Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Có thể sử dụng lại vắc xin Quinvaxem?

Cập nhật: 13/5/2013 | 9:22:57 PM

Đã 9 ngày kể từ ngày Bộ Y tế bất ngờ ra thông báo "khẩn" tạm ngừng sử dụng vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vẫn chưa có một phương án thay thế vắc xin nào được đưa ra vì còn phải chờ kết quả kiểm nghiệm vắc xin của WHO.

Tuy nhiên, dự kiến phải đến cuối tháng 6/2013 mới có kết quả kiểm nghiệm vắc xin này tại các phòng xét nghiệm độc lập trên thế giới. Khi đó, Bộ Y tế Việt Nam mới có “phán quyết” tiếp tục sử dụng vắc xin này trong chương trình tiêm chủng mở rộng hay tìm một phương án khác thay thế.

Tạm dừng không phải vì vắc xin có vấn đề!

Ngay sau khi thông báo tạm dừng vắc xin chính thức được Bộ Y tế đưa ra, rất nhiều bạn đọc đã gọi điện, gửi email đến báo Dân trí bày tỏ sự lo lắng vì con đang tiêm vắc xin này, lo lắng liệu có phải thêm các ca tai biến mà phải dừng vắc xin? Sẽ xử lý như thế nào với những trường hợp đang tiêm dở vắc xin này mà không có vắc xin thay thế?
 
GS Hiển khẳng định, việc tạm dừng này là vì thận trọng chứ không phải do
GS Hiển khẳng định, việc tạm dừng này là vì thận trọng chứ không phải do
chất lượng vắc xin có vấn đề. Ảnh: H.Hải

GS.TS Nguyễn Trần Hiển - Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng Quốc Gia, Viện trưởng Viện Vệ sinh sinh dịch tễ Trung ương cho biết, việc Bộ Y tế tạm ngừng vắc xin này không có gì bất thường. Đây là một thực hành thông thường trong chương trình Tiêm chủng mở rộng của các nước. Kinh nghiệm của Sri Lanka cho thấy nước này cũng đã cho tạm dừng sử dụng vắc xin quinvaxem sau khi có 25 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm, tuy nhiên cũng đã cho sử dụng lại vắc xin này sau khi không thấy có bằng chứng liên quan đến vắc xin.

“Sau cân nhắc kỹ lưỡng về báo cáo các trường hợp phản ứng sau tiêm nặng xảy ra sau khi tiêm vắc xin quinvaxem trong thời gian qua, Bộ Y tế đã đưa ra quyết định tạm dừng sử dụng vắc xin này với  lý do thận trọng để đảm bảo an toàn cho trẻ, trong khi chờ đợi các bằng chứng đầy đủ về tính an toàn của vắc xin chứ không phải là do chất lượng vắc xin có vấn đề”, ông Hiển khẳng định.

Cũng theo GS Hiển, cho tới thời điểm hiện nay, kết quả điều tra đánh giá của các Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân phản ứng sau tiêm của các tỉnh và Bộ Y tế cũng như của đoàn chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cho thấy không có sự liên quan giữa các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng này với qui trình vận chuyển, bảo quản, dịch vụ tiêm chủng; chưa có dấu hiệu có liên  quan đến chất lượng vắc xin.

 “Như vậy, đây chỉ là tạm dừng chờ kết luận cuối cùng về chất lượng của vắc xin chứ không phải là dừng hoàn toàn vắc xin này. Dự kiến cuối tháng 6/2013 chúng ta sẽ có đầy đủ kết luận về tính an toàn của vắc xin Quinvaxem của Tổ chức Y tế thế giới. Khi đó,  Bộ Y tế sẽ đưa ra quyết định dùng lại vắc xin này hay thay thế bằng một vắc xin khác”, GS Hiển khẳng định.

Có dùng lại vắc xin Quinvaxem?

GS Hiển cho biết, thời gian tạm dừng vắc xin Quinvaxem là khoảng 2 tháng và trong thời gian này, Hội đồng khoa học tư vấn về sử dụng vắc xin và sinh phẩm y tế của Bộ Y tế đã họp, đề nghị Bộ Y chưa nên sử dụng vắc xin thay thế khác.

Các phương án được đưa ra là: Nếu cuối tháng 6, không có bằng chứng về mối liên quan giũa các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nặng với chất lượng vắc xin thì nên sử dụng lại vắc xin Quinvaxem. Nếu có liên quan thì  thay thế bằng vắc xin trong nước như đã sử dụng trước đây  là mũi tiêm vắc xin 3 trong 1 (Bạch hầu-Ho gà-Uốn ván), và mũi tiêm vắc xin Viêm gan B, mà không có thành phần Hib. Đồng thời về lâu dài,  sẽ lập đề án với lộ trình thích hợp trình Chính phủ thay thế bằng các vắc xin khác thế hệ mới có ít phản ứng tại chỗ hơn.

Tuy nhiên không có vắc xin nào là an toàn 100%, sau khi thay thế vắc xin khác có thể vẫn có báo cáo các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nặng do cơ địa của trẻ  và do trùng hợp ngẫu nhiên.

Trước băn khoăn của nhiều bà mẹ về việc gián đoạn tiêm chủng có ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ, ông Hiển khẳng định: “Việc gián đoạn mũi tiêm trong thời gian tạm dừng 2 tháng này không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của trẻ khi tiêm các mũi tiêm tiếp theo đối với những trẻ đã được tiêm 1 hay 2 mũi trước đó. Trên thực tế là các nước có lịch tiêm khác nhau về  khoảng cách giữa cắc mũi tiêm Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván là 2-4-6 tháng, hay 3-5-12 tháng chứ không phải là 2-3-4 tháng  như lịch của nước ta. Bộ Y tế sẽ cố gắng không để thời gian tạm dừng này kéo dài mà không có vắc xin thay thế, và việc tiếp tục sử dụng vắc xin sẽ được triển khai càng sớm càng tốt”.

Ông Hiển cho biết thêm, hiện ngành y tế hiện đang tập trung tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc bảo quản vắc xin và thực hành an toàn tiêm chủng của cán bộ y tế; hướng dẫn các bà mẹ cách theo dõi, chăm sóc trẻ sau khi tiêm chủng, phát hiện sớm các trường hợp phản ứng và đưa trẻ tới cơ sở y tế để xử trí kịp thời; thành lập các nhóm phản ứng nhanh với các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng…

“Các bà mẹ khi đưa con đi tiêm chủng cần mang theo sổ tiêm chủng của trẻ, và thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như tiền sử sinh đẻ, tiền sử bệnh tật, tiền sử tiêm chủng, đặc biệt lưu ý thông báo các phản ứng mạnh với lần tiêm vắc xin trước để có chỉ định tiêm vắc xin phù hợp. Trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 48 giờ sau tiêm chủng.  Cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao (>39°C), co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì,  bỏ bú, khó thở, tím tái... để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”, GS Hiển khuyến cáo.

"Vắc xin Quinvaxem được kiểm nghiệm trước khi nhập vào Việt Nam"

Ông Hiển cho biết, vắc xin Quinvaxem đã được Tổ chức Y tế thế giới tiền kiểm định về chất lượng. Trước khi được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng 6/2010, vắc xin lại được Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế của Bộ Y tế kiểm định lại về tính an toàn và chất lượng, và cũng trải qua thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và giai đoạn 3 trên trẻ em Việt Nam, được Bộ Y tế cấp giấy phép sử dụng tại Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới, vắc xin đã được sử dụng ở hơn 90 nước với tổng số hơn 400 triệu liều.


(Nguồn: dantri.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014