoại trú (người lớn) của Bệnh viện đa khoa tỉnh trong sáng ngày 8/3. Trước đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật đã cử cán bộ xuống rà soát danh sách bệnh nhân điều trị ARV, bệnh nhân tham gia BHYT, ghi chép sổ sách báo cáo hồ sơ bệnh án, thực hiện chăm sóc điều trị HIV/AIDS theo Quyết định số 5418/QĐ-BYT ngày 1/12/2017 của Bộ Y tế tại các cơ sở. Trong 03 ngày tới từ 11-13/3, Trung tâm sẽ tiếp tục công tác rà soát và triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại các Trung tâm Y tế huyện/thị xã: Hoành Bồ, Quảng Yên, Đông Triều.
Ths.Bs Lê Thị Hoa – Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh cho biết: Tính đến ngày 31/12/2018 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 4.889 bệnh nhân HIV đang được quản lý, điều trị, trong đó có 4.375 bệnh nhân có thẻ BHYT, chiếm tỷ lệ 89%; 12/12 phòng khám ngoại trú thực hiện khám chữa bệnh BHYT. Đối với người nhiễm HIV/AIDS, nguy cơ ốm đau nhiều hơn người bình thường, phải điều trị bằng thuốc kháng virus ARV liên tục và suốt đời. Khi không còn thuốc miễn phí, quỹ BHYT sẽ thanh toán tiền thuốc ARV cũng như các chi phí khám, điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con (bao gồm cả tiền thuốc và chi phí xét nghiệm) và các dịch vụ kỹ thuật khác thuộc phạm vi chi trả của Quỹ BHYT. Do đó, nếu không tham gia BHYT, người nhiễm HIV sẽ gặp khó khăn về tài chính, bỏ dở điều trị dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Vì vậy, BHYT sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho người nhiễm HIV.
Ngoài ra theo một số điều sửa đổi của luật BHYT ban hành ngày 13/6/2014 thì từ ngày 01/01/2016 người nhiễm HIV không bị giới hạn nơi khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế tại tuyến huyện, xã. Điều này, đồng nghĩa với việc mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT tuyến xã và huyện trên cùng một địa bàn tỉnh. Như vậy, sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT nói chung và người nhiễm HIV nói riêng khi tiếp cận các dịch vụ y tế và dịch vụ điều trị HIV/AIDS. 
Ths. Bs Đặng Thị Thúy - Phó giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh  cấp thuốc ARV nguồn BHYT cho các bệnh nhân đầu tiên tại Quảng Ninh
Anh N.Đ.H một bệnh nhân HIV đang điều trị ARV tại Phòng khám ngoại trú – Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Khi biết ARV từ nguồn tài trợ quốc tế không còn, tôi cảm thấy rất lo lắng. Tuy nhiên, sau khi được các bác sĩ tư vấn nếu tham gia BHYT tôi vẫn được dùng ARV miễn phí, tôi cảm thấy như trút được gánh nặng. Nhờ có BHYT mà tôi vẫn được nhận thuốc định kỳ; ngoài ra tôi còn được khám, điều trị các bệnh khác như những người không nhiễm HIV. Hiện nay sức khỏe của tôi đã ổn định dần, tôi có thể tham gia lao động, sinh hoạt như một người bình thường”.

ARV – góp phần mang lại sức khỏe, giảm tử vong, nâng cao tuổi thọ cho người nhiễm HIV. Điều trị ARV cũng giúp giảm lây truyền HIV do khi điều trị bằng thuốc ARV số lượng vi rút HIV trong máu của người nhiễm HIV giảm xuống mức thấp. Khoa học đã chứng minh khi tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện tức dưới 200 bản sao/ml máu sẽ không có lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV nếu được điều trị ARV sớm thì có đến 98% trẻ em sinh ra không bị nhiễm HIV. Điều trị ARV sớm còn đem lại lợi ích kinh tế cho bệnh nhân và xã hội,…


(Nguồn: Ngọc Phượng - Thái Hoàn)

In bản tin