Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

"Chủ động diệt muỗi, bọ gậy để phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika"

Cập nhật: 11/4/2016 | 7:31:49 AM

Ngày 5-4 vừa qua, Bộ Y tế công bố Việt Nam đã có 2 người nhiễm vi rút Zika tại tỉnh Khánh Hoà và TP Hồ Chí Minh. Để giúp người dân hiểu rõ hơn về diễn biến của dịch bệnh do vi rút Zika, phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế về vấn đề này.

- Xin ông cho biết mức độ ảnh hưởng của vi rút Zika đối với địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay như thế nào?

+ Quảng Ninh có ngành Du lịch phát triển lại có nhiều cửa khẩu thu hút một lượng lớn người đến tham quan, du lịch, làm việc, kinh doanh. Mặt khác, Quảng Ninh cũng có muỗi vằn, loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và truyền vi rút Zika. Vì vậy bệnh do vi rút Zika hoàn toàn có thể xâm nhập vào Quảng Ninh, nhất là khi Việt Nam đã xác nhận có 2 trường hợp nhiễm vi rút Zika đầu tiên tại Nha Trang và TP Hồ Chí Minh. Quảng Ninh cũng đã nâng cảnh báo dịch bệnh do vi rút Zika lên mức 2.

Trên thực tế, bệnh do vi rút Zika có dấu hiệu bệnh lý tương tự như bệnh sốt xuất huyết nhưng diễn biến của bệnh ở mức độ vừa và nhẹ, nhiều trường hợp không có biểu hiện triệu chứng và tự khỏi. Từ khi bệnh được phát hiện đến nay chưa có trường hợp bệnh nhân nào tử vong vì vi rút Zika. Do đó người dân không nên quá lo lắng.

- Hiện công tác phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika đã được ngành Y tế tỉnh triển khai ra sao, thưa ông?

+ Bệnh do vi rút Zika chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị và nghi ngờ có sự liên quan giữa nhiễm vi rút Zika với những trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh do các bà mẹ bị nhiễm vi rút Zika sinh ra. Do đó, công tác phòng chống bệnh do vi rút Zika rất được quan tâm. Ngay từ đầu năm, ngành Y tế Quảng Ninh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch trên địa bàn, kế hoạch hành động phòng chống bệnh dịch do vi rút Zika. Các kế hoạch này đã được triển khai tới tất cả cơ sở y tế từ tuyến tỉnh, huyện cho đến các xã, phường, thị trấn. Ngành Y tế cũng đã phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tuyên truyền để người dân hiểu biết về bệnh do vi rút Zika, các biện pháp phòng tránh, đặc biệt đối với phụ nữ có thai, những người có dự định sinh con. Đồng thời triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, loăng quăng (bọ gậy) phòng chống bệnh do vi rút Zika và bệnh sốt xuất huyết”.

Đặc biệt, từ khi Việt Nam có 2 ca nhiễm vi rút Zika được phát hiện, ngành Y tế tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc giám sát phát hiện các trường hợp nhiễm vi rút Zika tại các cơ sở y tế, tại các cửa khẩu và tại cộng đồng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Tổ chức theo dõi, hướng dẫn chăm sóc thai nghén cho phụ nữ mang thai, giám sát chứng đầu nhỏ trước sinh và trẻ sơ sinh ở các cơ sở y tế trong tỉnh.

Về công tác hậu cần phục vụ việc phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika, ngành Y tế tỉnh đã chủ động từ nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, thuốc, hoá chất, sinh phẩm từ các cơ sở điều trị đến các tuyến dự phòng. Đến nay, phòng xét nghiệm sinh học phân tử của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã có thể tự xét nghiệm phát hiện vi rút Zika. Điều này hết sức quan trọng, giúp cho việc phát hiện sớm và chủ động trong công tác phòng chống dịch, khống chế không để dịch lây lan rộng.

- Để chủ động phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika, ông có khuyến cáo gì đối với người dân, đặc biệt là đối tượng phụ nữ mang thai?

+ Bệnh do vi rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính chủ yếu do muỗi Aedes truyền. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Do đó, để chủ động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, Sở Y tế khuyến cáo người dân cần tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng). Cụ thể: Ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi; dùng vợt bắt muỗi, xịt hoá chất diệt muỗi; đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước… để phá huỷ tất cả nơi muỗi có thể đẻ trứng.

Đối với các thai phụ, cần tuân thủ siêu âm thai định kỳ, nếu phát hiện có bất thường ở thai nhi (kích thước đầu nhỏ hơn so với kích thước trung bình), cần lấy mẫu xét nghiệm để xử lý kịp thời. Phụ nữ có thai, dự định có thai và trẻ em không nên đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết, đặc biệt là phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu. Các cặp vợ chồng đang sống tại vùng có dịch hoặc trở về từ vùng dịch có ý định mang thai cần đến cơ sở y tế để khám và được tư vấn. Phụ nữ có thai đang sống tại vùng có dịch hoặc trở về từ vùng dịch nếu có triệu chứng nghi mắc bệnh như sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ… thì cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn.

- Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014