Xử lý nước máy đạt chất lượng “sạch” tại nhà

Cập nhật: 19/3/2020 | 6:54:20 PM

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho các hộ gia đình là nước máy. Dù là nguồn nước đã được xử lý trước khi đến với hộ dân, nhưng nhiều người vẫn còn e ngại cũng như không hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng nước mình sử dụng.

Nước máy hay nước vòi là những loại nước đã qua xử lý thông qua một hệ thống lọc nước với các phương pháp công nghiệp. Loại nước này sau khi qua xử lí tại các nhà máy lọc nước sẽ được đưa vào các đường ống dẫn nước đến nơi tiêu thụ, thông thường điểm cuối cùng của nước máy là các vòi nước tại nhà dân. Do đó đối với nhiều cư dân đô thị và một số vùng nông thôn, đây được coi là nguồn nước sạch đáng tin cậy bởi đã được xử lý theo quy trình và có kiểm định của cơ quan chức năng trước khi đến với người sử dụng.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 25 nhà máy xử lý nước mặt và 20 giếng khoan với tổng lượng khai thác 240.050m3/ngày đêm đang vận hành cung cấp nước cho người dân. Tổng số khách hàng 235.343 hộ với tổng công suất cấp nước trong tháng 10/2019 là 48.183.657m3 (trong đó: tỷ lệ nước sạch cấp cho sinh hoạt là 59%; tỷ lệ nước sạch cấp cho công tác sản xuất công nghiệp chiếm 14,6%; tỷ lệ nước sạch cấp cho công tác kinh doanh dịch vụ, du lịch, tàu nước, xây dựng, sự nghiệp chiếm 14,6%; tỷ lệ thất thoát nước sạch là: 13,5%; Tiêu chuẩn cấp nước bình quân đầu người đạt: 165lít/người. ngày đêm). Trong năm 2019 Trung tâm kiểm soát bệnh tỉnh đã tiến hành lấy, kiểm tra, xét nghiệm 438 mẫu nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại các đơn vị. Trong đó 392 mẫu đạt quy chuẩn cho phép, chiếm tỷ lệ 89,5%.
Tuy nhiên tùy vào sự phát triển của mỗi quốc gia trên thế giới mà chất lượng “sạch” của nước cũng khác nhau. Ở một số nước phát triển, nhờ phương pháp xử lí nước hiện đại nên nước máy tạo ra khá sạch, thậm chí tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc…người dân có thể uống trực tiếp tại vòi nước công cộng. Ở Việt Nam, do hệ thống xử lý nước còn nhiều hạn chế cộng thêm những yếu tố tác động bên ngoài như: đường ống rỉ sét, hoạt động của các nhà máy…nên nước máy chỉ dừng ở mức tương đối sạch. Thông thường trong nước máy sẽ chứa nhiều Clo, Sulphur, cặn thô (các loại cặn, gỉ sét tích tụ), chì, kim loại nặng (Magie, Canxi, Sắt,…) cùng các loại ký sinh trùng khác. Những chất này có thể được hình thành trong quá trình nước được vận chuyển từ nơi xử lý đến hộ dân do đường ống bị rò rỉ hoặc không được vệ sinh đúng cách. Do đó, đa số người dân Việt Nam thường không uống nước trực tiếp từ vòi mà chưa qua xử lý (lọc, đun sôi…).

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu, kiểm tra chất lượng nước tại hộ dân phường Mạo Khê - Đông Triều

Nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi: Vậy làm thế nào xử lý nước máy đạt chất lượng “sạch” để sử dụng hàng ngày? Theo kỹ sư Nguyễn Văn Tú, Khoa Sức khỏe Môi trường – Y tế trường học thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh cho biết hiện nay có rất nhiều phương pháp để xử lý nước như: lắp đặt bể lắng lọc nước đơn giản kết hợp với giàn mưa thích hợp dùng cho các hộ gia đình ở nông thôn hoặc thường xuyên sử dụng nước ngầm, nước giếng khoan, đào; sử dụng bộ lọc nước nano; phương pháp hấp thụ cacbon; khử độc tố bằng vi khuẩn; làm mềm nước...Tuy nhiên, những phương pháp này đều khá tốn kém và không phải hộ gia đình nào cũng có thể thực hiện được. Do đó việc khử trùng nước bằng hóa chất (Cloramin B) trở nên phổ biến và thông dụng hơn. Không chỉ khử trùng được khối lượng lớn nước sinh hoạt mà chất lượng nước sau khi khử trùng có thể đảm bảo trên 95% độ “sạch”. Với 3g bột Cloramin B 25% có thể khử trùng 1m3 và sau 30 phút nước có thể sử dụng được. Theo kỹ sư, nước đã được khử trùng có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt, tuy nhiên nước này vẫn phải đun sôi rồi mới uống trực tiếp được. Người dân không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn vì dễ làm mất tác dụng khử trùng của Clo. Sau khử trùng nếu ngửi thấy mùi Clo thì mới có tác dụng, nếu lỡ cho quá nhiều Clo người dân có thể mở nắp (bình, bể) chờ thêm nửa giờ hoặc một giờ nữa cho bớt mùi nồng.
Ngoài ra nước đun sôi cũng là một trong những phương pháp làm sạch nước khá phổ biến trong đời sống. Theo quan niệm “ăn chín uống sôi” từ xa xưa, việc đun sôi nước có khả năng tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh đơn giản và hiệu quả nhất. Nhưng việc này cũng cần một số lưu ý nhất định: Chỉ đun sôi lượng nước đủ dùng cho 24 giờ, tối đa là 36 giờ. Tuyệt đối không tích trữ nước lâu vì lượng oxy trong nước sẽ dần mất đi, chất hữu cơ bị phân hủy, chất vô cơ đọng lại gây hại cho cơ thể. Nước càng để lâu vi khuẩn phát triển càng nhiều. Bảo quản nguồn nước sau khi đun sôi phải để trong bình đựng để nguội và phải có nắp đậy tránh việc tiếp xúc với côn trùng. Cách này chỉ xử lý được vi khuẩn chứ không loại bỏ được hóa chất có trong nước.
Đối với những hộ gia đình sử dụng nguồn nước máy (tức nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo quy định tại Thông tư 41/2018/TT-BYT) đạt quy chuẩn cho phép của Bộ Y tế thì không nhất thiết phải sử dụng máy lọc nước. Tuy nhiên, đối với những hộ dân còn lo ngại về mức độ “sạch” của chất lượng nước thì sử dụng máy lọc nước là một giải pháp cơ bản tốt. Hiện nay trên thị trường máy lọc nước được chia thành hai loại chính: Máy lọc nước RO và máy lọc nước Nano. Nói về ưu điểm của hai loại máy trên, kỹ sư Tú cho biết:  Máy lọc nước RO sử dụng công nghệ lọc RO với màng thẩm thấu ngược có kích thước các khe hở cực nhỏ chỉ khoảng 0.1 - 0.5 nanomet, cho phép các phân tử nước đi qua, chặn lại hết các loại vi khuẩn, cặn bẩn, tạp chất, tạp chất kim loại, hóa học độc hại, cho ra nguồn nước vô cùng tinh khiết, có thể dùng cho mọi loại nước. Còn đối với máy lọc công nghệ Nano sau khi lọc tạp chất, hóa chất độc hại, vi khuẩn vẫn giữ lại được các khoáng chất cần thiết cho cơ thể, thích hợp dùng cho nước máy. Tùy thuộc vào mục đích sử dụng, điều kiện kinh tế...người dân có thể lựa chọn cho mình phương pháp hữu hiệu nhất trong việc xử lý nước máy nếu vẫn còn lo ngại về chất lượng “sạch” của nước tại gia đình mình.
 

(Nguồn: Thanh Nga)

In bản tin