Chủ động phòng chống tiến tới loại trừ bệnh sốt rét

Cập nhật: 25/4/2020 | 10:19:48 PM

Sốt rét là một căn bệnh gây ra bởi ký sinh trùng được truyền sang người thông qua các vết đốt của muỗi Anopheles. Việt Nam đã có thành công lớn trong phòng chống sốt rét và hiện đã sẵn sàng để thực hiện từ chiến lược phòng chống sốt rét sang loại trừ sốt rét.

Trong năm 2019 đã có 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí loại trừ sốt rét trên quy mô toàn tỉnh, thành phố, trong đó có Quảng Ninh. Nhằm tiếp tục duy trì thành quả loại trừ sốt rét, ngăn chặn sốt rét quay trở lại thì việc chủ động phòng chống sốt rét đóng một vai trò hết sức quan trọng. Để giúp người dân có thêm thông tin về bệnh sốt rét, cũng như là các biện pháp phòng ngừa, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Đỗ Phương Anh, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh về vấn đề này.
PV: Xin chào bác sĩ, xin bác sĩ cho biết bệnh sốt rét là gì?
BS Đỗ Phương Anh: Bệnh sốt rét là bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Plasmodium gây nên. Bệnh lây theo đường máu, chủ yếu là do muỗi Anopheles truyền. Ở Việt Nam bệnh lây truyền quanh năm nhưng thường có 1 đến 2 đỉnh mùa truyền bệnh.
Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh, tuy nhiên bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu và có thể phòng chống được. 
Sốt rét vẫn đang là gánh nặng bệnh tật của các quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới khu vực sa mạc Sahara, châu Phi và Đông Nam Á và cũng là một trong những căn bệnh gây tử vong đáng kể. Ở nước ta hiện nay, bệnh lưu hành chủ yếu ở miền Trung Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.

Vòng đời của ký sinh trùng sốt rét

PV: Vậy khi bị mắc sốt rét bệnh nhân sẽ có những triệu chứng như thế nào, thưa bác sĩ?
BS Đỗ Phương Anh: Trong thời gian ủ bệnh sốt rét, người bệnh vẫn sinh hoạt, ăn uống, đi lại bình thường, hoàn toàn không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Chuyến sang thời kỳ phát bệnh, người bệnh có những cơn sốt rét điển hình với ba triệu chứng: rét run, sốt, vã mồ hôi.
Đối với trường hợp sốt rét lâm sàng phải có đủ 4 tiêu chuẩn:
1. Sốt: Có triệu chứng điển hình của cơn sốt rét: rét run, sốt và vã mồ hôi. Hoặc có triệu chứng không điển hình của cơn sốt rét: sốt không thành cơn (người bệnh thấy ớn lạnh, gai rét) hoặc sốt cao liên tục, sốt dao động; hay là có sốt trong 3 ngày gần đây.
2. Không tìm thấy các nguyên nhân gây sốt khác.
3. Đang ở hoặc đã đến vùng sốt rét lưu hành trong thời gian ít nhất 14 ngày hoặc có tiền sử mắc sốt rét trong vòng 2 năm gần đây.
4. Có đáp ứng với thuốc điều trị sốt rét.
PV: Bệnh sốt rét có bao nhiêu thể bệnh và có thể gây ra các biến chứng gì, thưa bác sĩ?
BS Đỗ Phương Anh: Bệnh Sốt rét có các thể lâm sàng như: Sốt rét chưa biến chứng (Sốt rét thường); sốt rét biến chứng/ác tính.
- Sốt rét chưa biến chứng (sốt rét thường): Là trường hợp bệnh sốt rét mà không có dấu hiệu đe dọa tính mạng người bệnh. Chẩn đoán dựa vào 3 yếu tố: dịch tễ, triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm.
+ Dịch tễ: đang ở hoặc đã đến vùng sốt rét lưu hành hoặc có tiền sử sốt rét gần đây.
+ Triệu chứng lâm sàng: Bệnh nhân có thể có cơn sốt rét điển hình hoặc không điển hình. Những dấu hiệu khác: thiếu máu, lách to, gan to...
+ Xét nghiệm: phát hiện có ký sinh trùng sốt rét trong máu.
- Sốt rét biến chứng/ác tính: Trường hợp sốt rét ác tính: người mắc bệnh sốt rét sẽ xuất hiện biến chứng đe dọa tới tính mạng. Dấu hiệu nổi bật là rối loạn ý thức, sốt cao liên tục trong nhiều ngày, đau đầu dữ dội, tiêu chảy nhiều hoặc nôn.
Các biến chứng thường gặp ở trẻ em: thiếu máu nặng, hôn mê, co giật, hạ đường huyết, suy hô hấp, toan chuyển hóa.
Các biến chứng thường gặp ở phụ nữ có thai: hạ đường huyết, thiếu máu, sảy thai, đẻ non, nhiễm trùng hậu sản sau sảy thai hoặc đẻ non.
PV: Xin bác sĩ có thể chia sẻ các hướng cơ bản trong chăm sóc người bệnh mắc sốt rét? 
BS Đỗ Phương Anh: Việc chăm sóc bệnh nhân sốt rét đóng vai trò rất quan trọng, giúp cho bệnh nhân nhanh khỏi bệnh và hạn chế các biến chứng của bệnh. 
Một số phương pháp chăm sóc cơ bản cho người bệnh mắc sốt rét như sau: Thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể của người bệnh; dùng thuốc hạ sốt và các thuốc khác cho bệnh nhân theo chỉ dẫn của bác sĩ; cho bệnh nhân ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng; duy trì lượng nước, tránh để người bệnh mất nước; mặc quần áo thoáng mát; thông gió trong phòng, đảm bảo đủ không khí lưu thông; đặt bệnh nhân nằm nghiêng; không khuyến khích bệnh nhân thực hiện các hoạt động gắng sức; vệ sinh răng miệng, cơ thể, giường và gối cho bệnh nhân thường xuyên; tránh để muỗi tiếp tục đốt người bệnh.

Thường xuyên khơi thông cống rãnh loại bỏ bọ gậy phòng chống sốt rét

PV: Để phòng tránh sốt rét, bác sĩ có khuyến cáo gì cho cộng đồng?
BS Đỗ Phương Anh: Quảng Ninh là một tỉnh có du lịch phát triển, vì vậy có nguy cơ cao du nhập bệnh nhân sốt rét ngoại lai. Để tiếp tục duy trì thành quả loại trừ Sốt rét, ngăn chặn bệnh sốt rét quay trở lại, người dân cần tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất thông qua nhiều phương pháp khác nhau như diệt muỗi bằng hóa chất hoặc ngăn sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh: ngủ màn, mặc quần áo dài tay có thể sử dụng hương xua muỗi, dùng vợt, lồng bắt muỗi, thoa kem chống muỗi.
- Vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, loại bỏ những nơi trú ẩn của muỗi như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo phải được xếp gọn gàng không nên treo hay móc quần áo trên tường làm chỗ cho muỗi đậu...
- Người đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo màn để ngủ.
- Người đi làm vùng rừng núi hoặc người đến vùng có dịch (công tác, du lịch…) trở về địa phương nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, nếu có bị sốt rét sẽ được điều trị kịp thời.
Lưu ý: Người mắc bệnh sốt rét cần cách ly và điều trị đúng phác đồ dưới hướng dẫn của cán bộ Y tế. Tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà và sử dụng thuốc điều trị bệnh sốt rét cho các mục đích khác.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ thông tin hữu ích!
 

(Nguồn: Ngọc Phượng)

In bản tin