Phòng và điều trị bệnh rám má trong mùa hè

Cập nhật: 26/5/2020 | 7:49:11 AM

Bệnh rám má tuy lành tính nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và thẩm mỹ của người bệnh. Đặc biệt, dưới ánh nắng gay gắt của mùa hè thì bệnh sẽ trở lên trầm trọng hơn. Bởi vậy, không ít người tìm cách chữa rám má và đã có nhiều trường hợp tự ý điều trị không đúng cách dẫn đến tổn thương nặng nề cho da và sức khỏe của mình.

Rám má là bệnh tăng sắc tố, tổn thương cơ bản là các dát hoặc các mảng màu nâu, nâu đen đối xứng ở vùng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Vị trí thường gặp là hai má, môi trên, cằm và trán. Về nguyên nhân gây bệnh rám má, bác sĩ Đoàn Thị Hồng Nhung – Khoa Da liễu & Phòng chống mù lòa của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Bệnh rám má có cả ở hai giới nhưng phụ nữ thường gặp nhiều hơn. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh rám má:

Các mảng tăng sắc tố màu nâu ảnh hưởng đến tâm lý và thẩm mỹ của người bệnh

Yếu tố gen: Thường gặp ở phụ nữ; người da trắng có tỉ lệ bị rám má cao hơn;  30% bệnh nhân có tiền sử gia đình bị rám má.
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời:  Sự tiếp xúc với ánh nắng mặt trời  làm giải phóng các gốc tự do, các chất này kích thích tế bào sắc tố tăng sản xuất Melanin, gây rám má.
Hormon: Phụ nữ có thai, dùng thuốc tránh thai…làm tăng Estrogen, progesterone kích thích tế bào sắc tố phát triển.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác: Do nghề nghiệp phải tiếp xúc với hóa chất, do dùng thuốc điều trị một số bệnh như điều trị ung thư, điều trị bệnh lao”
Vào mùa hè, ánh nắng chói chang chứa rất nhiều tia cực tím ( UVA, UVB) hoạt động rất mạnh gây những tác hại lên da như: Bỏng nắng, sạm da, rối loạn sắc tố da, lão hóa da và nặng nhất là ung thư da. Cho nên những người đã bị rám má thì sẽ trở lên trầm trọng hơn nếu da không được bảo vệ.
Cùng với sự phát triển của khoa học hiện đại, hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị rám má, bác sĩ Đoàn Thị Hồng Nhung cho biết: “Điều trị rám má chủ yếu là điều trị nội khoa: Tại chỗ và toàn thân.
Điều trị tại chỗ: Nếu nhẹ thì sử dụng các sản phẩm bôi như kem hoặc gel có chứa thành phần Hydroquinon, axit azelaic, axit kojic, axit glycolic, axit salicylic và tretinoin kết hợp dùng kem chống nắng chỉ số SPF cao. Trường hợp nặng có thể kết hợp bôi thuốc với sử dụng phương pháp chiếu tia laser hồng ngọc, lột da thẩm mỹ, ứng dụng công nghệ tế bào gốc…
Điều trị toàn thân: Bổ sung các chất chống oxy hóa như vitamin C, Vitamin E, Vitamin PP, L-cystein.”
Hiện nay, mỹ phẩm và các sản phẩm được quảng cáo là trị rám má hiệu quả rất dễ mua trên thị trường. Nhưng nếu bệnh nhân tự ý điều trị mà không được khám và tư vấn của bác sĩ thì hậu quả của việc điều trị không đúng sẽ làm cho tình trạng rám má trở lên nặng nề hơn, khó điều trị và tốn kém về cả thời gian và tiền bạc. 
Bác sĩ Đoàn Thị Hồng Nhung chia sẻ: “Trên thực tế tôi đã gặp rất nhiều trường hợp sử dụng các phương pháp dân gian để điều trị rám má như sử dụng lá trầu không hoặc sử dụng kem trộn có chứa Corticoid, lúc đầu làm bong hết lớp da bên ngoài làm cho da trắng sáng nhưng sau một thời gian ngắn tình trạng rám trở lên nặng nề hơn. Hoặc nhiều trường hợp điều trị tại các cơ sở Spa tự phát không hiểu biết về bệnh cũng làm tình trạng rám má nặng hơn và khó điều trị.”
Rám má có nguyên nhân nội sinh và ngoại sinh. Việc phòng bệnh không thể tuyệt đối nhưng có thể làm hạn chế tình trạng bệnh. Do đó, để tránh bệnh phát sinh cần thực hiện các biện pháp như: Bảo vệ da vùng mặt bằng cách đội mũ rộng vành, đeo kính râm, mặc áo chống nắng; bôi kem chống nắng ngay cả khi trời râm mát, vì trời nhiều mây thì cũng có tới 90% tia cực tím vẫn có thể xuyên qua các đám mây và gây hại cho da; hạn chế sử dụng thuốc tránh thai; điều trị các ổ viêm nhiễm; thường xuyên kiểm tra sức khỏe phát hiện các rối loạn nội tiết trong cơ thể để điều chỉnh kịp thời; sinh hoạt điều độ, không thức khuya, không uống nhiều bia rượu, không hút thuốc lá; cần có chế độ sinh hoạt hợp lý, chế độ ăn uống điều độ, ăn nhiều rau, hoa quả, uống nhiều nước, bổ sung các vitamin và khoáng chất.
 

(Nguồn: Hải Ninh)

In bản tin