Phòng ngừa bệnh viêm gan siêu vi
Cập nhật: 14/7/2021 | 8:00:31 AM
Bệnh viêm gan siêu vi có thể dẫn đến suy gan, xơ gan và ung thư gan. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nên người dân cần có kiến thức về bệnh này để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ Trần Việt Trung – Phòng khám Đa khoa thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh sẽ chia sẻ với độc giả cách nhận biết và phòng ngừa căn bệnh viêm gan siêu vi hiệu quả.
Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết bệnh viêm gan siêu vi là gì? Xu hướng mắc bệnh này hiện nay như thế nào và những ai dễ mắc bệnh này?
Bs. Trần Việt Trung: Viêm gan siêu vi là bệnh viêm gan do virus đặc hiệu gây ra. Hiện nay đã xác định được các loại virus được đặt tên virus viêm gan A, B, C, D, E. Viêm gan siêu vi là một bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến tổn thương viêm, hoại tử tế bào gan, hậu quả cuối cùng là xơ gan, ung thư gan.
Viêm gan virus có thể gặp ở mọi lứa tuổi, giới. Bệnh có thể tạo thành dịch và Việt Nam nằm trong vùng dịch lưu hành mạnh.
Nhóm có nguy cơ cao là những người tiêm chích ma túy, đồng tính luyến ái, tù nhân, nhân viên y tế, những nơi điều kiện vệ sinh kém.
Bệnh viêm gan siêu vi có thể dẫn đến suy gan, xơ gan và ung thư gan.
Phóng viên: Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm gan siêu vi như thế nào, thưa bác sĩ?
Bs. Trần Việt Trung: Bệnh khởi phát âm thầm, đột ngột với biểu hiện chán ăn, buồn nôn, đầy bụng, sốt nhẹ, mệt mỏi. Sau 7-10 ngày xuất hiện vàng da, vàng mắt, mệt mỏi, ăn khó tiêu, tiểu ít, nước tiểu vàng. Bệnh có thể khỏi hẳn hoặc chuyển thành mãn tính.
Phóng viên: Bệnh viêm gan siêu vi có thể dẫn đến những biến chứng gì? Khi mắc bệnh thì có khả năng chữa khỏi không, thưa bác sĩ?
Bs. Trần Việt Trung: Bệnh có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan. Như viêm gan B mạn tính có 40% sau này có nguy cơ xơ gan, ung thư gan nguyên phát.
Bệnh ở giai đoạn cấp tính có thể chữa khỏi hoàn toàn, khi bệnh chuyển thành mãn tính sẽ phải điều trị suốt đời. Như viêm gan B có 10 % trở thành mãn tính, viêm gan C là 40- 60%.
Tiêm vắc xin là một biện pháp phòng viêm gan siêu vi hiệu quả
Phóng viên: Vậy xin bác sĩ cho biết làm cách nào để phòng ngừa bệnh viêm gan siêu vi?
Bs. Trần Việt Trung: Để phòng ngừa ta phải biết đường lây của viêm gan siêu vi. Viêm gan A, E lây qua đường tiêu hóa là chủ yếu. Viêm gan B, C, D lây qua đường máu, dịch tiết, lây từ mẹ sang con, lây truyền qua đường tình dục.
Như vậy, người dân cần thực hiện một số biện pháp phòng ngừa bệnh sau :
Tiêm vắc xin phòng bệnh: Vắc xin phòng viêm gan siêu vi A, tiêm cho trẻ từ 1 tuổi trở lên và người lớn đủ 2 mũi cách nhau 6 tháng. Vắc xin phòng viêm gan B, tiêm cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh và các mũi tiếp theo lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi. Với trẻ em và người trưởng thành chưa bị nhiễm có thể dùng lịch tiêm 3 mũi.
Người dân có thể tiêm vắc xin phòng ngừa viêm gan A, B tại các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc và tại phòng tiêm Safpo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh.
Phòng lây truyền siêu vi B từ mẹ sang con: phòng trong lúc bà mẹ đang mang thai và sau sinh. Trong lúc mang thai nếu bà mẹ có lượng siêu vi B trong máu cao sẽ được uống thuốc kháng vi rút từ 3 tháng cuối thai kỳ. Sau khi sinh trẻ được tiêm đồng thời vắc xin viêm gan B và chất kháng siêu vi B trong vòng 12 giờ sau sinh, sau đó, tiêm đầy đủ vắc xin viêm gan B cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
Các biện pháp phòng bệnh khác: Phòng ngừa viêm gan siêu vi A và E bằng cách ăn thức ăn đã nấu chín, rửa kỹ rau, uống nước đã đun sôi để nguội, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn.
Phòng ngừa viêm gan B, C và D: sàng lọc máu, không dùng chung bơm kim tiêm và các vật dụng cá nhân (như dao cạo râu, cây nặn mụn, kìm cắt móng, kim xăm, bàn chải đánh răng…), dùng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục.
Thu nhận và cách ly điều trị bệnh nhân. Quản lý người lành mang virus, người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.
Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ những thông tin hữu ích!
(Nguồn: Hải Ninh)