Sống chung không có nghĩa là mặc kệ
Cập nhật: 17/1/2022 | 8:30:50 AM
Theo thông tin tại hội nghị Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 10/01/2022, với trung bình 315 ca mắc mới mỗi ngày, chỉ trong tuần đầu tháng 1 năm 2022, Quảng Ninh ghi nhận 1.894 ca mắc Covid-19. Các địa bàn Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả đều có số ca mắc mới tăng cao và cũng đã có 3 trường hợp F0 tử vong do cao tuổi kèm nhiều loại bệnh nền, bệnh nặng.
Trước diễn biến dịch bệnh, tỉnh Quảng Ninh đã nhận định khả năng dịch trên địa bàn có thể đạt đỉnh vào ngày 25/1 và cũng đã chuẩn bị các phương án, nguồn lực tài chính, con người và các điều kiện khác đảm bảo thu dung, cách ly, điều trị tới 10.000 người mắc Covid-19/ngày, tương đương 140.000 người trong 14 ngày trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên cho dù chính quyền có nỗ lực đến đâu nếu người dân chủ quan, coi thường nguy cơ mắc bệnh thì những điều tồi tệ nhất vẫn luôn có thể xảy ra. Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 11/10/2021 đặt mục tiêu sống chung an toàn trong điều kiện bình thường mới khi mà độ bao phủ vắc xin cho các đối tượng ngày càng cao và nếu kéo dài mãi các biện pháp hạn chế, phong tỏa sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đến kinh tế, xã hội. Song có một thực tế là sau hai năm đối mặt với các làn sóng dịch bệnh, mọi người dân dường như đã trở nên bớt sợ hơn, các nguyên tắc giữ gìn vệ sinh cá nhân đã bị lơ là. Nguyên tắc 5K nhiều khi bị tặc lưỡi bỏ qua với suy nghĩ mình đã được tiêm hai mũi vắc xin, thậm chí ba mũi thì sẽ không nhiễm vi rút, nếu nhiễm chắc cũng nhanh khỏi thôi. Và nguy hiểm hơn cả là đã xuất hiện suy nghĩ rằng người bệnh đa phần không triệu chứng thì chẳng biết đâu mà phòng tránh, và rồi dù có phòng ngừa thế nào, ai cũng có thể bị nhiễm bệnh.
Virus SARS COV-2 đang biến hình mỗi ngày khi chúng ta vẫn nghe các thông tin về các biến thể mới xuất hiện sau Delta là Omicron, IHU rồi đến flurona là sự kết hợp giữa cúm mùa với Covid-19 và có thể còn những biến thể khác sẽ xuất hiện. Việc chủ quan để bản thân nhiễm bệnh không chỉ gây nguy cơ đến bản thân với các triệu chứng hậu covid kéo dài mà còn có thể gây nguy hiểm cho rất nhiều người khác bởi vẫn có rất nhiều người chưa được tiêm phòng, chưa được tiêm đủ số mũi cần thiết hay không thể tiêm phòng nhất là đối tượng trẻ em và người cao tuổi có nhiều bệnh lý. Hơn nữa nếu bản thân một người bị nhiễm bệnh, không nói đến việc gia tăng sự quá tải đối với ngành y tế thì có thể ảnh hưởng đến rất nhiều người khác. Nếu may mắn F1 không chuyển thành F0 thì những người đó cũng phải chịu sự phiền toái bị cách ly, ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và công việc, gây lãng phí về kinh tế, xã hội.
Biến thể của virus SARS-CoV-2, có tên gọi là IHU hay B.1.640.2, được phát hiện đầu tiên ở Pháp cuối năm 2021
Dịch bệnh Covid-19 ập đến từ đầu năm 2020 đã làm đảo lộn toàn diện cuộc sống của cư dân trên khắp thế giới. Mọi người đều phải làm quen với những điều mà trước đó họ chưa bao giờ làm hay không thường xuyên làm. Ví dụ như đeo khẩu trang nơi đông người, giữ khoảng cách với nhau tối thiểu 1m, ở những hoạt động giao lưu, đối ngoại không còn những cái bắt tay, ôm hôn như nghi lễ thông thường. Từ khi bùng phát đến nay, đã có trên 5,51 triệu người chết trong tổng số hơn 317 triệu người nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới, ở nước ta cũng đã có 34.964 người chết vì đại dịch. Chưa ai có thể chắc chắn thời điểm chấm hết của đại dịch toàn cầu này mà chỉ có thể tìm kiếm các giải pháp sống chung với vi rút và hướng tới sự bình thường mới. Nhưng có một điều chắc chắn là sống chung với dịch bệnh không có nghĩa là mặc kệ và bình thường mới thì không phải là bình thường. Mỗi cá nhân đều phải tự có trách nhiệm đảm bảo sự an toàn, giữ gìn sức khỏe cho mình và cho mọi người xung quanh trước khi đòi hỏi Nhà nước phải bảo vệ mình bằng mọi giá dù đối với bất kỳ nhà nước nào thì đảm bảo tính mạng cho người dân đều là trên hết và trước hết.
(Nguồn: baoquangninh.com.vn)