Phòng biến chứng khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Cập nhật: 1/6/2021 | 7:47:01 PM

Bệnh tay chân miệng (TCM) là một hội chứng bệnh ở người do vi rút đường ruột thuộc họ Picornaviridae gây ra. Vi rút gây bệnh TCM phổ biến nhất là Coxackievirus (nhóm A16) và Enterovirus tuýp 71 (EV71). Đặc biệt, các trường hợp có biến chứng nặng thường do EV71. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, nhất là dưới 3 tuổi, lứa tuổi mầm non, mẫu giáo.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm đến ngày 29/5/2021, ghi nhận 23 ca mắc tay chân miệng trên địa bàn tỉnh, trong đó 2 ca dương tính với EV71. 
Khi mắc tay chân miệng, bệnh thường có diễn biến nhẹ. Biểu hiện thường thấy ở trẻ mắc bệnh này là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng lại dễ lây lan từ người sang người do tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh. Và nhiều trường hợp có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu bệnh nhân không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách.

Tự ý điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm


Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Sơn – Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “ Biến chứng nguy hiểm nhất khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng là trẻ có thể suy hô hấp, suy tuần hoàn, viêm não, màng não, viêm não tủy, thậm chí là có thể tử vong. Ngoài ra, những tổn thương tại miệng và trên da nếu không được vệ sinh sạch sẽ có thể bội nhiễm thêm vi khuẩn và gây viêm nhiễm kéo dài cho trẻ”.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng khiến người dân lo ngại, không muốn cho trẻ đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh. Do đó, khi trẻ có biểu hiện mắc bệnh tay chân miệng thay vì đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và tư vấn điều trị thì  nhiều người lại “ kêu cứu” cộng đồng mạng và tự ý mua thuốc về điều trị cho trẻ theo “kinh nghiệm”  được chia sẻ của những người có con từng mắc bệnh tay chân miệng, thậm chí là “ kinh nghiệm điều trị” của những người được “ truyền tai” từ người khác. Chính sự chủ quan này của phụ huynh có thể dẫn đến bệnh trở nên nguy hiểm vì rất có thể nhầm lẫn bệnh tay chân miệng với một số bệnh khác như cảm cúm, thủy đậu…dẫn đến chữa trị sai cách khiến nốt phỏng của bệnh bị bội nhiễm. Một số phụ huynh khi thấy con bị tay chân miệng còn tự ý dùng kháng sinh để trị bệnh mà không biết rằng trường hợp bệnh không bội nhiễm thì thuốc kháng sinh không có tác dụng gì hết. Việc dùng kháng sinh không đúng có thể gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể và làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Sơn – Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết:
“ Khi gia đình nghi ngờ trẻ mắc tay chân miệng thì nên đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và tư vấn. Dựa vào mức độ mắc bệnh của trẻ thì bác sĩ sẽ quyết định cho bệnh nhân điều trị theo dõi tại nhà hay nhập viện. Đối với trường hợp trẻ mắc tay chân miệng độ 1 thì có thể điều trị tại nhà. Nhưng phải tái khám lại 1 đến 2 ngày/lần trong vòng 8 đến 10 ngày đầu của bệnh. Trẻ có sốt thì phải khám mỗi ngày cho đến khi trẻ hết sốt ít nhất là trong 48 giờ. Còn khi trẻ có những dấu hiệu sau thì gia đình cần cho trẻ nhập viện ngay, như: Sốt cao từ 39 độ trở lên, thở nhanh, khó thở, giật mình, run chân tay, lừ đừ, quấy khóc, bứt rứt, khó ngủ, trẻ nôn nhiều, đi loạng choạng, da nổi gân tím, vã mồ hôi, chân tay lạnh, co giật.”
Ở nước ta, mùa hè thời tiết nóng ẩm rất thuận lợi cho vi rút gây bệnh tay chân miệng phát triển và lây lan. Hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng. Vì thế trong thời điểm này, các gia đình có trẻ nhỏ cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho trẻ:


Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cho trẻ: Khi đi vệ sinh, chơi đồ chơi, ăn uống, sau khi dùng tay che miệng ho… Người lớn cũng phải thường xuyên rửa tay khi thay tã, vệ sinh cho trẻ.
Kỹ lưỡng trong ăn uống và sinh hoạt: Ăn chín, uống chín; đồ dùng đựng thức ăn cho trẻ phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ngậm đồ chơi; không cho trẻ sử dụng khăn mặt, quần áo chung…
Thường xuyên lau chùi cả bề mặt và vật dụng trẻ hay tiếp xúc như: Sàn nhà, đồ chơi, dụng cụ học tập, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế… bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.
Tránh cho trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám, tư vấn và điều trị. Trường hợp trẻ mắc bệnh hãy cho trẻ ở nhà cho đến khi khỏi hẳn tránh lây bệnh ra cộng đồng.

(Nguồn: Hải Ninh)

In bản tin