7/10/2012 | 6:47:10 PM

Ðối mặt với tai biến mạch não

Tai biến mạch não (TBMN) là bệnh lý thần kinh hay gặp nhất, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh lý về thần kinh, đứng hàng thứ 3 sau các bệnh lý về tim mạch và ung thư; đồng thời là nguyên nhân chính gây tàn phế mắc phải ở người trưởng thành. TBMN luôn là mối quan tâm không chỉ của bệnh nhân và gia đình mà còn của toàn xã hội.

TBMN là gì?

TBMN hay còn gọi là đột quỵ não, xảy ra khi một mạch máu não bị tắc, nghẽn hay bị vỡ, gây tổn thương vùng não được cung cấp bởi mạch đó. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng gặp nhiều hơn về mùa lạnh và những tháng chuyển mùa (tháng 2, 3, 10, 11), hay gặp lúc sáng sớm hoặc vào những ngày thời tiết thay đổi đột ngột, nhiệt độ càng thấp thì TBMN càng nhiều.

TBMN được chia làm hai loại: nhồi máu não (thiếu máu não cục bộ, nhũn não) xảy ra khi một mạch máu bị tắc, nghẽn, khu vực tưới bởi mạch đó bị thiếu máu và hoại tử; chảy máu (chảy máu não, màng não) xảy ra khi máu thoát khỏi mạch chảy vào nhu mô não hoặc vào màng não.

Bệnh thường xảy ra đột ngột trong một vài giờ, ít khi từ từ trong vài ngày. Người bệnh đang sinh hoạt bình thường hoặc đang ngủ thì đột ngột xuất hiện nhức đầu, nôn, nói khó hoặc ú ớ không nói được, méo miệng, liệt nửa người, đôi lúc kèm lú lẫn hoặc mất ý thức, co giật, đại tiểu tiện không tự chủ...

 Cục máu đông làm tắc động mạch não gây nhồi máu não.

Yếu tố nguy cơ gây TBMN

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến TBMN, được chia làm 2 nhóm:

Trên thế giới có khoảng 15 triệu người đột quị/ năm, trong đó tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 30% (5,4 triệu), di chứng tàn phế mắc phải chiếm 40 - 50%, tỷ lệ tái phát cao 14% trong vòng 12 tháng. Ở Việt Nam nhồi máu não chiếm khoảng 60% TBMN; tỉ lệ chảy máu não là 40%.

Nhóm không thay đổi được: tuổi càng cao, tỷ lệ mắc bệnh càng nhiều; nam mắc nhiều hơn nữ từ 1,5 - 2 lần; tiền sử gia đình có người tăng huyết áp (THA) và TBMN (bố, mẹ, anh chị em ruột), tỷ lệ mắc bệnh cao hơn người bình thường.

Nhóm có thể thay đổi được: THA là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất, THA làm tăng nguy cơ cả nhồi máu não và chảy máu não, gọi là THA khi chỉ số huyết áp ≥140/90mmHg, kiểm soát tốt huyết áp có thể giảm 30% nguy cơ TBMN; nghiện thuốc lá, hút thuốc lá trực tiếp hay thụ động cũng đều làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch, sau bỏ thuốc từ 2-3 năm mới giảm nguy cơ gây bệnh; các bệnh tim như hẹp hai lá, rung nhĩ (do thấp tim), nhồi máu cơ tim, tăng mỡ máu làm tăng tỷ lệ TBMN gấp 1,5-2 lần; đái tháo đường (ĐTĐ) làm thúc đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch (cả hệ thống mạch lớn và mạch nhỏ), do đó, nguy cơ nhồi máu não tăng lên gấp 2-3 lần so với người bình thường; nếu ĐTĐ kết hợp với THA thì nguy cơ TBMN tăng lên rất cao; nghiện rượu làm tăng nguy cơ chảy máu não; béo phì không là nguy cơ trực tiếp gây TBMN nhưng gián tiếp gây qua bệnh tim mạch. Một số yếu tố khác như căng thẳng tâm lý, nhiễm lạnh, ít hoạt động thể lực, tăng axit uric máu, dùng thuốc tránh thai... là nguyên nhân dẫn đến TBMN.

Phương pháp điều trị

Nếu bệnh nhân xuất hiện những triệu chứng của TBMN như đã nêu ở trên, cần đưa ngay đến bệnh viện càng sớm càng tốt để cấp cứu kịp thời.

Các phương pháp điều trị chung: tùy theo thể bệnh và mức độ tổn thương mà có thể áp dụng các phương pháp như truyền dịch chống phù não, bù nước và điện giải; thở ôxy qua ống thông ở mũi (đặt nội khí quản nếu cần); thuốc bảo vệ tế bào não; thuốc hạ huyết áp, mỡ máu, đường máu (nếu có); kháng sinh phòng bội nhiễm; cho bệnh nhân ăn qua ống thông dạ dày nếu bệnh nhân không nuốt được, cần cho ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đủ lượng calo cần thiết; thay đổi tư thế nằm của bệnh nhân 3 giờ/lần để tránh loét, mát-xa những điểm tỳ đè (vùng cùng cụt, mông, gót chân, mắt cá ngoài, khuỷu tay...); vệ sinh thân thể và răng miệng sạch sẽ; tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân sớm, mức độ tăng dần để phòng teo cơ, cứng khớp; vỗ rung phổi đề phòng viêm phổi... Sau giai đoạn cấp, người bệnh vẫn được tiếp tục điều trị tại nhà theo đơn của thầy thuốc hoặc tại các trung tâm phục hồi chức năng hay châm cứu nhằm giảm di chứng và phòng tái phát lần sau.

Điều trị theo nguyên nhân:

Can thiệp nội mạch (nút coil - vòng xoắn kim loại) hoặc mổ thắt cổ túi phình động mạch hay xạ trị (dị dạng thông động - tĩnh mạch não)…

Điều trị thuốc tiêu sợi huyết (rtPA - Alteplase) trong trường hợp bệnh nhân nhồi máu não đến sớm trước 6 giờ kể từ khi khởi phát bệnh; thuốc chống ngưng tập tiểu cầu; thuốc chống loạn nhịp…

Biện pháp nào để phòng TBMN?

Việc phát hiện và điều trị dự phòng các yếu tố nguy cơ của TBMN sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong, di chứng cũng như tỷ lệ tái phát bệnh. Những người trên 50 tuổi cần kiểm tra huyết áp 6 tháng/lần, đồng thời làm các xét nghiệm kiểm tra đường huyết, mỡ máu… Không ăn mỡ động vật, bỏ rượu bia, thuốc lá, tránh béo phì, thừa cân.

Đối với bệnh nhân sau khi bị TBMN: tiếp tục điều trị các yếu tố nguy cơ của TBMN, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ THA, vữa xơ động mạch, phát hiện và điều trị các bệnh tim mạch, ĐTĐ, điều trị sớm cơn thiếu máu não thoảng qua, tập thể dục, đi bộ, tránh tăng cân béo phì… Sử dụng thuốc chống đông máu, chống kết dính tiểu cầu như aspirin 80 - 100mg/ngày hoặc plavix 75mg/ngày hay ticlopidin 200mg/ngày trong thời gian 3 tháng khi TBMN lần đầu. Từ 6 tháng đến 1 năm nếu tai biến tái phát (cần tuân thủ chống chỉ định và theo dõi chặt chẽ tác dụng phụ của các thuốc chống đông hoặc chống ngưng tập tiểu cầu). 

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814