Bệnh bạch hầu cần chủ động phòng ngừa
Cập nhật: 25/6/2020 | 6:24:48 PM
Chỉ tính trong tháng 6 năm 2020, tại tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 12 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó có 01 trường hợp tử vong. Mặc dù trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chưa ghi nhận ca bệnh bạch hầu nào, tuy nhiên để giúp cho người dân có thể chủ động phòng chống dịch bệnh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ CKI Trần Thị Diệp, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Giả mạc bạch hầu thường trắng ngà hoặc màu xám dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ chảy máu
PV: Xin chào bác sĩ. Xin bác sĩ cho biết bệnh bạch hầu là gì và các nguyên nhân, triệu chứng chứng của bệnh bạch hầu?
Bác sĩ Trần Thị Diệp: Bạch hầu thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.
Bạch hầu thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây qua đường hô hấp dẫn đến tốc độ lây lan bệnh bạch hầu rất nhanh so với các bệnh lý khác. Tác nhân gây bệnh bạch hầu là vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae. Vi khuẩn bạch hầu có 3 týp là Gravis, Mitis và Intermedius.
Về triệu chứng của bệnh bạch hầu như sau:
- Viêm họng, mũi, thanh quản; họng đỏ, nuốt đau; da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ.
- Khám thấy có giả mạc. Giả mạc bạch hầu thường trắng ngà hoặc màu xám dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ chảy máu.
- Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác và/hoặc viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% - 10%.
PV: Vậy bệnh bạch hầu nếu không được điều trị kịp thời sẽ có biến chứng như thế nào, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Trần Thị Diệp: Tất cả các biến chứng của bệnh bạch hầu kể cả tử vong đều là hậu quả của độc tố. Mức độ trầm trọng của bệnh và biến chứng thường tương quan với mức độ lan tỏa của tổn thương tại chỗ. Độc tố tại vị trí tổn thương ban đầu này được hấp thu vào máu và gây nên biến chứng ở các cơ quan xa. Biến chứng thường gặp nhất trong bệnh bạch hầu là viêm cơ tim, viêm dây thần kinh và có thể dẫn tới tử vong.
Viêm cơ tim: thường biểu hiện bằng các rối loạn nhịp. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tiên lượng thường rất đen tối, tỉ lệ tử vong rất cao.
Viêm dây thần kinh: ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và thường hồi phục hoàn toàn nếu bệnh nhân không tử vong vì biến chứng khác. Liệt màn khẩu cái (màn hầu) thường xuất hiện vào tuần thứ ba của bệnh. Liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ chi và liệt cơ hoành có thể xảy ra vào tuần thứ năm của bệnh. Viêm phổi và suy hô hấp có thể xuất hiện do hậu quả của liệt cơ hoành.
Các biến chứng khác có thể xảy ra như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp do tắc nghẽn đường hô hấp có thể xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là nhũ nhi.
Tử vong: vào khoảng 5 đến 10% có thể tăng cao đến 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi. Tỉ lệ tử vong của bệnh bạch hầu dường như không thay đổi trong 50 năm qua.
PV: Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất hiện ổ dịch bạch hầu ở Đăk Nông. Hiện tại Quảng Ninh có ca mắc bạch hầu không, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Trần Thị Diệp: Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong tháng 6 năm 2020, nước ta ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại xã Đắk Sor, huyện Krông Nô và 8 trường hợp tại xã Quảng Hòa và xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Trong đó, có 1 trường hợp tử vong. Đây là khu vực có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu thấp 48-52%, các trường hợp mắc đều chưa được tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất hiện ổ dịch bạch hầu có thể lý giải như sau:
- Thứ nhất là, bệnh bạch hầu được lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Như vậy khả năng lây truyền của bạch hầu là rất cao, đặc biệt trong những môi trường tập trung đông người và tiếp xúc với khoảng cách gần như trường học, trung tâm bảo trợ, gia đình,…
- Hai là, sau khi tiêm vắc xin, đa số người được tiêm sẽ có miễn dịch. Tuy nhiên, thực tế vẫn có có một tỷ lệ người do khả năng miễn dịch thấp nên chưa đạt được ngưỡng miễn dịch bảo vệ.
- Ba là, với vắc xin bạch hầu thì sau 5 năm sẽ suy giảm khả năng đáp ứng phòng bệnh, nên cần phải tiêm nhắc lại mới có hiệu quả. Còn khi đã mắc bệnh, thì nếu không phát hiện và điều trị theo phác đồ, thì nguy cơ tử vong nhanh chóng cũng rất cao.
Tại Quảng Ninh, hiện tại chưa ghi nhận ca bạch hầu nào. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên chủ quan, mà cần phải có các biện pháp chủ động phòng tránh.
Tiêm chủng cho trẻ đầy đủ, đúng lịch và biện pháp tốt nhất để phòng tránh bệnh bạch hầu
PV: Bác sĩ có khuyến cáo gì cho người dân để phòng bệnh bạch hầu, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Trần Thị Diệp: Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: ComBe Five, SII, Td đầy đủ, đúng lịch trong Chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc các loại vắc xin 4.1, 5.1, 6.1 trong Chương trình tiêm chủng dịch vụ (Adacel, Tetraxim, Pentaxim, Hexaxim, Infanrix Hexa) để tạo miễn dịch cho trẻ.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định, yêu cầu của cơ quan y tế.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ, đã chia sẻ thông tin hữu ích!
(Nguồn: Ngọc Phượng-Minh Khương)