Bệnh hắc lào những điều cần biết để phòng tránh và điều trị

Cập nhật: 25/6/2021 | 9:34:51 AM

Hắc lào là một chứng bệnh về da rất phổ biến ở người. Mặc dù không gây nguy hiểm quá lớn đến sức khỏe, tuy nhiên chúng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thẩm mỹ cũng như tinh thần của người mắc bệnh. Ngay cả khi chất lượng cuộc sống ngày nay được nâng cao đáng kể, vẫn có nhiều người mắc loại bệnh này.

Hắc lào rất khó chữa trị dứt điểm, có thể bị ở các vùng khác nhau của cơ thể gây ra ngứa, khó chịu và bệnh có thể lan rộng nếu không biết cách kiểm soát đúng. Để tìm hiểu rõ hơn về bệnh hắc lào cũng như cách phòng ngừa, phóng viên đã có cuộc trao đổi với BS Đoàn Thị Hồng Nhung, Khoa Da Liễu và Phòng chống mù lòa cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh.
PV: Xin chào bác sĩ. Xin bác sĩ cho biết bệnh hắc lào là gì và những nguyên nhân, yếu tố thuận lợi gây ra bệnh hắc lào?
BS Đoàn Thị Hồng Nhung: Bệnh hắc lào thực chất là bệnh nấm da. Nguyên nhân là do nhiễm nấm Dermatophytes gây nên, thường gặp nhất là 3 chủng:  Trichophyton, Microsporum và Espidermophyton. 
Loại nấm thường xuất hiện ở chân, tay, thân mình, vùng mông, bẹn thậm chí có cả ở mặt…Đây là loại nấm nông gây bệnh ở lớp sừng của da, không hại, nhưng đôi khi nhiễm nấm mạn tính và lan rộng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, có thể lây cho người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
Các yếu tố thuận lợi: Sống trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, nguồn nước, môi trường làm việc, hay thói quen sinh hoạt như: Sử dụng chung quần áo, khăn trải giường, khăn tắm với người bị nấm da. Mặc quần áo bó sát hoặc hạn chế cử động. Hay những người hệ thống miễn dịch suy yếu cũng dễ bị nhiễm nấm như người nhiễm HIVvà những bệnh mạn tính khác.

