Chuyển trạng thái chống dịch

Cập nhật: 12/3/2020 | 10:15:53 AM

Xuất hiện ở 103 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, với 114.187 người mắc, 4.019 người tử vong (tính đến 15h00’, ngày 10/3), cho thấy dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại, diễn biến rất phức tạp.

Với 33 trường hợp nhiễm ở 11 tỉnh, thành phố, trong đó có 2 địa phương có dân số lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam đã chính thức chuyển trạng thái chống “giặc” Covid-19 sang một giai đoạn mới, sẵn sàng một tâm thế mới khi dịch đã hiện hữu, đòi hỏi sự huy động sức mạnh hơn nữa của cả hệ thống chính trị, cùng toàn dân trong trận chiến còn nhiều cam go này.

Covid-19 đã lây lan ra hơn trăm quốc gia, điều này đồng nghĩa với việc nguồn xâm nhiễm vào nội địa cũng nhiều, đa dạng hơn. Giờ đây tinh thần cảnh giác cao độ, chủ động phòng, không lơ là, chủ quan của các cấp, ngành, địa phương và toàn thể nhân dân phải tăng lên gấp nhiều lần. Mỗi chúng ta, mỗi gia đình phải luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ứng phó với kịch bản "trong đánh ra, ngoài đánh vào".

Cán bộ y tế phường Hồng Hải (TP Hạ Long) tới khám sức khỏe tại nhà cho người dân.
Cán bộ y tế phường Hồng Hải (TP Hạ Long) khám sàng lọc y tế tại nhà cho người dân.

Nhấn mạnh việc phòng, chống dịch trong giai đoạn mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tất cả địa phương trong cả nước thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ, kiểm soát tốt hơn nữa nguồn lây từ ổ dịch trong nước và đặc biệt là nguồn lây từ nước ngoài. Tinh thần là phải hiểu rõ, hiểu đúng, hành động đúng, bình tĩnh nhưng không được lơ là, chủ quan, không để dịch bệnh lây lan, thiếu kiểm soát. Cùng với đó, lực lượng hải quan, biên phòng, an ninh cửa khẩu, sân bay phải kiểm soát nguồn nhập cảnh kỹ hơn, không để lọt những người nhiễm bệnh hay nguy cơ nhiễm bệnh cao vào nội địa.

Thủ tướng cũng lưu ý việc nhận diện, khoanh vùng, cách ly, chữa bệnh, bảo đảm vững tâm lý, hành động hợp lý, đúng mức là nhiệm vụ ưu tiên số 1 hiện nay; phản ứng nhanh, hiệu quả là phương châm hành động.

Dịch bệnh chắc chắn còn diễn biến phức tạp, vì vậy, tất cả nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức công dân, có những biện pháp phù hợp, tự bảo vệ mình, gia đình mình, tránh tụ tập đông người, hạn chế hội họp, giao lưu không cần thiết. Điều quan trọng nhất lúc này là phải bình tĩnh nhưng không được chủ quan, bởi tâm lý lo sợ còn nguy hiểm hơn là bệnh dịch.

Đối với Quảng Ninh, để chủ động, quyết liệt hơn nữa trong chống dịch ở giai đoạn mới, hiện tại tỉnh đang triển khai khai báo y tế, khám sức khỏe ban đầu, sàng lọc lập hồ sơ, qua đó kịp thời phát hiện những trường hợp nghi vấn, quản lý di biến động, theo dõi chặt chẽ sức khỏe người dân. Đồng thời kết hợp thông tin, tuyên truyền về các phương pháp phòng, chủ động cách ly khi cần thiết và đặc biệt là tạo tâm lý bình tĩnh, tránh sự hoang mang không đáng có. 

Cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 đã bước sang một giai đoạn mới. Việt Nam đã xây dựng, chuẩn bị tốt cho tình huống này và những kịch bản tiếp theo. Như Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Việt Nam đủ năng lực, đủ nguồn lực, tinh thần, kinh nghiệm để kiểm soát dịch bệnh và không bị động, bất ngờ trên mặt trận bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Việt Nam luôn nắm rõ mọi tình hình, vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, có phương án, kịch bản, chủ động phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, bộ, ngành liên quan để hành động kịp thời. Đất nước có thể sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe của nhân dân”.

Và để chung tay, chung sức, đồng lòng cùng đất nước khống chế, đẩy lùi dịch bệnh thì rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực của toàn thể nhân dân trong việc chủ động khai báo y tế, nâng cao kiến thức, ý thức bảo vệ bản thân, gia đình, cộng đồng và trách nhiệm công dân đối với việc phòng, chống dịch Covid-19, mà hiện tại là chủ động phối hợp khám sàng lọc y tế, khai báo sức khỏe toàn dân một cách chính xác nhất.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin