Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Cập nhật: 3/12/2021 | 8:46:40 AM
Giãn cách xã hội, sống tại khu vực bị cách ly, phong tỏa dẫn đến tình trạng nhiều người nhiễm HIV không thể đến được các cơ sở điều trị HIV/AIDS để thăm khám, lĩnh thuốc hoặc làm xét nghiệm định kỳ.
Cơ sở điều trị Methadone, Trung tâm Y tế TP Uông Bí tuân thủ tốt nguyên tắc phòng chống dịch bệnh COVID-19 để đảm bảo việc điều trị của bệnh nhân tại đây không bị gián đoạn.
Trong 2 năm qua, dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có công tác phòng chống HIV/AIDS. Chính vì vậy, Tháng Hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12 năm nay lấy chủ đề “Tăng cường phòng, chống HIV trong bối cảnh đại dịch Covid-19”.
Dịch bệnh COVID-19 bùng phát gây ra những khó khăn trong giám sát, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS. Việc thực hiện giãn cách xã hội làm giảm khả năng tiếp cận hoạt động xét nghiệm HIV; Việc kết nối người nhiễm H. tới các dịch vụ liên quan đến HIV bị gián đoạn; Việc duy trì điều trị bằng thuốc ARV gặp khó khăn do người dân bị hạn chế tới bệnh viện, các cơ sở điều trị. Một số thời điểm, có địa phương bị phong tỏa, cách ly, cơ sở y tế điều động sang thành bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19, điều này dẫn đến việc người bệnh phải thay đổi cơ sở nhận thuốc. Các hoạt động liên quan đến giám sát dịch HIV/AIDS, xét nghiệm tại cộng đồng, cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su, truyền thông thay đổi hành vi bị hạn chế, gián đoạn do không được tập trung đông người, hạn chế di chuyển… Bên cạnh đó, tình trạng kỳ thị và tự kỳ thị vẫn là rào cản dẫn đến việc nhiều người nhiễm HIV lựa chọn giải pháp đi đến các cơ sở điều trị xa nơi mình ở để điều trị, thậm chí là đến tỉnh/thành phố khác.
Các dữ liệu hiện có cho thấy, người sống chung với HIV đang điều trị ARV hiệu quả có nguy cơ mắc COVID-19 tương tự như người không nhiễm HIV. Tuy nhiên, người nhiễm HIV không điều trị ARV, không tuân thủ điều trị, bỏ trị, có CD4 thấp sẽ có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn vì miễn dịch kém. Trong khi đó, dịch bệnh COVID-19 làm cản trở người dân đến các cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm sớm để biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, ngoài ra cũng có thể làm gián đoạn các hoạt động can thiệp giảm tác hại đối với người nhiễm HIV, không những khiến cho hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội mà còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi rút HIV cho người khác. Vì vậy, người nhiễm HIV và các nhân viên hỗ trợ, nhân viên tiếp cận cộng đồng cũng là đối tượng cần được ưu tiên tầm soát và tiêm phòng vắc xin COVID-19.
Tại Quảng Ninh, từ ca nhiễm đầu tiên năm 1994 đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 5 nghìn người nhiễm HIV/AIDS còn sống và được điều trị ARV. Quảng Ninh là một trong số ít tỉnh, thành trên cả nước đạt được mục tiêu của Liên Hợp Quốc đề ra là có trên 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV. Trên địa bàn tỉnh có 12 phòng khám ngoại trú điều trị ARV; Duy trì và triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại HIV/AIDS tại 7 huyện, thị xã, thành phố trọng điểm như Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn cho nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao như: nhóm nghiện chích ma túy, mại dâm, di dân tự do. Bên cạnh đó, dịch vụ điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone ở 5 cơ sở tại Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều và Vân Đồn được duy trì với trên 1 nghìn bệnh nhân điều trị.
Bác sĩ CKI Lưu Thanh Hải, Trưởng khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh cho biết: Để duy trì tốt hoạt động của các cơ sở y tế, đảm bảo điều trị liên tục cho người nhiễm HIV/AIDS trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ngành Y tế Quảng Ninh đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp: Bố trí sắp xếp lại việc cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế, phòng khám và điều trị ARV, Methadone bằng cách hẹn giờ và xếp lịch khám, các hoạt động dự phòng COVID-19 như khẩu trang, rửa tay, đo thân nhiệt được áp dụng nghiêm ngặt để giúp cho hoạt động tại các cơ sở y tế diễn ra bình thường và giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cho cả nhân viên y tế và cho người bệnh; Tiếp tục tối ưu hoá phác đồ điều trị thuốc ARV cho người bệnh, lựa chọn thuốc ARV có khả năng ức chế virus cao, ít tác dụng phụ, giảm số lượng viên thuốc, giảm số lần uống; chuyển phần lớn người nhiễm HIV sang sử dụng thuốc ARV nguồn quỹ BHYT để bảo đảm người bệnh được duy trì điều trị thuốc ARV liên tục khi không còn nguồn thuốc viện trợ miễn phí; điều trị thuốc ARV sớm cho người nhiễm mới phát hiện (điều trị trong ngày); cấp thuốc ARV tối đa 90 ngày cho người bệnh ổn định; đặc biệt là mở rộng quản lý điều trị bệnh đồng nhiễm như đồng nhiễm HIV/lao, đồng nhiềm HIV/viêm gan C, bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV nhằm giảm tử vong ở người nhiễm HIV.
Tuyên truyền phòng chống HIV AIDS tại xã Hải Sơn, TP Móng Cái, 1 trong các địa phương trọng điểm duy trì và triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại HIVAIDS
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền thông qua các kênh truyền thông đại chúng và qua nền tảng trực tuyến, mạng xã hội; Đổi mới hình thức tư vấn, tập huấn bằng phương pháp online, hỗ trợ kỹ thuật từ xa; Tăng cường mô hình tại cộng đồng, do cộng đồng triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng như online, từ xa, lưu động và tự xét nghiệm. Mở rộng mô hình cấp phát sinh phẩm Oralquick qua chuyển phát nhanh (thư tín); Thành lập các Đội đáp ứng nhanh với COVID-19 kết nối với đại diện mạng lưới người nhiễm HIV để đăng tải, chuyển các thông tin, các văn bản liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm đối tượng đích và đến người nhiễm HIV kịp thời.
Theo bác sĩ Lưu Thanh Hải, đánh giá chung về tình hình dịch bệnh HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh ta hiện nay về cơ bản đã được khống chế ở đa số các địa phương và các nhóm dễ bị cảm nhiễm HIV/AIDS, không tăng nhanh như trước những năm 2005. Tỉ lệ hiện nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư tại Quảng Ninh là 0,41% (trong nhóm nghiện chích ma túy giảm mạnh từ 75,2% năm 2002 đến năm 2021 là 17,66%; trong nhóm phụ nữ bán dâm dao động từ 2 - 3%). Trong việc thực hiện mục tiêu “90-90-90” của Chính phủ giao, Quảng Ninh đạt được “89 - 90 - 98”.
Thời gian tới, trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội cùng với sự chung tay, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các hoạt động trong chương trình phòng chống HIV/AIDS sẽ tiếp tục được đẩy mảnh, đảm bảo mọi người được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS một cách liên tục; góp phần vào kết quả chung Việt Nam kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.
(Nguồn: Quỳnh Trang)