Nâng cao năng lực Quản lý các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục cho cán bộ y tế
Cập nhật: 3/12/2022 | 5:58:44 AM
Nhằm củng cố, nâng cao chất lượng công tác khám, điều trị và quản lý các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD) tuyến cơ sở, từ ngày 1-2/12/2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức 02 lớp tập huấn về Nâng cao năng lực Quản lý các nhiễm trùng LTQĐTD cho gần 100 cán bộ nhân viên y tế, cán bộ phụ trách chương trình STIs, xét nghiệm, sản, phụ khoa tại các đơn vị y tế huyện/thị xã/thành phố trên địa bàn tỉnh.
Học viên tham gia lớp tập huấn là cán bộ phụ trách chương trình STIs, xét nghiệm, sản, phụ khoa tại các đơn vị y tế huyện/thị xã/thành phố trên địa bàn tỉnh
Nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD) là nhiễm khuẩn lây từ người này sang người khác chủ yếu qua quan hệ tình dục có xâm nhập không sử dụng các biện pháp an toàn. Vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng mang mầm bệnh truyền từ người này sang người khác qua tinh dịch, dịch âm đạo và các dịch tiết khác của cơ thể. Bệnh cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con khi mang thai, sinh nở hoặc qua truyền máu hay dùng chung kim tiêm. Bệnh thường không gây ra triệu chứng rõ ràng nên người bệnh thường không biết mình có bệnh và dễ lây lan cho người khác. Tùy vào loại bệnh, giai đoạn, tình trạng sức khỏe của từng người mà biểu hiện của các bệnh LTQĐTD có thể khác nhau. Hiện nay, các nhà khoa học ghi nhận được có khoảng 20 loại bệnh STI. Bệnh có số lượng người nhiễm rất lớn, nhất là người trong độ tuổi sinh sản, khó điều trị khỏi hoàn toàn, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và có thể gây vô sinh ở cả nam và nữ.
Trong 2 ngày tập huấn, học viên đã được các cán bộ Khoa Da liễu và Phòng chống mù loà, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cung cấp các kiến thức về: khái niệm, thuật ngữ liên quan đến các nhiễm trùng LTQĐTD; Cách tiếp cận một bệnh nhân mắc STI; Phương pháp quản lý, chẩn đoán STI tại cơ sở; Đại cương và phương pháp chẩn đoán, điều trị đối với một số nhiễm trùng LTQĐTD phổ biến (lậu, giang mai, sùi mào gà, hội chứng đau bụng dưới…)
Bên cạnh việc củng cố, cập nhật kiến thức mới, các học viên đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ những khó khăn trong quá trình triển khai thực tế tại đơn vị. Qua đó tìm ra những cách làm mới, hiệu quả với tính khả thi cao góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác khám, tư vấn và điều trị cho người dân tại y tế tuyến cơ sở, từ đó giảm tải cho các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh cũng như tiết kiệm được chi phí, thời gian của người dân trong điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
(Nguồn: Thanh Nga)