Phòng bệnh sởi khi giao mùa
Cập nhật: 6/3/2020 | 10:10:59 AM
Mùa đông xuân là thời điểm thuận lợi cho các dịch bệnh lây qua đường hô hấp như cúm, quai bị, rubella, đặc biệt là sởi bùng phát. Sởi là bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện kịp thời sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm về hô hấp, tiêu hóa, nghiêm trọng hơn có thể gây viêm não,...Để nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh cũng như cách phòng bệnh sởi khi giao mùa, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Bác sĩ Lương Xuân Kiên, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh.
PV: Xin chào Bác sĩ. Xin Bác sĩ cho biết bệnh sởi là bệnh gì?
Bs Lương Xuân Kiên: Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện do vi rút có trong các giọt nước bọt bắn ra ngoài môi trường. Bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch.
Tỷ lệ mắc bệnh 100% ở người chưa có miễn dịch nếu bị nhiễm bệnh. Lây truyền mạnh trong những tập thể chưa có miễn dịch như nhà trẻ, mẫu giáo,… Hay gặp ở trẻ nhỏ 1 - 4 tuổi. Trẻ dưới 6 tháng ít mắc vì có miễn dịch từ sữa mẹ. Người lớn rất ít mắc bệnh vì đã bị mắc từ nhỏ. Người lớn nếu mắc bệnh thường là những người từ nhỏ chưa tiếp xúc với vi rút sởi.
PV: Xin bác sĩ cho biết các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi?
Bs Lương Xuân Kiên: Khoảng 10 - 12 ngày sau khi tiếp xúc với vi rút sởi, bệnh thường bắt đầu với một cơn sốt khá nhẹ, kèm theo những triệu chứng như ho, chảy mũi, mắt đỏ và đau rát họng nhẹ. Khoảng 2 - 3 ngày sau, xuất hiện hạt Koplik nổi lên là những nốt nhỏ với trung tâm màu trắng xuất hiện bên trong miệng nơi gò má, đốm này là dấu hiệu đặc biệt của bệnh sởi. Sau đó, bệnh nhân có thể bị sốt cao lên tới 39 - 40oC. Cùng lúc đó, những chấm đỏ nổi lên, đầu tiên xuất hiện ở trên mặt, theo đường tóc và sau tai. Những nốt đỏ hơi ngứa có thể dần lan xuống ngực, lưng và cuối cùng xuống tới đùi và bàn chân. Bệnh sởi thông thường là lành tính. Ở thể nhẹ thì khoảng một tuần sau, những chấm đỏ này sẽ nhạt dần, chấm nào xuất hiện trước sẽ hết trước, để lại trên da dấu hiệu vằn da hổ. Tuy nhiên, cần thận trọng với thể sởi có biến chứng nặng có thể gây tử vong.
Khám bệnh cho bệnh nhi nghi bị mắc sởi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh
PV: Đối với trẻ mắc bệnh sởi cần được chăm sóc như thế nào, thưa bác sĩ?
Bs Lương Xuân Kiên: Hiện tại không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh sởi. Có thể phòng tránh một số biến chứng nghiêm trọng của bệnh sởi bằng cách chăm sóc tốt, đảm bảo đủ dinh dưỡng, uống đủ nước, bù nước và điện giải, hạ sốt khi bệnh nhân sốt cao, sử dụng các thuốc giảm ho thông thường. Tất cả trẻ được chẩn đoán bị sởi được uống bổ sung 2 liều vitamin A theo lưới tuổi, cách nhau 24 giờ. Việc làm này nhằm dự phòng tổn thương mắt.
Chăm sóc trẻ mắc sởi tại nhà: Khi phát hiện có trẻ mắc sởi dạng nhẹ có thể điều trị và chăm sóc tại nhà. Điều quan trọng là cần chú ý thực hiện việc cách ly trẻ bệnh với các trẻ khỏe mạnh. Người chăm sóc trẻ bệnh phải rửa tay sạch sẽ trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bệnh rồi mới được chăm sóc trẻ khỏe mạnh. Do bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao nên việc phòng ngừa bệnh, tránh tình trạng lây lan trong cộng đồng là điều cần lưu ý. Mọi người cần giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh, giữ gìn nơi ở thông thoáng, sạch sẽ. Nâng cao sức đề kháng cho trẻ nhỏ bằng chế độ ăn với đầy đủ dưỡng chất cần thiết, đồng thời tăng cường lượng nước uống giàu vitamin nhất là vitamin A. Tránh quan niệm cho bệnh nhân kiêng tắm, kiêng gió sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng hơn. Việc điều trị bằng thuốc cho trẻ tuyệt đối phải tuân theo chỉ dẫn của thầy thuốc trong từng trường hợp cụ thể để tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra. Giữ trẻ ở nhà nghỉ ngơi cho đến khi trẻ khỏe hẳn và trẻ có thể tới trường.
PV: Để chủ động phòng, chống bệnh sởi khi giao mùa, bác sĩ có những khuyến cáo gì?
Bs Lương Xuân Kiên: Tiêm vắc xin phòng sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ hai mũi theo khuyến cáo của Bộ Y tế: Mũi 1 lúc trẻ 9 tháng tuổi và mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi. Bên cạnh đó, cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin A; Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thường xuyên vệ sinh đường miệng, mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân như sống cùng nhà, người chăm sóc bệnh nhân,…; Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân, đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng; Lau sàn nhà, tay nắm cửa, lan can cầu thang, mặt bàn, ghế,… bằng xà phòng, hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch từ 1-2 lần/ngày...
Mọi người trong cộng đồng đều phải thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh sởi. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt trong những phòng chật hẹp, thiếu không khí trong khu vực ổ dịch. Khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời.
PV: Xin cảm ơn Bác sĩ vì những chia sẻ rất hữu ích!
(Nguồn: Thanh Nga)