Tổn thương ban đầu dưới dạng các đám nhỏ tròn như hình đồng xu hoặc hình bầu dục


PV:  Bệnh hắc lào có lây không và các triệu chứng của bệnh như thế nào? 
BS Đoàn Thị Hồng Nhung: Bệnh hắc lào là bệnh nấm da, vi khuẩn nấm là yếu tố ngoại sinh, đây là một bệnh lây truyền. Tuy nhiên, không phải ai tiếp xúc với những người bị bệnh cũng có thể bị lây. Nó có thể lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc với người bệnh hoặc sử dụng chung đồ dùng với người bệnh.
Triệu chứng của bệnh hắc lào: Hắc lào có thời gian ủ bệnh từ 1-3 tuần. Triệu chứng phổ biến thường gặp là hiện tượng ngứa da nhất là khi ra mồ hôi, đôi khi kèm theo tróc vảy, bong tróc ở trên bề mặt da.
Về tổn thương trên da: Tổn thương ban đầu dưới dạng các đám nhỏ tròn như hình đồng xu hoặc hình bầu dục, ranh giới rõ sau đó lan dần các đám liên kết với nhau tạo thành mảng lớn hình đa cung nổi nhẹ trên bề mặt da. Màu sắc: Đỏ hoặc nâu, thường gây bong tróc vảy có cạnh sắc cứng và ngứa ngay tại vị trí tổn thương. Một số trường hợp có thể kèm theo các mụn nước nhỏ phồng rộp hoặc các mụn mủ vàng do bị bội nhiễm bởi cào, gãi gây xước da tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
Nấm hắc lào thường phát triển ở chân hoặc thân mình với các tổn thương đa dạng về hình thái và vị trí như:
Nấm hắc lào ở đùi: Vị trí thường gặp ở mặt trong của đùi. Triệu chứng: tổn thương là những chấm đỏ, có vảy nhỏ, lan dần ra thành mảng hình tròn hoặc bầu dục, bề mặt đỏ, hơi gồ cao, trên bờ có nhiều mụn nước và vảy da. Các mảng liên kết với nhau thành mảng lớn hình cung, giữa nhạt màu.
Nấm hắc lào ở chân: Vị trí xuất hiện ở các kẽ ngón chân và mu bàn chân. Triệu chứng: mảng da đỏ hình tròn hoặc bầu dục, bong da, ngứa.
Nấm hắc lào ở da đầu: Vị trí có thể ở bất kỳ vị trí nào trên da đầu. Triệu chứng ban đầu là nổi mẩn đỏ sưng tấy sau đó bị rụng tóc. Một số trường hợp có thể thấy xuất hiện các mụn mủ kết thành dạng tổ ong, các vết tổn thương da phồng rộp, kích thước nhỏ có chứa mủ thậm chí nặng thì bị sưng đau hoại tử da kèm theo chảy nước trên da tại các tổn thương. Biến chứng: Có thể gây sốt, viêm hạch bạch huyết.
Nấm hắc lào dạng đa sắc: Vị trí thường gặp ở vùng cánh tay trên, lưng, ngực và cổ, đôi khi có xuất hiện ở mặt. Nấm da đa sắc tố giai đoạn đầu thường không có dấu hiệu lâm sàng. Sau đó xuất hiện trên da các vết đốm nhỏ với kích thước và màu sắc khác nhau như màu trắng hồng hay nâu đậm, nâu hồng. Tổn thương có vảy, bờ viền rõ kèm theo ngứa.
PV: Thưa bác sĩ hiện nay chúng ta có những biện pháp nào để điều trị bệnh hắc lào?
BS Đoàn Thị Hồng Nhung: Phải khẳng định với mọi người bệnh hắc lào là một bệnh có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, một người có thể nhiễm bệnh hắc lào vài lần trong đời. Đây là tái nhiễm, chứ không phải tái phát. Do môi trường mà nhiễm nấm lại.
Về điều trị: Phương pháp điều trị hiện nay phụ thuộc vào từng lứa tuổi, từng tổn thương. Ở trẻ em điều trị tại chỗ là chính, có thể sử dụng các loại thuốc bôi. Với người lớn căn cứ vào mức tổn thương có thể điều trị tại chỗ kết hợp điều trị toàn thân. Tùy theo mức độ, số lượng tổn thương mà bác sĩ đưa ra hướng điều trị cụ thể, có thể chỉ điều trị tại chỗ bằng thuốc bôi hoặc điều trị toàn thân bằng thuốc chống nấm.
Hiện nay thuốc bôi thường sử dụng là các thuốc có thành phần: Ketoconazol, miconazol, clotrimazol. Thời gian điều trị khoảng 4-6 tuần đối với thuốc bôi. Điều trị toàn thân là khi tổn thương lan rộng hoặc bị bệnh dai dẳng… Đối với thuốc chống nấm thường sử dụng Griseofulvin (dành cho trẻ em), Itraconazol, Fluconazol, Terbinafin. Tùy thuộc vào từng bệnh nhân mà bác sĩ có thể sử dụng một trong những thuốc trên. Ngoài ra có thể sử dụng thuốc kháng Histamin giảm ngứa.
PV: Thưa bác sĩ, có nhiều bệnh nhân chủ quan không điều trị bệnh hắc lào và khi không điều trị như vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe không?
BS Đoàn Thị Hồng Nhung: Theo dân gian ngày xưa, người ta thường lấy nhựa chuối hoặc quả chuối xanh để điều trị. Hiện nay có rất nhiều loại thuốc khác nhau, chúng ta nên điều trị một cách đúng đắn nhất để bệnh nhanh khỏi. Bệnh hắc lào mà không điều trị có nguy cơ lan rộng ra khắp cơ thể gây ngứa làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến sức khỏe và nếu như được chữa khỏi vẫn có thể để lại dát thâm hoặc tăng sắc tố sau khi viêm ảnh hướng đến thẩm mỹ của người bệnh. 

Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ đặc biệt là các vitamin nhóm B để góp phần phòng tránh hắc lào


PV: Để phòng hắc lào tái phát và dự phòng bệnh bác sĩ có khuyến cáo gì cho cộng đồng?
BS Đoàn Thị Hồng Nhung: Hắc lào là bệnh có thể chữa khỏi xong rất dễ bị nhiễm lại do môi trường sinh hoạt, lao động và khí hậu... Một người có thể bị nhiễm lại nhiều lần trong cuộc đời. Do vậy để phòng tránh bệnh hắc lào, người bệnh cần tuân thủ điều trị, đúng và đủ thời gian để tránh tái phát. Không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc uống trị nấm khi không có chỉ định của bác sĩ. Báo cho bác sĩ nếu tình trạng bệnh nặng hơn, khám lại theo lịch hẹn của bác sĩ. Không uống rượu bia trong thời gian dùng thuốc. Giữ vệ sinh sạch sẽ, tắm gội mỗi ngày, đặc biệt là vùng da bị bệnh cần được giữ sạch sẽ, khô ráo. Không dùng chung quần áo, vật dụng cá nhân với người khác để tránh lây nhiễm bệnh. Mặc đồ cotton hoặc chất liệu giúp thấm hút mồ hôi nhanh. Lựa chọn các loại sữa tắm, xà phòng tắm phù hợp với da của bản thân. Lưu ý điều trị, vệ sinh sạch sẽ đối với các nguồn lây bệnh từ động vật như chó mèo, ngựa, tránh tiếp xúc với vật nuôi nhiễm bệnh. Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ đặc biệt là các vitamin nhóm B. Có chế độ ăn uống, sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý. Điều trị triệt để các bệnh tự miễn hay các bệnh có liên quan đến sức đề kháng của cơ thể.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ thông tin hữu ích!
 

(Nguồn: Ngọc Phượng)

In bản tin