Ngành Y tế Quảng Ninh đẩy mạnh hợp tác Quốc tế trong công tác phòng chống lao

Cập nhật: 24/3/2020 | 7:33:57 AM

Trong những năm qua, công tác phòng chống Lao trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả tích cực. Số bệnh nhân lao các thể được phát hiện và thu nhận giảm hàng năm. Tuy nhiên, tình hình dịch tễ bệnh lao tại Quảng Ninh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, ngành Y tế Quảng Ninh luôn đẩy mạnh hợp tác quốc tế để công tác phòng chống lao đạt hiệu quả.

Diễu hành tuyên truyền phòng chống bệnh lao hưởng ứng ngày thế giới phòng chống lao 24.3

Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, công tác y tế của Quảng Ninh đã có nhiều bước chuyển biến mang tính đột phá, trong đó có công tác phòng chống lao. Chương trình hợp tác phòng chống lao giữa Bệnh viện Vạn Phương, Đại học Y Đài Bắc và CDC Đài Loan với ngành Y tế Quảng Ninh chính thức bắt đầu từ năm 2018; sau 02 năm thực hiện đã đạt được kết quả đáng khích lệ về cả ba lĩnh vực: Lâm sàng, xét nghiệm, điều trị và quản lý bệnh nhân lao tại cộng đồng, thực hiện tốt các quy trình hướng tới chuẩn ISO. Đặc biệt, việc ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Bệnh viện Vạn Phương, thuộc Đại học Y Đài Bắc và Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh ngày 04/10/2018 đã đánh dấu bước phát triển mới trong hợp tác nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh. 
Nhờ có sự hợp tác Quốc tế trong chương trình chống lao mà trong 2 năm qua, công tác quản lý lao tại cộng đồng đã được kiểm soát hiệu quả. Các chuyên gia của Đài Loan trực tiếp phối hợp với Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh và Chương trình chống lao tỉnh triển khai các hoạt động quản lý bệnh nhân lao kháng thuốc và giám sát trực tiếp bệnh nhân uống thuốc lao thông qua môi trường mạng eDOTS. eDOTS có ưu điểm là chủ động được lịch hẹn, tư vấn, động viên người bệnh kịp thời; bảo đảm quyền riêng tư cá nhân, không sợ bị kỳ thị của cộng đồng. Nhờ đó mà tỷ lệ bệnh nhân bỏ trị giảm đáng kể. Ông Nguyễn Văn Khích, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Việc triển khai giám sát trực tiếp bệnh nhân lao uống thông qua môi trường mạng tôi thấy rất thuận tiện cho bác sĩ cũng như các bệnh nhân như chúng tôi. Nhờ có chương trình eDOTS mà hàng ngày được các bác sĩ gọi điện thoại nhắc nhở uống thuốc và hỏi thăm sức khỏe nên tôi rất yên tâm”. 
Bên cạnh việc quản lý lao tại công đồng đạt hiệu quả, chất lượng khám chữa, bệnh cũng được nâng cao nhờ sự trao đổi hợp tác thông qua hội chẩn trực tuyến để đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị phù hợp cho các ca bệnh lao khó, lao kháng thuốc,…

Chương trình hợp tác phòng chống lao giữa ngành Y tế Quảng Ninh với Bệnh viện Vạn Phương, Đại học Y Đài Bắc và CDC Đài Loan.

Ngoài ra, trong lĩnh vực xét nghiệm hai bên đã phối hợp với nhau xây dựng quy trình chuẩn trong hoạt động quản lý chất lượng xét nghiệm hướng tới ISO15189. Đoàn chuyên gia của Đài Loan đã đưa ra các khuyến nghị và tư vấn thiết kế xây dựng hệ thống an toàn sinh học tại khoa Xét nghiệm của Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh để đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và hướng đến chuẩn Quốc tế.  Bác sĩ CKI Vũ Văn Thông, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh cho biết: “Năm 2020 và những năm tiếp theo, phía Đài Loan sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng về phòng chống lao của Quảng Ninh; hỗ trợ,  tư vấn xây dựng các quy trình chuẩn trong thực hiện kỹ thuật xét nghiệm; triển khai kỹ thuật nuôi cấy, làm kháng sinh đồ lao hàng I trên môi trường lỏng và xây dựng phòng xét nghiệm áp lực âm; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện các quy trình giám sát eDOTS cho bệnh nhân lao tại cộng đồng phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, nâng cao tỷ lệ người tiếp xúc được tư vấn, khám sàng lọc lao; duy trì hội chẩn các ca bệnh khó, lao kháng thuốc để nâng cao năng lực trong chẩn đoán”.
Để tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, ngành y tế đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm phát triển kỹ thuật và vận động hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong công tác phòng, chống lao.
 

(Nguồn: Minh Khương)

In bản tin